Vợ chồng Việt 'biến' xe hơi thành 'nhà di động' tiện nghi để du lịch: E hơi khó

07/06/2020 12:08 GMT+7

Vợ chồng trẻ ở Đắk Lắk mê du lịch thực hiện ý tưởng cùng gia đình nhỏ của mình “vi vu” xuyên Việt trên chiếc ô tô cũ hoán cải thành “nhà di động” với những tiện nghi sinh hoạt cơ bản. Ý tưởng của cặp đôi vợ chồng thì rất thú vị nhưng e cũng hơi khó bởi quy định.

Điện, nước, bếp núc, phòng tắm… có đủ trên xe

Tìm đến TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk) để gặp anh Doãn Nguyễn Duy Tân (28 tuổi), người thiết kế “căn nhà di động” trên xe ô tô 16 chỗ đẹp lung linh, gây “sốt” cộng đồng mạng thời gian qua, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bàn tay khéo léo, cùng óc sáng tạo của nhân vật.

Chiếc xe ô tô 16 chỗ đã được cải tạo nội thất

Ảnh: NVCC

Khi PV đến nơi cũng là lúc anh Tân đang lau dọn, thiết kế thêm một vài chi tiết nhỏ để hoàn thiện căn nhà di động trên chiếc ô tô cũ của mình.
Sau lời chào hỏi thân tình, anh Tân cho biết mô hình nhà di động trên xe đã phổ biến ở các nước trên thế giới. Vì đam mê du lịch, thích khám phá những nét văn hóa ở các vùng miền khác nhau trên đất nước, anh dự định sẽ đưa vợ con đi xuyên Việt và lên kế hoạch để thực hiện mơ ước của mình.
Đầu năm 2020, vợ chồng Tân dùng số tiền tiết kiệm dành dụm được để mua chiếc xe Ford Transit 2005 loại 16 chỗ với giá 120 triệu đồng. Khi mua, chiếc xe 16 chỗ này đã được hoán cải thành xe 3 chỗ và đã đăng kiểm.
“Do không có nhu cầu chở khách nên chủ nhân trước đã hoán cải xe từ 16 chỗ xuống 3 chỗ để chở hàng với trọng tải quy định là 1,1 tấn. Việc hoán cải xe đã có giấy tờ, thủ tục đầy đủ”, anh Tân chia sẻ.

"Phòng ngủ" trên xe

Ảnh: Hoàng Bình

Sau khi mua được xe, anh Tân lên các kênh YouTube để học hỏi kinh nghiệm về làm nhà di động. Với sự giúp đỡ của một người bạn và góp ý của vợ mình là Hà My (27 tuổi), anh Tân mất thêm khoảng 1 tháng rưỡi để thiết kế, hoàn thiện căn nhà mơ ước trên xe ô tô.

Pin mặt trời cung cấp điện sinh hoạt cho "nhà di động"

Ảnh: Hoàng Bình

Theo quan sát, căn nhà di động trên xe của Tân có đầy đủ các tiện nghi cơ bản như điện, bếp, tivi, quạt, nhà vệ sinh, tủ lạnh, tủ đồ, giường, vòi sen… Anh cho biết hệ thống điện được thiết kế dùng bằng năng lượng mặt trời.

Góc đặt ti vi

Ảnh: Hoàng Bình

Các tiện nghi khác như bếp, nhà vệ sinh, tivi được “giấu” kín để giảm diện tích, chỉ khi cần mới đưa ra sử dụng.

Khoang chứa nước

Ảnh: Hoàng BÌnh

Trên xe, anh Tân cũng thiết kế khoang chứa 3 can nước (mỗi can 60 lít) để phục vụ nhu cầu nấu nướng, tắm rửa khi đi du lịch.

Nấu ăn trên xe: chuyện nhỏ!

Ảnh: NVCC

Anh Tân nhẩm tính, vợ chồng anh đã mất khoảng 100 triệu đồng để hoàn thiện căn nhà di động trên xe. Hiện anh vừa thi đậu bằng lái xe và đang lên kế hoạch để đưa vợ con đi “ngao du thiên hạ” trong thời gian tới.

Xe hoán cải không xin phép sẽ bị phạt khi lưu thông

Anh Tân chia sẻ: “Nghề chính của em là quay phim. Em đang ấp ủ việc lập kênh YouTube, đưa vợ con đi du lịch xuyên Việt để khám phá, trải nghiệm đồng thời quay lại những nét văn hóa, ẩm thực của từng vùng miền để giới thiệu đến bạn bè”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc anh Tân làm nhà di động trên xe là một trào lưu mới ở Việt Nam, rất tiện và tiết kiệm chi phí cho việc đi du lịch cùng gia đình. Tuy nhiên, khi căn nhà di động của anh tham gia giao thông, nhiều khả năng sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.

Vòi tắm được lắp đặt trên xe

Ảnh: Hoàng Bình

Trao đổi về trường hợp hoán cải xe ô tô 16 chỗ thành “căn nhà di động” trên, một lãnh đạo Thanh tra Sở GT-VT Đắk Lắk cho hay: “Trong trường hợp anh Tân đã có giấy phép cải tạo xe thì không có vấn đề gì khi tham gia giao thông. Còn trong trường hợp chưa có giấy phép mà tự ý cải tạo xe, cho tham gia giao thông thì tất nhiên sẽ bị xử phạt, xử lý theo quy định”.
Về phần mình, anh Tân cho rằng anh chưa nắm hết các quy định, hướng dẫn về luật cải tạo xe cơ giới nên không khẳng định có bị phạt hay không. Tuy nhiên, xe của anh đã hoán cải thành xe 3 chỗ, chở hàng có tải trọng 1,1 tấn, không phải xe khách 16 chỗ. Việc hoán cải xe, anh đã có giấy tờ đầy đủ.

Ngăn tủ quần áo, đồ dùng trên xe

Ảnh: Hoàng Bình

Anh Tân trao đổi: “Vật liệu thiết kế nhà trên xe chủ yếu là gỗ thông, rất nhẹ. Hơn thế, em cũng không can thiệp vào máy móc, động cơ xe mà chỉ thiết kế nhà di động bằng các bộ phận rời. Đúng hay sai khi tham gia giao thông thì em không khẳng định nhưng em nghĩ mọi thứ sẽ ổn”.
Theo lãnh đạo một Đội CSGT ở TP.HCM, các xe ô tô trước khi cải tạo nội thất, thay đổi màu sơn khác thiết kế ban đầu đều phải làm đơn gửi Cục Đăng kiểm hoặc Sở GTVT để được xem xét. Hồ sơ gửi phải đầy đủ, gồm bản thiết kế, các giấy tờ liên quan theo hướng dẫn của luật.
Theo vị CSGT này, Thông tư 85/2014/TT-BGTVT có quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có quy định việc cải tạo xe cơ giới và xe cơ giới sau khi cải tạo phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông và phải tuân thủ các quy định như: Không cải tạo thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới đến thời điểm thẩm định thiết kế, không cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại,... cùng rất nhiều quy định liên quan khác.
Vị lãnh đạo đội CSGT cũng cho biết, các xe cải tạo chưa được cấp phép sẽ không được kiểm định lại, không được lưu thông trên đường.
Vũ Phượng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.