'Người cầm lái' kể chuyện Bác tìm đường cứu nước

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/04/2022 06:50 GMT+7

Tác phẩm sân khấu Người cầm lái đã kể cuộc đời Bác Hồ , từ những ngày còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung tới khi trở thành cha già dân tộc, qua ngôn ngữ âm nhạc và múa.

Những xúc động từ nhiều đoạn đời

Khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung ôm chặt em vào lòng, cất tiếng hát tha thiết, những tâm tình như một dòng suối chảy xiết. Vào vai Bác Hồ thời thơ ấu, cậu bé Song Tùng có nhiều cảnh diễn mang tâm sự. Có lúc Song Tùng thể hiện sự lo lắng của người anh với em nhỏ vẫn ẵm trên tay, làm sao để chăm sóc em, làm sao để giữ em với gia đình… Có khi lại là giấc mơ của cậu bé nhớ mẹ. Thể hiện nỗi đau quá lớn của cậu bé 11 tuổi đã mất mẹ, mất em, mỗi khi cậu bé cất tiếng gọi em hay gọi mẹ, tình cảm gia đình trong khán giả thêm một lần được đánh thức. Đêm diễn Người cầm lái của Nhà hát Công an Nhân dân vào 24.4 tại Nhà hát lớn Hà Nội có nhiều khoảnh khắc như vậy.

Hình ảnh Bác Hồ trong vở diễn Người cầm lái

Nhà hát Công an nhân dân

“Lần nào tập với Song Tùng tôi cũng khóc vì quá nhiều cảm xúc”, NSƯT Thanh Tâm chia sẻ. Chị là người vào vai bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ. Trên sân khấu Người cầm lái, đây là hình tượng người mẹ được xây dựng kỹ lưỡng về tạo hình. Ở đó, có hình ảnh người mẹ yêu con xen lẫn người vợ tần tảo, chu toàn việc gia đình. Tình thương và sự dạy dỗ kỹ lưỡng của bà là hành trang của vị lãnh tụ dân tộc trong nhiều chặng đường. Hình tượng bà Loan trên sân khấu, vì thế, không chỉ là một người phụ nữ áo nâu giản dị, hình ảnh bà còn gắn liền với những đóa sen hồng, hình ảnh biểu tượng gần gũi với làng Sen ở Nam Đàn, mỗi khi trở về trong giấc mơ của con.

Người cầm lái có ba hồi: Quê hương, Tiếng vọng non sông, Chuyến tàu định mệnh (kịch bản nhạc kịch và tổng đạo diễn: thạc sĩ Tuyết Minh). Qua đó, khán giả dần dần được theo chân Bác đi qua những năm tháng ấu thơ, tới khi có những suy tư về giải phóng dân tộc. Họ cũng được theo chân Người đi qua tuổi trẻ dũng cảm, những năm dài xa xứ tìm đường cứu nước. Hình ảnh của Bác những năm tháng lãnh đạo cách mạng, trở thành người cha già dân tộc cũng là một phần của tác phẩm.

Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ chị đã dành cả năm trời nghiên cứu tài liệu về Bác Hồ để hiểu hơn về cuộc đời của Bác, thấm thía hơn những trải nghiệm của Người. Từ đó, chị có thể lựa chọn những câu chuyện tiêu biểu của từng giai đoạn lịch sử, viết lại bằng ngôn ngữ múa và lời của nhạc kịch. Trong tác phẩm, âm nhạc dân tộc, ngôn ngữ múa dân gian đương đại cũng được sử dụng với khối lượng lớn, nhằm thể hiện tinh thần của một vở nhạc kịch Việt.

Một tạo hình đẹp trên sân khấu

Quang Vinh

Sân khấu đẹp, linh hoạt

Đi qua nhiều chặng của cuộc đời Bác Hồ, vở diễn có nhiều cảnh diễn đẹp. Ở giai đoạn Bác Hồ suy tư và muốn ra đi tìm đường cứu nước, có thể thấy hình ảnh bến Nhà Rồng (Sài Gòn) sáng rực với những con tàu lớn. Trên sân khấu lúc đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (đại úy Lê Hồng Tuân thủ vai) cũng nhỏ bé như nhiều thanh niên khác ở trên bến tàu. Chỉ có điều trong lòng người thanh niên ấy đang dậy lên câu hỏi thời cuộc về đất nước, về dân tộc. Ở một cảnh khác, câu chuyện con tàu, câu chuyện vượt sóng lại được thể hiện kín đáo qua những mái chèo màu nâu đỏ được ghép lại. Cảnh Bác Hồ đứng từ trên cao phóng tầm mắt nhìn quê hương, xung quanh là đồng bào chiến sĩ, cũng cho thấy tư duy xây dựng hình tượng của ê kíp sáng tạo vở diễn.

Phân cảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (cũng do đại úy Lê Hồng Tuân đảm nhận) ngồi viết báo cũng có hiệu ứng đẹp. Nhân vật ngồi trước chiếc máy chữ, viết lên những dòng chữ về cách mạng vô sản. Xung quanh có nhiều người trong trang phục nghèo khổ, thể hiện những cảnh đời lầm than. Một cảnh sân khấu khác cũng nói lên đời sống đã tác động đến tư tưởng của Bác thế nào, đó là cảnh những người dân cùng nhau đấu tranh chống sưu thuế. Đội hình người dàn ngang với nhiều khẩu hiệu cho thấy khí thế mạnh mẽ, lòng quả cảm của họ.

Con tàu lớn và hoài bão lớn của Bác

Quang Vinh

Ngôn ngữ múa cũng cho những hiệu ứng đẹp về hình ảnh đất nước. Trong một phân cảnh, từng rặng tre lay động trên sân khấu, những người con của tre cứ thế bám vào đất, bám vào tre để sống. Chuyển động của họ cũng là chuyển động của tre, của quê hương. Những khu chợ cũng được tái hiện giàu màu sắc. Ở đó, có những giỏ hàng, những quang gánh, những cô thiếu nữ mang đến chợ sự hồn nhiên…

Sau đêm công diễn vào 24.4, Người cầm lái dự kiến sẽ được diễn lại vào ngày 17.5 cũng tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.