Viết tiếp giấc mơ nhạc kịch Việt

Hoàng Kim
Hoàng Kim
06/11/2022 07:30 GMT+7

Sân khấu kịch TP.HCM đầu thế kỷ 21 đã tìm tòi những lối đi mới để tồn tại và phát triển. Một trong những lối đi ấy chính là nhạc kịch. Những thành bại đã có, những vui buồn đã nếm trải, và vẫn đang có những đơn vị đeo đuổi giấc mơ làm nhạc kịch Việt.

Hào hứng, chịu chơi

Thật ra thế giới đã làm nhạc kịch từ lâu, giờ mình mới làm thì cũng “cũ người, mới ta”. Nhưng dù sao, khi đã lao vào cái mới thì giới nghệ thuật đều hào hứng. Và hai đơn vị chịu chơi nhất có lẽ là sân khấu IDECAF và Buffalo.

Vở nhạc kịch Tiên Nga của IDECAF nổi bật nhất hiện nay

H.K

IDECAF đã dựng Tin ở hoa hồng coi như vở nhạc kịch đầu tiên của kịch TPHCM. Sự duyên dáng của Thành Lộc - Mỹ Duyên ngày đó đã hớp hồn người ta, cộng với những bản nhạc được sáng tác riêng cho vở rất hay, đến nỗi phải in ra đĩa CD bán và tặng cho khán giả. Ðặc biệt, khi nhạc cất lên thường có vũ điệu ballet của Mỹ Duyên kèm theo khiến vở diễn đẹp như một bài thơ. Âm nhạc rất thuần Việt, dịu dàng và trẻ trung.

Sau đó là Ngàn năm tình sử, Tiên Nga, Lộ hàng. Ngàn năm tình sử nói về cuộc đời danh tướng Lý Thường Kiệt, và Tiên Nga kể chuyện Kiều Nguyệt Nga, có chung màu sắc cổ xưa, nên nhạc được sáng tác trên nền tảng ngũ cung, rất gần với âm nhạc truyền thống, dễ nghe, dễ cảm. Ðến Lộ hàng thì câu chuyện thời đại gay cấn, châm biếm, nên nhạc lại theo hướng mới, nhanh, trẻ, khán giả trẻ rất thích. Chưa kể, 33 kỳ Ngày xửa ngày xưa đều thuộc thể loại nhạc kịch, các em thiếu nhi xem mà thích mê với các màn ca hát, nhảy múa.

Vở nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo

Và hiện nay ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang chuẩn bị cho sân khấu mới của mình đặt trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM với hai vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ Song langChicago, một mang màu sắc cải lương, một mang màu sắc Âu Mỹ. Khán giả đang nôn nao chờ ngày mở màn.

Ðơn vị thứ hai “chuyên trị” nhạc kịch là sân khấu Buffalo của nhóm diễn viên - đạo diễn trẻ Khắc Duy và Hoàng Quân. Họ “khởi nghiệp” khi mới hơn 20 tuổi và lao vào một thể loại khó như vậy với cả trái tim nhiệt huyết. Nếu IDECAF có một đội ngũ nghệ sĩ, đạo diễn lẫn ông bầu dày dặn kinh nghiệm, thì Buffalo đúng nghĩa “trẻ trâu” với hầu hết diễn viên, đạo diễn mới toanh, chưa bao nhiêu tên tuổi, có em còn ngồi ghế nhà trường chưa tốt nghiệp, hăng hái lao vào nhạc kịch với sự non trẻ, thanh xuân của mình. Chicago là vở đầu tiên của họ, nhạc được Việt hóa nhưng vẫn mang âm hưởng Âu Mỹ rõ rệt, cả câu chuyện, trang phục, nét diễn cũng thế, nên thực sự chỉ phù hợp với đa số khán giả trẻ. Nhưng, dù dư luận có khen chê thì họ cũng tạo được cú hích cho sân khấu lúc bấy giờ bởi sự sôi nổi, rộn ràng, mới mẻ. Tiếp đến là High School, câu chuyện học đường cảm động, rồi Vũ nữ, câu chuyện về tình mẫu tử đủ khiến người ta rơi nước mắt, cũng được Việt hóa và vẫn mang âm hưởng Âu Mỹ.

