Vợ chồng cùng lên đường

27/09/2022 09:00 GMT+7

Đại dịch Covid-19 ở TP.HCM đã qua đi ngót một năm. Một năm rồi nhưng những khoảnh khắc khủng khiếp ấy như vẫn còn hằn in trong tâm trí biết bao con người trên quê hương và nhất là những người ở tại thành phố này!

Lúc bấy giờ, người người trốn kỹ trong ngôi nhà, trong phòng trọ bé nhỏ của mình để mong thoát khỏi “nanh vuốt” Corona! Ngược lại, ngoài kia, biết bao chiến sĩ áo xanh, áo trắng vẫn đang dấn thân không chút ngại ngần, tất cả vì sự sống của cả thành phố này, tất cả vì những người dân hiền lành vô tội! Kể sao xiết những tấm gương sáng ngời ấy!

Bức thư của con gửi cho anh chị

TGCC

Vâng, bắt đầu dịch bùng lên thì quận 8 là nơi có số ca nhiễm đứng nhất nhì thành phố. Quận 8 (TP.HCM) có chợ Bình Điền, chợ đầu mối lớn nhất miền Nam nên điều này khó lòng tránh khỏi việc lây lan dịch bệnh Covid-19 từ đây!

“Anh đi hay em đi…”?

Họ nhìn nhau không chớp mắt… “Thôi, anh để em. Anh ở nhà lo cho con”. “Không, anh cơ!”…

Họ giành nhau. Rút cục rồi… cả hai cùng ở lại bệnh viện chống dịch!

Bệnh viện Quận 8, nơi cả hai vợ chồng cô điều dưỡng trưởng Hồng Hà -Phong Thuận làm việc bỗng biến thành bệnh viện chữa Covid-19 lúc nào chả rõ! Rồi chẳng mấy chốc, bệnh viện quá tải với bệnh nhân la liệt! Một số trường học ở quận 8 biến thành bệnh viện dã chiến thu dung! Lại tiếp tục thiếu y - bác sĨ trầm trọng! Hai vợ chồng Hà - Thuận được điều sang trường tiểu học An Phong thuộc phường 7 quận 8 cùng 4 đồng nghiệp ngay từ những ngày đầu để dọn dẹp, sắp xếp, chuẩn bị cơ sở vật chất làm thành khu cách ly chữa covid cho dân!

Họ cùng nhau lên đường không chút ngại ngần, và còn thằng cu Ken mới học xong lớp ba quyết định sao đây?!

Không thể đem Ken lên phường 6 gửi ông bà ngoại vì khu xóm của gia đình Hồng Hà đang bùng dịch. Cha mẹ Hà lớn tuổi, đầy bệnh nền. Bà nội ở xa hơn chút, cũng bệnh nền. Lại đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt… Tốt nhất ở đâu cứ yên đấy cho an toàn.

Họ về căn nhà nhỏ trong khu xóm nhỏ tít ở phường 7, quận 8 để thu vén vội đồ đạc cá nhân, cùng ít gói mì tôm… Và quyết định… gửi bé Ken cho hàng xóm, cho bác kế bên nhà qua lại trông nom giúp, bởi Ken không chịu qua nhà hàng xóm ở. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Hàng xóm tốt bụng cưu mang bé để cả hai vợ chồng yên tâm lên đường chống dịch. Dặn dò con xong, gửi gắm láng giềng xong, vợ chồng Hà lên đường. Thế là Ken ở nhà một mình.

Cậu bé có đôi mắt sáng đượm chút buồn buồn cứ chiều chiều sau khi bác hàng xóm đem cơm qua cho bé ăn xong, lại đeo khẩu trang ngồi trước cửa ngóng mẹ cha. Có hôm bé lấy bút viết đầy lên chân “Mẹ ơi, bao giờ về với con!?”. Bác hàng xóm chụp tấm hình ấy gửi cho vợ chồng Hà. Hai người không cầm được nước mắt.

Hai vợ chồng điều dưỡng Hồng Hà - Phong Thuận

TGCC

Trường tiểu học An Phong. Bệnh viện dã chiến thu dung mang tiếng gần nhà, chứ nào có dám về. Lâu lâu vợ hoặc chồng lén tạt ngang cửa, nhìn bóng con trong nhà đang nói chuyện một mình với bàn ghế, mấy vỏ thùng các tông, rồi lại vội vàng quay xe đi. Mọi liên lạc với con, việc nhờ vả hàng xóm, nhất nhất đều qua chiếc điện thoại, vật bất ly thân.

