(TNO) Theo Vietnam Airlines, việc xin mua lại nhà ga T1 không những phù hợp chủ trương xã hội hóa sân bay mà còn giúp hãng giảm chi phí vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo Vietnam Airlines, việc mua nhà ga T1 sẽ giúp hãng này kinh doanh tốt hơn - Ảnh: Mai Vọng
|
Chiều nay 2.3, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có phát ngôn chính thức về việc xin Bộ Giao thông Vận tải cho mua lại nhà ga T1. Theo đó ngày 26.2, Vietnam Airlines đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị cho phép hãng được mua lại Nhà ga quốc nội T1 (không bao gồm phần mở rộng mới - sảnh E) tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để trực tiếp quản lý điều hành, sử dụng phục vụ cho hành khách và các chuyến bay nội địa của hãng đến và đi từ sân bay Nội Bài.
Theo Vietnam Airlines, việc xin mua lại nhà ga hành khách T1 (không bao gồm phần mở rộng mới - sảnh E) là hình thức phù hợp với chủ chương xã hội hóa hạ tầng cơ sở tại các sân bay ở Việt Nam của Bộ Giao thông Vận tải để tạo nguồn vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển các dự án mới. Đồng thời, cách thức này sẽ giúp hãng có điều kiện thuận lợi trong việc tìm biện pháp giảm chi phí vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện khai thác; quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ và thuận lợi cho hành khách.
Cũng theo Vietnam Airlines, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là một trong hai sân bay căn cứ lớn nhất của hãng. Đối với nhiều nước trên thế giới, các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay căn cứ để phục vụ riêng các chuyến bay, hành khách của mình là rất phổ biến.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online chiều nay, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thông qua chủ trương về nhượng quyền khai thác thì các hãng hàng không đã xúc tiến, điều này cho thấy chủ trương là phù hợp.
“Việc chuyển nhượng khai thác phải đảm bảo đúng mục đích và phải có sự kiểm soát của Nhà nước, chứ không có nghĩa mua hay nhận chuyển nhượng xong thì xem như là của mình. Điều này sẽ được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như hợp đồng nhượng quyền”, ông Thanh nói và cho biết, hiện nay, Cục Hàng không đang phối hợp với các đơn vị xây dựng phương án cụ thể để trong tháng 3 này trình lên các cấp có thẩm quyền quyết định.
Bình luận (0)