Việt Nam xuất hiện ca cúm A lây từ gia cầm sau 8 năm không ghi nhận

20/10/2022 21:01 GMT+7

Ca bệnh cúm A(H5) trên người tại Việt Nam vừa được báo cáo hôm 17.10. Đây là ca bệnh xuất hiện sau 8 năm, từ khi ghi nhận ca gần đây nhất vào tháng 2.2014.

Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 được Bộ Y tế tổ chức hôm nay 20.10.

Cúm gia cầm đã trở lại

LQP

Tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17.10, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Viện) có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ).

Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2.2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).

Về ca bệnh này, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y, Bộ NN-PTNT và địa phương cùng điều tra dịch tễ.

Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần). Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

"Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh cúm A(H5) mới nhất này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng", TS Trần Như Dương đánh giá.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch. Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.

Cùng đó, tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Theo Cục Y tế dự phòng, vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông).

Sự lây nhiễm cúm gia cầm sang người có thể xảy ra qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh qua ăn, uống (thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh; thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...

Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Phòng lây nhiễm cúm gia cầm

1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.

4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.