Khu cách ly An Phong kể từ lúc vừa thành lập hầu như lúc nào cũng tròm trèm 200 ca F0 điều trị và theo dõi. Công việc luôn tất bật suốt ngày, có khi cả đêm không ngủ. Nào lo cái ăn, nước uống, nào thuốc men, nào coi sóc việc giữ gìn vệ sinh nơi phòng các F0 ở, nhất là nhà vệ sinh công cộng, bởi đây là trường học chứ không phải bệnh viện! Trăm thứ việc không tên cùng đồng hành với họ…

Đang căng thẳng vậy mà đùng một cái, hai vợ chồng nhận được tin nhà cho hay mẹ chồng mất. Còn gì đau xót bằng khi chăm sóc cho người ngoài tận tâm tận lực thì được, nhưng người mẹ dứt ruột đẻ ra mình, ốm đau lại không thể về chăm sóc. Còn gì xót xa bằng khi nơi vợ chồng đang làm việc và nhà mẹ chỉ cách một con sông (Kênh Đôi), mẹ mất mà không thể về chịu tang!

Hai ngày thừ người như kẻ mất hồn, khóc sưng mắt, vợ chồng bật dậy động viên nhau! Phải lấy công việc cứu người để quên đi nỗi mất mát đau thương. Mỗi ngày, vợ lại xách giỏ nhựa với bên trong nào máy đo huyết áp, máy đo SpO2, cặp nhiệt độ…, cùng chồng đi từng phòng, đến từng giường bệnh để lấy dữ liệu, hỏi thăm từng bệnh nhân… Tình hình F0 nào căng thẳng thì cho chuyển lên tuyến trên lập tức… Mỗi ngày còn hướng dẫn mọi người ra sân phơi nắng, tập thể dục, tập hít thở…

Cu Ken ở nhà, đêm không dám ngủ trong phòng vì vô đó… thấy nhớ ba mẹ! Ken lấy mấy vỏ thùng nước suối, mì tôm, chồng ghế nhựa, quây lại làm nhà chòi và… chui vào bên trong ngủ, lúc ăn cũng chui vào “nhà” này. Cứ thế kéo dài mấy tháng trời…

May mắn, cả hai vợ chồng cùng tất cả y-bác sỹ trong khu cách ly An Phong suốt mấy tháng khốc liệt như vậy mà không ai bị nhiễm cả. Một điều thật may mắn đến diệu kỳ!

Thấm thoát, tết Trung thu lại đến, bệnh viện dã chiến của Hà liên lạc được một số Mạnh Thường Quân lo quà, bánh cho từng người, đặc biệt là những em nhỏ, rồi ca hát… để người bệnh quên đi thời gian, được vui chơi cho mau khỏi bệnh.

Sang tháng mười, tình hình dịch bệnh ổn dần, bệnh viện dã chiến giải tỏa, Hồng Hà trở về bệnh viện Quận 8 tiếp tục công việc. Nhưng ông xã Phong Thuận của cô lại tiếp tục đi chống dịch! Anh nhận nhiệm vụ mới ngay và luôn, đó là bệnh viện dã chiến số 1 của quận 8.

Đến tháng 12, dịch tương đối ổn, bệnh viện mới giải tán, anh lại tiếp tục theo Trạm Y tế lưu động của quận!

Đến tận tháng 5.2022 Thuận mới chính thức trở về công tác tiếp tục ở bệnh viện Quận 8 cùng vợ!

Như vậy gần một năm trời chồng của Hà đi chống dịch!

Tôi hỏi Hồng Hà “giai đoạn dịch căng thẳng nhất, cả hai vợ chồng cùng chống dịch ở một nơi như vậy… có sợ không? Ngộ nhỡ có điều gì…”, Hà nhoẻn miệng cười trên gương mặt phúc hậu và cặp mắt to đen lanh lợi, trả lời: “Dạ không, lúc đó hai vợ chồng em cùng chống dịch chung một chỗ lại cảm thấy thuận lợi. Tụi em hỗ trợ cho nhau, dặn dò nhau, và dặn các nhân viên y tế cùng bảo trọng. Nên nhiều lúc cũng thấy vui lắm. Anh em, đồng đội làm chung mấy tháng trời, thân thiết như cùng một nhà luôn. Đặc biệt may mắn là đến cuối đợt mà không ai bị nhiễm cả. Những chỗ khác, bị nhiễm không ít đâu”.

Xin bật mí thêm, ở bệnh viện, Hồng Hà còn là một MC khéo léo, lanh lẹ nữa. Mỗi khi cơ quan có lễ lạt, hát hò, cô là người dẫn chương trình xuất sắc vì có chất giọng tốt!

Chống dịch về, Hồng Hà lao ngay vào công việc phụ mổ tại phòng mổ của Bệnh viện Quận 8. Đây là chuyên môn của cô.

Cầu chúc Hồng Hà cùng ông xã luôn vui khỏe, hạnh phúc, và công tác thật tốt!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.