Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi: Người sống ở TP.HCM khó cưới sớm, tại sao?

05/05/2020 20:02 GMT+7

Ngoài lý do chưa tìm được người yêu, nhiều người sống ở TP.HCM ngại cưới sớm vì cho rằng cần phải ổn định sự nghiệp, mức thu nhập đôi ba chục triệu mới có thể tính đến chuyện kết hôn để về không bị khổ.

Ngày mạng xã hội mới thịnh hành, nhiều người hay lên mạng than “ế chỏng ế chơ” thì nay dường như phần đông trong số “ế” đã hài lòng với cuộc sống hiện tại. Có một công việc ổn định với mức thu nhập tương đối, những người ở khoảng tuổi 30 chọn cách tận hưởng cuộc sống, đi du lịch, mua sắm, chăm sóc bản thân thay vì kết hôn. Vì sao lại như vậy?

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?

Anh Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, quê Quảng Trị) đang làm truyền thông với mức thu nhập khoảng 10 triệu mỗi tháng ở TP.HCM cho biết, từ xưa giờ anh vẫn nghĩ đàn ông nên để ngoài 30 tuổi mới là thời điểm chín mùi để lấy vợ.
Hiện anh chưa tính đến chuyện lấy vợ vì anh cho rằng, cần có công việc và thu nhập ổn định, hoặc ít ra có thể lo được cho vợ đôi chút thì mới có thể tính đến vợ con.

Yếu tố tài chính khiến nhiều người cân nhắc việc kết hôn trước 30 tuổi

Ảnh: Shutterstock

“Tôi nghĩ cuộc sống ở TP.HCM thì hai vợ chồng cần khoảng 30 triệu một tháng. Đó là mới lấy vợ, còn có con thì chắc phải làm ra nhiều hơn số ấy thì mới xoay xở được. Với mức thu nhập hiện tại tôi chỉ lo được cho mình, các khoản khác khi có vợ thì chưa lo nổi nên tôi vẫn chưa tính cưới lúc này”, anh Tuấn Anh nói.
Theo kế hoạch của anh, khi ngoài 30 tuổi, công việc có mức thu nhập tốt hơn, anh sẽ tính chuyện cưới xin. Đây cũng là khoảng thời gian để “đối tượng” của anh ổn định công việc, khi ấy cuộc sống gia đình sẽ bớt chật vật hơn.
Dù tính toán là vậy, nhưng anh Tuấn Anh cũng tâm sự rằng, nếu thu nhập của anh tốt hơn, anh sẽ chẳng ngại ngần mà tính ngay đến chuyện lập gia đình.
Tương tự, anh Đức Huy (27 tuổi, TP.HCM) hiện đang học thạc sĩ tại Daegu (Hàn Quốc) cũng cho rằng để kết hôn thì điều kiện đầu tiên cần thiết là công việc ổn định với thu nhập từ 20 triệu trở lên. Trường hợp cả hai vợ chồng cùng đi làm thì anh Huy cho rằng riêng chồng lúc nào cũng phải làm từ khoảng 15 triệu trở lên thì mới lo cho cuộc sống gia đình được. Rồi từ đó tiết kiệm mua nhà Sài Gòn.

Ngày trước chuyện kết hôn thường đến sớm, nhưng giờ đây nhiều người đang có "xu hướng" kết hôn muộn

Ảnh: Shutterstock

Anh Huy chia sẻ: “30 tuổi là độ tuổi đẹp để kết hôn nhưng để đạt được mức thu nhập đủ cho cuộc sống hôn nhân thì cần phải có sự phấn đấu của cả hai phía. Chính vì vậy tôi lên kế hoạch đi Hàn du học để sớm đạt được mục tiêu của mình”.
Chị Trương Thị Quyên (27 tuổi, quê Quảng Nam) cũng cho rằng với cuộc sống của hai vợ chồng dân tỉnh vào TP.HCM lập nghiệp thì lương của cả hai phải từ 35 triệu trở lên mới đủ lo tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt và tiết kiệm tiền để mua nhà.
Theo chị Quyên, trước 30 tuổi là thời điểm sinh em bé tốt nhưng nếu thu nhập không khá thì cuộc sống vợ chồng sẽ rất khó khăn. Nhiều lần chị chứng kiến các cặp vợ chồng cãi nhau chỉ vì thu nhập, và cũng chính vì chuyện thu nhập thiếu thốn mà có nhiều vấn đề phát sinh khác trong cuộc sống hôn nhân.
“Tôi muốn chuẩn bị mọi thứ thật tốt trước khi kết hôn, tôi cố gắng để có mức thu nhập đúng với dự tính cho ổn định, ít nhất là đủ cho bản thân mình. Hiện tại tôi có thể đi du lịch khi thích, đi shopping khi buồn mà không cần phải nghĩ xem có phải tiết kiệm cho gia đình hay không. Tôi cảm thấy khá ổn với cuộc sống hiện tại và nghĩ kết hôn vào năm 30 tuổi vẫn là hơi sớm”, chị Quyên bộc bạch.

