|
>> Đoạt hồn': Nhiều hơn nỗi sợ
>> Sự suy tàn của nền văn minh
>> Thế giới tối của Park Chan Wook
Phải mất rất nhiều năm để điện ảnh Đài Loan hoàn toàn thoát ra khỏi sự lũng đoạn thị trường của những bộ phim giải trí Hồng Kông, và cho tới ngày hôm nay, nền điện ảnh của lãnh thổ này thực sự đã làm cả thế giới ngạc nhiên.
Không cần phải đợi đến Oscar 2006, khoảnh khắc đạo diễn Lý An được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất qua bộ phim Brokeback Moutain thì vị thế của điện ảnh Đài Loan mới được khẳng định. Vào những năm 1980, phong trào Làn sóng mới do hai nhà làm phim Hầu Hiếu Hiền và Dương Đức Xương khởi xướng đã tạo thành một cuộc cách mạng ý nghĩa đối với điện ảnh Đài Loan nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung. Dường như có một chút ảnh hưởng từ Tân hiện thực Ý, những đạo diễn thuộc Làn sóng mới Đài Loan bắt đầu thay đổi kiểu làm phim theo lối mòn trong trường quay sơ sài cùng lối diễn xuất nặng sân khấu, họ tìm đến sự phóng khoáng, tinh tế và riêng biệt. Họ tiếp cận sâu hơn những bi kịch đương đại của quê hương mình, những mặt trái chính trị, những thân phận con người, những nỗi buồn đô thị... A City of Sadness của Hầu Hiếu Hiền gây chú ý khi trở thành tác phẩm nói tiếng Hoa đầu tiên giành được Sư tử vàng tại LHP Venice 1989. Bản thân Hầu Hiếu Hiền cũng là một tượng đài của dòng phim nghệ thuật với tư duy xuất sắc và lối làm phim đầy sáng tạo.
|
Trái ngược lại những thành tựu mà các đạo diễn như Hầu Hiếu Hiền hay Dương Đức Xương đạt được trên trường quốc tế, tại chính Đài Loan, tác phẩm của họ lại bị hững hờ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là nguồn cảm hứng vô tận mà Làn sóng mới mang lại đã đưa điện ảnh Đài Loan sang một trang khác. Những quy định khó chịu về kiểm duyệt phim đã được các nhà cầm quyền Đài Loàn gỡ bỏ. Bên cạnh đấy, tinh thần cách tân của điện ảnh Đài Loan không ngừng được kế thừa và phát huy. Sau thế hệ Hầu Hiếu Hiền và Dương Đức Xương, Thái Minh Lượng là tên tuổi nổi bật nhất. Và cũng giống như bậc tiền bối Hầu Hiếu Hiền, mặc dù danh tiếng tầm cỡ thế giới, song những tác phẩm của Thái Minh Lượng lại không hề được khán giả quê nhà đón nhận. Thái Minh Lượng khiến người ta tin tưởng vào sự vững vàng của điện ảnh Đài Loan, một nền điện ảnh không ngừng sản sinh ra những bậc thầy. Vive L’amour được Thái Minh Lượng làm năm 1994 đã nói lên được điều đó khi bộ phim nối tiếp A City of Sadness trở thành tác phẩm thứ hai của Đài Loan giành được giải thưởng Sư tử vàng tại LHP Venice.
