Năm 2020 là năm đầu tiên Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) tổ chức cuộc thi với chủ đề “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng động vật hoang dã (ĐVHD). Cuộc thi gồm 2 hạng mục là “Giải báo chí” dành cho các nhà báo, phóng viên và “Giải mạng xã hội” dành cho những người dùng mạng xã hội chia sẻ các câu chuyện của mình. Cuộc thi thu hút hơn 200 bài dự thi.
|
Anh Bùi Văn Tuấn, giải Nhất hạng mục “Giải mạng xã hội”, người có hơn 10 năm làm công tác bảo tồn ĐVHD, chia sẻ: “Điều tôi trăn trở nhất vẫn là bà con ở những vùng khó khăn vẫn chưa hiểu biết về pháp luật, chưa biết việc săn bắt là trái phép, vì vậy nhiều người vì hoàn cảnh mà phải làm công việc đó. Tôi đang thực hiện các bộ phim tư liệu để giáo dục, tuyên truyền. Khi mọi người đủ hiểu biết và nhận thức, tôi tin mỗi người sẽ là 1 sứ giả về bảo vệ môi trường, nói không với tiêu thụ ĐVHD”.
Ở hạng mục “Giải báo chí”, giải Nhất trao cho các tác giả Lam Anh - Hoàng Chiên với chuỗi bài phóng sự điều tra đường dây buôn án hổ xuyên quốc gia, đăng trên báo điện tử Dân Việt.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, sáng lập và giám đốc CHANGE cho biết: “Năm 2019, Việt Nam đứng đầu thế giới về buôn lậu tê tê. Đây là những thống kê báo động về tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD”.
“Chúng ta cần phải thay đổi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới,” bà Minh Hồng nói.
|
|
Trước lễ trao giải, tổ chức CHANGE tổ chức buổi chia sẻ kết quả khảo sát thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ĐVHD.
Tại buổi chia sẻ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong 50 năm gần đây các bệnh lây từ động vật qua con người nhiều hơn. “ĐVHD trở thành vật chủ trung gian lây truyền virus sang người. Trong quá trình giết mổ, virus có trong động vật có cơ hội lây qua cho người, kết hợp với các virus trong người tạo nên một chủng mới gây bệnh. Các dịch bệnh như H5N1, SARS đã cho thấy điều đó”, ông Nga nói.
Ông Nga cho rằng, 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ ĐVHD, nhằm cắt đứt các nguồn lây virus, dịch bệnh.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), chuyên gia xã hội học cũng nhận xét, thói quen tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD sẽ đe dọa đến môi trường tự nhiên cũng như sức khỏe của con người.
Ông nói: “Người dân vẫn đồn đại với nhau các sản phẩm như ngà voi có tác dụng tâm linh, rồi tâm lý động vật nuôi thả ở tự nhiên thì ngon hơn động vật nuôi nhốt. Các nhà khoa học đã chứng minh điều đó là không đúng nhưng thực tế vẫn tồn tại”.
|
Bình luận (0)