Chưa tìm được người phù hợp

Bên cạnh vấn đề thu nhập, chị Quyên cũng cho rằng yếu tố tìm được người phù hợp là chuyện khá quan trọng. Không đặt nặng vấn đề bao nhiêu tuổi phải có chồng, sinh con, nhưng với chị Quyên, đã lấy chồng thì nhất định phải là người phù hợp.
Chị tâm sự: “Tôi cũng có nhiều người tìm hiểu nhưng tôi khá lười yêu, hơn nữa tôi cảm thấy chưa có ai phù hợp với mình để tính chuyện trăm năm. Phải là người đúng gu của mình thì mới có hạnh phúc, còn bao nhiêu tuổi kết hôn không phải là vấn đề”.
Chị Nguyễn Tiến Hoàng Thanh (28 tuổi, quê Khánh Hòa) cho rằng, không thể phủ nhận những mặt tích cực khi kết hôn ở độ tuổi 30 và có con sớm nhưng không nên kết hôn vì tuổi tác.

Đám cưới viên mãn là khi cả hai đều cho rằng đến thời điểm thích hợp để đồng hành cùng nhau, không thể thiếu nhau

Ảnh: C.T

Chị Thanh cho hay, chị là người quan trọng chuyện tình cảm nên sẽ chỉ kết hôn khi thấy bản thân được yêu thương, được tôn trọng và được chia sẻ trong mối quan hệ đó. Chị sẽ không phải kết hôn vì đến tuổi, vì gia đình hối thúc hay thấy bạn bè cưới thì sẽ cưới.
“Thật ra ở ngưỡng 30 của phụ nữ sẽ không còn là trẻ trung nhưng tôi tin, khi có được tình yêu đích thực, được yêu thương, tôn trọng và chia sẻ thì tuổi tác không phải là vấn đề. Đặc biệt, với những người được học tập ở TP.HCM, làm việc ở môi trường năng động như tôi, chuyện lập gia đình không phải là áp lực của bản thân. Thay vào đó, mình mong bản thân mình sẽ có công việc ổn định, thu nhập tốt và có nhiều cơ hội để học tập và phát triển hơn nữa”, chị Thanh bày tỏ.
Chị Thanh luôn cho rằng, khi trưởng thành về độ tuổi, mỗi người sẽ chín chắn hơn trong cách suy nghĩ nên khi đó bản thân họ sẽ biết thời điểm kết hôn nào là phù hợp để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc hơn.
Không quá quan trọng chuyện thu nhập, nhà cửa của cuộc sống hôn nhân vì chị luôn nghĩ bản chất của con người mới là điều quan trọng. Do vậy, thay vì nghĩ quá nhiều tới chuyện bao nhiêu tuổi sẽ kết hôn, chị Thanh tập trung đầu tư cho bản thân để có một công việc với mức thu nhập tốt.
“Khi công việc ổn định rồi mình tin mọi người sẽ có cơ hội gặp gỡ với những đối tượng tương đồng với mình về quan điểm sống, về thu nhập mà có thể tính đến chuyện kết hôn”, chị Thanh nêu quan điểm.

Thạc sĩ tâm lý Đăng Hoàng An cho biết:
Do lối suy nghĩ, tư tưởng muốn sống tự do, tập trung đầu tư cho tương lai, thực hiện những ước mơ, kế hoạch cá nhân hay cần thêm thời gian để trải nghiệm, du lịch nên ngày nay nhiều người trẻ ngại kết hôn sớm.
Nhiều người nhận ra khi bước vào cuộc sống vợ chồng sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phát sinh như là nuôi dạy con cái, mối quan hệ ứng xử nhà nội nhà ngoại và hàng tá vấn đề phức tạp khác lại càng ngại chuyện kết hôn.
Nhiều người trẻ cho rằng mình chưa đủ điều kiện để cưới xin trong khi tình yêu dường như đã chín muồi, khát khao về chung nhà. Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày nay càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động xã hội, họ ngại kết hôn sớm rồi phải sinh con. Mà không phải các bạn trẻ nào cũng trong tâm thế sẵn sàng.
Do tác động của nền kinh tế thị trường khiến không ít người lao động trẻ tuổi bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Đại đa số người trẻ sinh sống và làm việc tại TP.HCM là dân lập nghiệp từ tỉnh lẻ thì việc thuê nhà đã là vấn đề. Nếu kết hôn và sinh con thì cuộc sống của họ sẽ càng thêm chật vật hơn, chưa tính đến chuyện nuôi đứa con trong thời đại bây giờ quá nhiều chi phí (tiền ăn, tiền học...). Chưa kể đến các áp lực khác từ công việc, quan hệ ứng xử với mọi người xung quanh làm cho các bạn trẻ mệt mỏi và lười yêu.
Từ việc lười yêu sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nhu cầu kết hôn, sống chung và gắn bó lâu dài với ai đó. Không những vậy, các vụ việc về bạo hành gia đình xuất hiện nhan nhản hằng ngày từ mạng xã hội đến bên ngoài đời sống khiến những hình ảnh không tiêu cực ấy bị ám vào trong tâm trí.
Thêm vào đó, nhiều giá trị sống ồ ạt du nhập vào Việt Nam và có một bộ phận nhỏ bị cuốn vào trào lưu sống đơn thân đang lan truyền trong giới trẻ trên toàn thế giới. Và ít nhiều vẫn có trường hợp bị tiêm nhiễm lối sống phóng khoáng trong khi kỹ năng sống và bản lĩnh đối diện với những vấn đề mà hôn nhân mang đến của người trẻ còn hạn chế.
Một trong những minh chứng dễ nhận thấy là sự đổ vỡ sau hôn nhân ngày càng có dấu hiệu gia tăng khiến nhiều người trẻ mất niềm tin vào hạnh phúc sau khi kết hôn, thay vào đó là lắng lo, sợ hãi về cuộc sống vợ chồng và muốn tôn thờ cuộc sống độc thân cho riêng mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.