Yêu đến đâu thì cưới?
Chị Phạm Thị Hà (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) là nhân viên văn phòng ở TP.HCM, kết hôn năm 25 tuổi. Ba năm sau kết hôn, vợ chồng chị sống ổn định trong một căn chung cư ở Q.Gò Vấp cùng cậu con trai 2 tuổi.
Như nhiều người trẻ khác, trải qua vài ba mối tình thời sinh viên chóng vánh, ra trường gặp được người tâm đầu ý hợp, lại muốn có một gia đình nhỏ làm điểm tựa ở một nơi xa quê nên chị đồng ý ngay khi được cầu hôn.
Chị Hà kể, lúc đó thu nhập của chị chỉ dao động từ 8-10 triệu mỗi tháng, chồng là bộ đội nên cuộc sống chỉ ở mức ổn định chứ không dư dả gì. Thời điểm khó khăn nhất của chị là ngay sau đám cưới, chồng tiếp tục vừa học vừa làm, chị thì bị nghén nặng phải nghỉ việc, thu nhập trong gia đình bị sụt giảm, từ đó hai vợ chồng cũng ít nhiều xuất hiện mâu thuẫn.
|
Sau khi sinh, chị Hà trở lại với công việc, vấn đề về thu nhập được giải quyết, vợ chồng chị đang cùng nhau đặt mục tiêu 5 năm tới chuyển từ nhà chung cư xuống nhà mặt đất.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (28 tuổi, ngụ Long An) đang là biên tập viên cũng kết hôn năm 25 tuổi. Chị Diễm cho rằng 25 tuổi là độ tuổi đẹp để tận hưởng cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị cho quá trình sinh nở của người phụ nữ. Hơn nữa, chị và chồng đã yêu nhau 8 năm, quá đủ để hiểu nhau.
Chị Diễm kể, sau khi học đại học ra trường, vợ chồng chị đều có công việc ổn định với mức thu nhập khá so với mặt bằng chung ở tỉnh lẻ. Nhà cửa cũng được hai bên gia đình chuẩn bị từ trước khi tổ chức đám cưới nên chị và chồng đều cảm thấy kết hôn năm 25 tuổi là đúng người, đúng thời điểm.
|
Trăm chuyện vợ chồng trẻ
Nhiều cặp vợ chồng kết hôn trước 30 tuổi đều cho rằng làm đám cưới sớm, không đau đầu vì giận hờn vu vơ, vợ chồng đều tu chí làm ăn nên cuộc sống ổn định hơn. Nhưng cũng không vì thế mà tránh được những mâu thuẫn liên quan đến việc làm dâu, lễ nghĩa,…
Chị Diễm cho hay, cuộc sống hôn nhân khác rất nhiều với khi độc thân, không chỉ là cuộc sống của 2 người mà còn phải thể hiện trách nhiệm với hai gia đình. Nhất là trong trường hợp chị là con một, chồng chị lại là cháu trai duy nhất của dòng họ.
|
Giai đoạn khiến chị Diễm stress nhất là khi bất ngờ biết có bầu, vì chị chưa chuẩn bị tinh thần, ngược lại, cha mẹ hai bên lại rất vui mừng. “Sau khi sinh bé gái, tôi không bị áp lực chuyện sinh con trai nhưng cũng nghe có người nói ra nói vào. Vợ chồng tôi cũng không có ý định sinh nữa vì công việc của cả hai rất bận rộn, giờ giấc thất thường”, chị Diễm cho hay.
Cưới nhau sớm, vợ chồng chị Hà cũng nhiều lần mặt nặng mày nhẹ với nhau vì những lúc con ốm, hay đơn giản chỉ là khi bất đồng quan điểm. Nhưng vì yêu thương và cùng một mục tiêu hướng tới là hạnh phúc gia đình nên những mâu thuẫn thường được giải quyết dứt điểm ngay trong ngày.
“Các mâu thuẫn đều có thể giải quyết được nếu cả hai cùng ngồi lại với nhau. Sau nhiều lần bất đồng quan điểm, chúng tôi nói chuyện để hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Cuộc sống sau hôn nhân nhờ vậy vẫn rất tuyệt vời, tôi vẫn làm điều mình thích, ăn món mình thấy ngon, đến nơi mình thấy đẹp”, chị Hà chia sẻ.
Mẹ chồng – nàng dâu
Cuộc hôn nhân từ năm 19 tuổi của chị Cẩm Tiên (hiện 35 tuổi, quê Cà Mau) thì lại là một câu chuyện với kết cục buồn vì có quá nhiều uất ức tâm lý bị dồn nén.
Như nhiều trai gái ở vùng quê bốn bề là nước, học chưa hết cấp 2, chị phải đi làm thuê vì nhà quá nghèo, đông anh em. Sau nhiều năm đi làm với đủ công việc quanh quẩn ruộng đồng, chị kết hôn với một người đàn ông quê Đồng Tháp.
Cuộc sống hôn nhân những năm đầu là một màu hồng khi cả hai vợ chồng được người quen cho mượn một miếng vuông để làm kinh tế kiếm lời. Sau đó, cả hai dắt nhau về quê chồng nuôi gà, nuôi heo để bươn trải qua ngày. Nhưng mâu thuẫn cũng từ đó bắt đầu vì chị bắt đầu sống chung với mẹ chồng và em chồng.
Chị Ly tâm sự: “Nhiều mâu thuẫn nhỏ nhỏ thôi nhưng chồng luôn nghe lời mẹ và bênh em gái nên hay nặng nhẹ với tôi. Nhiều lần tôi nhịn nhưng tới khi không chịu nổi nữa tôi đòi lấy lại vàng đã gửi mẹ chồng rồi ra ngoài ở riêng. Mẹ chồng nói chồng bỏ tôi luôn cho khỏi rách việc thì bà mới chịu trả lại 1/3 số vàng tôi gửi. Nào ngờ chồng nghe lời mẹ…”
|
Sau khi bàn bạc, chị lên Sài Gòn làm thuê, đợi công việc ổn định thì chồng cùng lên làm. Sau 1 năm chồng chưa lên, chị mang hết tiền tiết kiệm làm lụng mang về xây nhà để tính chuyện vợ chồng ở bên nhau, sinh con rồi cùng chăm sóc.
“Xây nhà cũng đơn giản thôi, nhưng tôi muốn ngăn vách để kê giường của vợ chồng cho có không gian riêng thì mẹ chồng cũng đòi ở phòng đó, hai giường kê sát nhau. Chồng thương mẹ nên đồng ý, tôi thì thấy quá vô lý nên cãi nhau với chồng rồi lên lại Sài Gòn”, chị kể tiếp.
Suốt thời gian chị ở Sài Gòn, chồng không lên thăm, khi chị bệnh nhập viện anh cũng chỉ ghé lên thăm được 2 ngày rồi về gấp vì... mẹ gọi. Tới lần chị bệnh nặng phải phẫu thuật anh cũng không có mặt khiến chị như muốn vỡ òa mỗi lần nghĩ tới người đứng tên chung trên tờ giấy đăng ký kết hôn. Chị quyết định ly hôn sau 12 năm chịu đựng...
Bình luận (0)