Violin "giao duyên" với cải lương giữa phố

07/05/2013 03:30 GMT+7

Nhạc cổ điển phối ngẫu với cải lương, nhạc jazz và chầu văn, nhạc điện tử và đàn đáy, piano và tuồng - âm nhạc thể nghiệm lần đầu tiên được đưa ra phố.

Luala Concert đã bước sang năm thứ ba với nhiều hơn những tham vọng. Chương trình không còn chỉ hướng đến việc phổ biến âm nhạc, những dòng nhạc hàn lâm như giao hưởng, thính phòng, hay những dòng nhạc còn chưa quen thuộc như jazz, mà đã nghĩ đến chuyện đưa khán giả tới với âm nhạc mới - âm nhạc thể nghiệm. Nghệ sĩ thể nghiệm bị hạn chế không gian sáng tạo, còn công chúng thì ngại ngần vì định kiến đó là thứ âm nhạc “khó hiểu”. Không gian âm nhạc thể nghiệm, nơi nghệ sĩ được thể hiện còn khán giả được hiểu thế nào là nhạc thể nghiệm, diễn ra ngay ở góc phố nhỏ Lý Thái Tổ (Hà Nội) trong suốt ba tuần lễ.

Trình diễn trích đoạn vở tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo giữa góc phố
Trình diễn trích đoạn vở tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo giữa góc phố - Ảnh: Luala 

Người ta có khi ngạc nhiên khi thấy nhạc jazz với tiếng kèn saxophone, tiếng trống, tiếng guitar cùng những giai điệu của cải lương, hát văn, những âm thanh điện tử bên cạnh tiếng đàn đáy, đàn tranh, đàn môi. Người ta có khi giật mình khi xem lại những trích đoạn chèo, tuồng cổ như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Xúy Vân giả dại… trên nền tiếng đàn piano, hay bản cải lương Hồn Việt được hòa tấu với những cây đàn violin.

m nhạc đương đại đã đến gần với công chúng, nhưng được tiếp nhận ra sao lại là chuyện khác. Nhiều tác phẩm nhạc thể nghiệm đã được ghi nhận với những sáng tạo của người nghệ sĩ. Và những cuộc phối ngẫu này có thể giống như cây cầu nối để người Tây hiểu nhạc ta, còn người ta hiểu nhạc Tây, hay thậm chí cả người trẻ ta hiểu về vốn nhạc cổ truyền. Nhưng chẳng ít người ngần ngại, rằng âm nhạc kiểu này là sự kết hợp quá táo bạo, nặng lời hơn là đang phá hỏng “bản thể” của các thể loại âm nhạc, Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta. Nhưng, âm nhạc luôn là dòng chảy. Nhạc thể nghiệm sẽ trở thành dòng chảy chính nếu chứng minh được giá trị nghệ thuật và được công chúng đương đại chấp nhận. Vậy sao ta không mở lòng thử đón nhận những cái mới và coi nhạc thể nghiệm đơn giản giống như cuộc chơi âm nhạc? Nhiều khán giả đã dừng lại góc phố nhỏ lắng nghe và thưởng thức, những thể nghiệm của các nghệ sĩ bắt đầu đã có công chúng.

Nghệ sĩ violin Nguyễn Xuân Huy, người tham gia trình diễn tác phẩm cải lương Hồn Việt, từng nói “cái mới chưa chắc đã là cái hay”. Nhưng anh và các nghệ sĩ luôn mong những cái mới do mình tạo ra đang đi đúng đường chuẩn, có thể hiểu là dù sáng tạo thế nào cũng sẽ không “phá” nghệ thuật.

Minh Ngọc

>> Tài năng violin trẻ người Mỹ trình diễn tại Hà Nội
>> Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy biểu diễn tại nhà hát TP.HCM
>> Cải lương
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương loay hoay làm mới
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Học" cải lương tại bảo tàng
>> 'Tiếng vạc sành'' được chuyển thể cải lương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.