Đậu phộng luộc hoặc rang từ xưa đến này vốn là món ăn đỡ buồn miệng của giới bình dân Sài Gòn |
Từ xưa ai cũng biết câu, buôn có bạn, bán có phường. Ở đất Sài Gòn lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy hàng trăm phố mua bán những loại hàng hóa giống nhau. Nhưng riêng về món ăn, dám cá nếu nói Sài Gòn có cả một phố bán đậu phộng nấu, đậu phộng rang thì người sành sỏi đất địa này cũng phải ngạc nhiên.
Ở góc đường Trang Tử - Nguyễn Thị Nhỏ (quận 6) gần bến xe Chợ Lớn, chúng tôi bắt gặp một phố bán đậu phộng. Trong khoảng trên dưới một trăm mét có hàng chục điểm bán, với đủ dạng thúng rổ, vun đầy đậu phộng.
Phố bán đậu phộng này họp chợ từ sáng cho tới tận khuya. Dân bán đậu phộng đa phần không phải là người thành phố, họ từ miệt Trảng Bàng hoặc Đức Hòa - Đức Huệ và bằng đủ mọi phương tiện, họ đưa mỗi món đậu phộng xuống bán, ế đắt gì không biết, đến gần sáng lại quay về quê nhà.
Về chất lượng đậu phộng của miệt đất cát Trảng Bàng, Đức Hòa thì xưa nay nhất hạng. Chợ Lớn xưa có những quầy bán sỉ đậu phộng sống chất cao như gò, nhưng cái chuyện có cả một phố bán đậu phộng luộc, đậu phộng rang cát còn vỏ thì phải đến thời nay mới phát sinh.
Có người cho rằng, cứ coi cảnh quán nhậu mở tràn lan đầy đường, ngập hẻm là biết món nhắm này tất nhiên phải "trên đường phát triển". Lại nữa cái món đậu phộng luộc, đậu phộng rang mang tính "kinh tế quốc dân" rất cao, tạo công ăn việc làm cho bà con nhập cư nghèo mang đến từng bàn nhậu để bán.
|
Bàn thêm chút nữa thì có người cho rằng nếu thấy chủ quán nhậu lệnh cho nhân viên bảo vệ đuổi thẳng tay dân bán đậu phộng, xoài, bánh tráng... là biết tay chủ là dân không tử tế.
Thật ra món đậu phộng nấu và rang không chỉ phục vụ dân nhậu. Lúc chúng tôi ghé mua thì cũng thấy rất đông khách hàng tấp xe vào mua về cho gia đình ăn. Đậu phộng luộc hoặc rang từ xưa đến này vốn là món ăn đỡ buồn miệng của giới bình dân Sài Gòn.
Chúng tôi hỏi chuyện với cô bán đậu phộng tên Diễm, đến từ Đức Hòa. Cô cho biết: "Khoảng trưa, xe ba gác chở em xuống bán, từ khoảng 4 giờ chiều tới chừng nào hết hàng thì lại lên xe ba gác cho nó lôi về trển." Được biết mỗi ngày cô bán trên 50 kg đậu phộng, kiếm lời trên dưới khoảng 200.000 đồng.
Hỏi chuyện với một ông tuổi trung niên chở theo con từ trường học về, ông nói: "Tôi mua cho tụi nhỏ nó ăn để bớt ăn ba cái kẹo bánh bậy bạ. Đời bây giờ tin vô ba cái thứ kẹo bánh bao bì màu mè là chết với hàng Trung Quốc. Rồi ông quay sang bà bán hàng lên giọng trách khơi khơi. "Hỏng chắc mấy bà nấu đậu đàng hoàng không nữa, đừng có bỏ ba cái thứ bậy bạ nghe!"
Trước đây món bắp luộc cũng được nhiều người ưa và nuôi sống được nhiều gia đình chuyên nghề bán hàng rong, nhưng từ ngày có tin nấu bắp bằng pin thì món bắp luộc bị tẩy chay rất tội nghiệp.
Chuyện những người dân ở phố bán đậu phộng kiếm sống được bao năm phần nào đó cho thấy những món ăn dân dã đồng quê vẫn rất được người Sài Gòn ưa chuộng. Ngay cả giới trẻ ngày nay hễ thấy đậu nấu, bắp luộc, khoai nướng... là thích, thậm chí các món này còn được chào mời ở các nhà hàng sang trọng với khách nước ngoài.
Có người đặt câu hỏi rằng liệu du nhập ào ạt các loại thực phẩm ăn chơi, ăn nhanh của các thương hiệu nổi tiếng thế giới thì tương lai các món ăn dân dã đơn sơ có còn tồn tại không?
Thật khó có câu trả lời nhất là trong trong tình trạng chế độ hiện hành mất kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ biết lúc này, nếu ai có thú ăn vặt và có ký ức đậm đà về các món ăn đồng quê chân chất thì hãy đến phố bán đậu phộng ở Chợ Lớn, mua đôi ba ký về để cùng gia đình, bè bạn ăn cho vui miệng, vui chuyện, bảo đảm rẻ rề.
Trần Tiến Dũng
Ảnh: Giang Vũ
Phố đậu phộng Chợ Lớn
Ngã tư Trang Tử - Nguyễn Thị Nhỏ, phường 2, quận 6
Họp chợ từ sáng cho đến tận khuya
Bình luận (0)