Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt Tập đoàn FLC) về 2 tội danh, gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.
Theo cáo buộc, ông Quyết là người chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ Công ty CP xây dựng Faros (gọi tắt là Công ty Faros) từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, sau đó đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS, bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng chỉ đạo phi vụ "thổi giá" 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, qua đó thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.
Đáng chú ý, cáo trạng xác định giúp sức cho hành vi phạm tội của ông Quyết có nhiều bị can là người thân của ông này, bao gồm Trịnh Thị Minh Huế (em gái), cựu kế toán tổng hợp của Tập đoàn FLC.
Tích cực giúp sức anh trai
Theo Viện KSND tối cao, bị can Trịnh Thị Minh Huế là một trong những người giúp sức tích cực nhất cho anh trai Trịnh Văn Quyết, trong việc thực hiện cả 2 hành vi lừa đảo và thao túng cổ phiếu.
Đối với hành vi lừa đảo, bà Huế là người trực tiếp nhận chỉ đạo của ông Quyết, soạn thảo toàn bộ các biên bản họp HĐQT, nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ của Công ty Faros, sau đó chuyển các thành viên HĐQT ký hợp thức.
Bà Huế cũng soạn thảo các hợp đồng chuyển nhượng, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, chuyển cho các cá nhân là người thân tín của ông Quyết. Các cá nhân này thông qua bà Huế tiếp tục ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Viện kiểm sát tối cao truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Với chuỗi hành vi trên, Công ty Faros đã có 5 lần nâng vốn điều lệ, "nhảy vọt" từ 1,5 tỉ đồng lên tới 4.300 tỉ đồng, trong đó có đến hơn 3.100 tỉ đồng là vốn ảo. Tiếp đó, công ty này niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt của họ hơn 3.600 tỉ đồng.
Với hành vi thao túng cổ phiếu, bà Huế tiếp tục nhận chỉ đạo từ anh trai Trịnh Văn Quyết, mượn giấy tờ của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC để thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán.
Các tài khoản đều được cấp khống tiền với mục đích thao túng thị trường 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Tiếp đó, bà Huế cùng những người liên quan liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu), mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa đóng cửa, đặt lệnh mua bán sau đó hủy lệnh...
Trong khoảng thời gian từ tháng 5.2017 - tháng 1.2022, nhóm bị can "thổi giá" 5 mã cổ phiếu nêu trên, sau đó "xả bán", thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.
Kết luận về dấu hiệu "chiếm đoạt tài liệu mật"
Quá trình giải quyết vụ án, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan tố tụng còn xem xét dấu hiệu "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" của bị can Trịnh Thị Minh Huế và những người liên quan.
Theo đó, ngày 29.3.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành lệnh khám xét tại phòng công nghệ thông tin, văn phòng Tập đoàn FLC, đã trích xuất dữ liệu lưu trữ của email huetm@flc.vn từ máy chủ có địa chỉ IP là 192.168.60.252.
Lực lượng công an phát hiện tại thời điểm ngày 10.6.2020, email huetm@flc.vn là của bị can Huế, có hình ảnh công văn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Công văn này được đóng dấu "tối mật", có nội dung về việc đề nghị cung cấp thông tin một số doanh nghiệp và cá nhân đại diện theo pháp luật.
Ngày 12.9.2023, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) ban hành kết luận giám định, kết luận "mẫu giám định… không phải là tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành".
Do đó, Viện KSND tối cao kết luận hành vi của bị can Trịnh Thị Minh Huế không đủ yếu tố cấu thành tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, quy định tại điều 337 bộ luật Hình sự năm 2015.
Bình luận (0)