Tôi nghĩ giới trẻ vẫn thích nhạc kịch, quan trọng là mình soạn nhạc có hay không, và diễn viên có đủ thực lực vừa biết diễn, vừa biết ca hát, nhảy múa hay không.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF

Nhưng Buffalo đã tiếp thu dư luận và thử nghiệm với những vở nhạc kịch thuần Việt, như Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Thủy Tinh - Ðứa con thứ 101. Nhạc được sáng tác mới hoàn toàn dựa trên câu chuyện mang bối cảnh Việt, con người Việt, trang phục Việt, tuy nhiên vẫn mang âm hưởng hiện đại, trẻ, năng động, nghĩa là một màu sắc “rất Buffalo”. Thật sự, nói cho công tâm, khi trở về với chất thuần Việt xem ra Buffalo có vẻ yếu hơn khi diễn các vở Âu Mỹ. Bởi với Chicago, High School, Vũ nữ, các bạn trẻ nhảy múa rất đẹp, khoe được thể hình, động tác, thanh xuân, khỏe khoắn, tươi xanh, yêu đời, quyến rũ. Ðó là thế mạnh của các bạn, bù đắp cho phần diễn xuất còn hơi non nớt. Nhưng khi vào vở chính kịch, thuần Việt, các thế mạnh ấy bị che khuất, nhạc cũng không thể viết hay hơn nhạc gốc của Mỹ, thì sức chinh phục đã giảm. Tuy nhiên, sau khi ngưng hoạt động, thì Buffalo vẫn để lại một dấu son trong nền sân khấu, bởi chưa biết khi nào sẽ xuất hiện một nhóm người “chịu chơi” như thế nữa, và chí ít Buffalo cũng viết được một vài trang đặc biệt cho sân khấu đầu thế kỷ 21.

Tốn kém, công phu

Thực tế, không phải ai cũng theo đuổi nổi giấc mơ nhạc kịch, bởi nó tốn kém kinh khủng. Chính ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tiết lộ: “Chi phí rất cao cho nhạc sĩ soạn nhạc, rồi diễn viên phải tập rất cực, mất thời gian, phải tăng thêm cát sê, rồi mỗi đêm lại có hẳn dàn nhạc sống ngồi đàn chứ tôi không chịu thu đĩa cho nghệ sĩ hát theo… Ước tính chiếm tỷ lệ 4/6 hoặc 5/5 trong chi phí toàn bộ vở diễn. Có nghĩa là đội thêm gấp đôi số tiền đầu tư. Mà vé bán cũng không thể quá cao. Cho đến nay Tiên Nga vẫn chưa lấy lại hết số vốn là vì vậy”.

Ðạo diễn Khắc Duy từng tâm sự: “Tụi tôi chạy show bên ngoài kiếm tiền về nuôi giấc mơ của mình. May là tụi tôi làm hầu hết “cây nhà lá vườn”, từ khâu dịch thuật, sáng tác nhạc, đạo diễn, không tốn tiền thuê mướn ai. Nhưng kéo dài thì không trụ nổi, vì không có ai tài trợ”. Thật ra sự tốn kém còn ở chỗ thuê nhà hát giá cao để biểu diễn. Khắc Duy nói: “Nhạc kịch phải dựng hoành tráng, có đủ chỗ để nhảy múa, và rất đông diễn viên. Rạp nhỏ không đạt yêu cầu. Tất nhiên cố diễn thì vẫn được, và phải cắt bớt diễn viên, cắt bớt vũ đạo, vở không đẹp nữa”.

Nhưng dù khó mấy vẫn làm, theo ông Huỳnh Anh Tuấn: “Làm để thấy sân khấu còn chịu nỗ lực, chịu đổi mới, chứ không thể cũ mèm mãi. Tôi nghĩ giới trẻ vẫn thích nhạc kịch, quan trọng là mình soạn nhạc có hay không, và diễn viên có đủ thực lực vừa biết diễn, vừa biết ca hát, nhảy múa hay không. Làm nghề diễn bây giờ phải đa năng như vậy, sân khấu vừa sử dụng họ nhưng cũng phải vừa đào tạo họ, mệt lắm chứ không đơn giản”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.