|
Đài Bắc trong Vive L’amour là một bức tranh u buồn. Vive L’amour có ba nhân vật làm ba công việc khác nhau. May Lin, cô gái lỡ thì làm nhân viên môi giới nhà đất, Ah-Jung - anh chàng đồng tính làm tiếp thị dịch vụ hỏa táng và Hsiao-Kang, gã trai đẹp mẽ buôn bán quần áo cũ ngoài chợ trời, ba công việc đặc trưng ở Đài Loan những năm 1990, thời điểm mà Đài Loan đang vươn mình thành một trong bốn con rồng châu Á. Thái Minh Lượng tập trung quan sát con người và nỗi ám ảnh tự nhiên của họ trong guồng quay thành thị, thấu đáo và hài hước, ông nhìn thấy vẻ chới với ở cả ba con người ấy trước sự phát triển mạnh mẽ của thế giới xung quanh. Cả ba nhân vật thoáng qua đời nhau tại một căn hộ thông tầng rộng lớn đang trong quá trình rao bán. Ah-Jung bước ngang qua căn hộ, hắn phát hiện ra chiếc chìa khóa bị May Lin bỏ quên ở lại, và từ hôm đó, căn hộ là nơi chốn đi về của hắn. Cũng tại căn hộ, May Lin dắt gã trai Hsiao-Kang tình cờ gặp ngoài đường về để quan hệ. Ngày hôm sau, Ah-Jung bỗng dưng có một hàng xóm bất đắc dĩ sau khi chiếc chìa khóa thứ hai của May Lin bị Hsiao-Kang lấy trộm.
Tất cả các nhân vật trong Vive L’amour đều rơi vào trạng thái trống rỗng, không gia đình, không nhà cửa, không tình yêu, và họ như đứng bên lề của đô thị hiện đại, nơi mà nỗi cô đơn đang bóp nghẹt sức sống mỗi người. May Lin, Ah-Jung và Hsiao-Kang đều đơn độc trên hành trình của họ. Có vẻ như, Thái Minh Lượng không hề muốn lãng mạn hóa nỗi cô đơn kia lên bằng những khuôn hình “xấu” thương hiệu và việc hạn chế tối đa âm thanh, thậm chí xuyên suốt bộ phim, ông đã không sử dụng bất kỳ một điệu nhạc nào. Vive L’amour là một thứ cảm xúc khô khốc thử thách kiên nhẫn người xem vô cùng. Trong một thành phố như Đài Bắc, chả ai nói chuyện với ai ngoài đôi ba cuộc điện thoại trao đổi công việc. Người ta thấy May Lin nặng nề trên đôi giày cao gót vào buổi sáng khi cô ta đứng trên đầu chiếc xe ô tô để dán tờ bướm quảng cáo bán nhà, vào buổi trưa khi cô ta ngồi chồm hổm một mình chờ khách hàng đến và vào buổi tối khi cô ta bước lững thững đi tìm bạn tình. Rất có thể May Lin đã biết sự đột nhập của ai đó trong căn hộ, rất có thể không. Nhưng mọi thứ đều chẳng phải là vấn đề quan trọng. Dù sao thì, May Lin vẫn luôn lạc lối trong nỗi cô đơn của cô ta. Giống như May Lin, Ah-Jung là một hình ảnh khác của nỗi cô đơn và sự bất lực. Ah-Jung bất lực đến nỗi ngay cả chết hắn cũng không dám, và rồi, hắn đóng vai kép chính trong một vở kịch cuộc đời chỉ có duy nhất một diễn viên tham gia. Ban ngày, hắn chơi đùa cùng quả dưa hấu và ban đêm, hắn mặc lên người mình chiếc váy màu đen, điệu đà, ưỡn ẹo, múa may... sau đấy, hắn hít đất vài chục cái trong cái váy màu đen này. Về phần Hsiao-Kang, gã luôn xuất hiện ở khung hình hoặc có May Lin hoặc có Ah-Jung. Lần duy nhất Hsiao-Kang kẹp giữa hai người là khi gã cùng May Lin mây mưa trên giường, và bên dưới gầm giường, qua một lớp ngăn, Ah-Jung đang tự thỏa mãn.
Sáng hôm sau, mỗi người trở về cuộc sống của riêng họ. May Lin bước thật nhanh trên con đường mà có lẽ, cô đã đi qua đó hàng trăm lần. Vào một buổi sớm tinh mơ tại Đài Bắc, May Lin bật khóc tức tưởi. Có lẽ, cô cũng đã khóc như vậy hàng trăm lần.
Ngân Vi
>> Transformers 4: Chẳng có gì ngoài hủy diệt
>> The Babadook': Tuyệt phẩm mới của dòng phim kinh dị
>> Chef' - Giai điệu ngẫu hứng
>> Siêu phẩm 'X-men: Days of future past' - Cơn bừng tỉnh của gã hippy
Bình luận (0)