Vietnam Airlines ‘thoát’ âm vốn chủ sở hữu

Mai Hà
Mai Hà
14/12/2021 14:31 GMT+7

Từng trình kế hoạch dự báo lỗ 12.900 tỉ đồng năm 2021, song nhờ gói 12.000 tỉ đồng vay ưu đãi của Chính phủ và các biện pháp tái cơ cấu vốn, Vietnam Airlines đã thoát tình cảnh âm vốn chủ sở hữu.

Sáng 14.12, Vietnam Airlines đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, trình thông qua đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, cho biết năm 2021, hãng trình kế hoạch lỗ 12.907 tỉ đồng. Kế hoạch này được đưa ra trên cơ sở tính toán tình hình dịch Covid-19 xấu hơn rất nhiều so với năm 2020, tài chính của VNA rất xấu và các hãng cũng tương tự.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11.2021, kết quả kinh doanh được đánh giá khả quan hơn so với dự báo hồi đầu năm. Đặc biệt, nhờ giải ngân được 60% gói 12.000 tỉ đồng vốn vay ưu đãi của chính phủ, đã kịp thời hỗ trợ thanh khoản cho VNA, giúp hãng này không rơi vào trạng thái mất thanh khoản.

Cụ thể, theo ông Hiền, vốn chủ sở hữu của VNA hết quý 2/2021 âm trên 2.700 tỉ đồng. Song nhờ bổ sung dòng tiền từ gói 12.000 tỉ đồng nên tới quý 3 năm nay, vốn chủ sở hữu đã dương.

“VNA đang xây dựng trình các cấp tái cơ cấu phục hồi năng lực tài chính. Quan điểm là dựa trên nhiều kịch bản, giả định tình huống để đảm bảo bao quát khả năng phục hồi của thị trường, đảm bảo không lỗ luỹ kế, âm vốn chủ sở hữu”, ông Hiền nói.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Minh tuấn

Còn theo ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trong quý 3, hãng đã hoàn thành kế hoạch phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và ký kết hợp đồng vay vốn 4.000 tỉ đồng với các ngân hàng thương mại.

Nhờ được bổ sung nguồn vốn, Vietnam Airlines đã giải tỏa phần náo áp lực dòng tiền, cải thiện khả năng thanh toán đồng thời có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai.

Trước dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế về hoạt động vận tải hàng không năm 2022, Vietnam Airlines đã xây dựng các kịch bản khác nhau để điều hành sản xuất kinh doanh, phát triển mạng bay và đội bay phù hợp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa để tăng doanh thu, thực hiện tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để cải thiện các cân đối tài chính, nhanh chóng phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu Covid-19...

Đề xuất bay quốc tế tới châu Âu, Úc

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết năm 2022 hãng đã xây dựng phương án kịch bản điều hành căn cứ vào dự báo của IATA về sự phục hồi của hàng không quốc tế và nội địa, phương án phòng chống dịch các nước và Việt Nam.

Đáng chú ý, dự báo vận tải hàng không nội địa sắp tới chỉ quay về mức 70 - 75% so với giai đoạn 2019 trước Covid-19, vận tải quốc tế 20 - 25% so với trước Covid-19 và quay trở lại tăng dần vào quý 4/2022. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi cuối 2023 với vận tải nội địa và 2024 với thị trường quốc tế.

Để bay trở lại quốc tế, VNA đang chuẩn bị bằng việc khai thác thí điểm tới 5 tỉnh thành được Chính phủ cho phép, kết hợp với các công ty du lịch. “Chính phủ quyết định thời điểm mở lại bay quốc tế là tín hiệu vui. VNA đã chuẩn bị và sẵn sàng mở lại bay quốc tế tới các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ. Hãng sẽ tiếp tục báo cáo xem xét mở rộng thêm các nước mở đường bay quốc tế như đi châu Âu, Úc vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường người Việt ở nước ngoài nhiều nhất là sát dịp tết Nguyên đán”, ông Hà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.