Các chuyên gia về giáo dục và thị trường lao động cho biết đây là hậu quả tất yếu của một thời kỳ đổ xô thi vào những ngành thời thượng của giới trẻ những năm trước, cùng với đó là sự bất cập trong công tác hướng nghiệp, dự báo thị trường lao động.
|
Cử nhân làm... bồi bàn
|
Vũ Thị Kim Hoa (quê Sóc Trăng) tốt nghiệp loại khá khoa tài chính ngân hàng (ĐH Kinh tế TP.HCM) đã được nửa năm, cũng là chừng ấy thời gian Hoa chạy chỗ này chỗ kia xin việc. Chán với cảnh chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin việc mà việc vẫn “trốn người”, Hoa khăn gói rời TP.HCM về quê. Và giờ đây Hoa đang làm... phục vụ bàn ở một nhà hàng tại Cần Thơ. Vừa làm công việc tạm, Hoa tranh thủ nộp đơn tìm việc nhiều nơi nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm nào từ phía các doanh nghiệp. Hoa tâm sự: “Mỗi lần nghe điện thoại reo mình lại hi vọng doanh nghiệp gọi điện phỏng vấn, nhưng không có bất cứ phản hồi nào”.
Trần Công Danh (Đắk Lắk), tốt nghiệp ngành kinh tế quản lý công thuộc khoa kinh tế công (ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) năm 2011, ngậm ngùi cho biết nhóm bạn thân học cùng khóa bảy người đến giờ chỉ ba người tìm được việc làm phù hợp. Bản thân Danh thời gian qua liên hệ nhiều nơi nhưng không có gì khả quan. “Muốn có việc đúng với ngành nghề của mình sao khó quá” - Danh than thở. Danh cho hay ngành học này của mình những năm trước được đánh giá dễ có việc làm và nhiều sinh viên rất tự tin với viễn cảnh việc làm sau này.
Còn cô gái Trần Thị Hà, tốt nghiệp loại khá chuyên ngành tài chính nhà nước (khóa K33) ĐH Kinh tế TP.HCM, tính từ ngày ra trường đến nay đã gửi hơn 50 bộ hồ sơ xin việc đến các doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có tín hiệu khả quan nào. “Mấy năm trước gia đình, người thân đều hướng mình thi vào các ngành kinh tế vì nghĩ ngành này ra trường sẽ dễ xin được việc làm. Vậy mà đến nay học đã xong, bằng cũng đã lấy mà mình vẫn chưa tìm được chỗ nào” - Hà nói. Buồn chán với cảnh mỏi mòn chờ việc, Hà dự tính tìm đại việc gì đó làm một thời gian để lấy kinh nghiệm, kiếm tiền sống qua ngày chờ tìm được việc phù hợp.
|
Rối đủ đường
TS Nguyễn Văn Phúc, phó hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM, cho rằng hiện nay kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự nên nhu cầu tuyển dụng không còn cao như trước. Những ngành nghề hút nhân lực trước đây khi kinh tế phát triển mạnh, dễ có việc làm nhưng bây giờ đã khác. Đây cũng là điểm yếu mà các trung tâm dự báo nguồn nhân lực phải làm tốt hơn để cung cấp thông tin đến học sinh và phụ huynh. “Phụ huynh, học sinh không nên chạy theo nghề thời thượng, xu hướng nhất thời mà cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tình trạng chênh lệch trong việc đào tạo các ngành nghề cho xã hội” - ông Phúc nói.
TS Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng: “Hiện nay hầu hết các trường chỉ tư vấn, hướng nghiệp theo mùa vụ, mang tính nhất thời, vội vàng mà không có kế hoạch dài, chi tiết cho các em. Như vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo của các trường và nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường”. Theo ông Toàn, công tác hướng nghiệp phải làm ngay khi các em bắt đầu định hướng được tương lai, lúc đang học cấp THCS. Như thế sẽ giúp học sinh chọn đúng ngành nghề yêu thích, phù hợp nhu cầu xã hội, tránh sự chênh lệch ngành nghề như hiện nay.
Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc học sinh luôn chọn những ngành mà xã hội đang có nhu cầu rất cao là tâm lý dễ hiểu. Ông nhắn nhủ các bạn sinh viên là hiện nay xã hội đang biến động, từng cá nhân phải chủ động hơn trong việc học tập để thích ứng với nhu cầu ngành nghề khi công tác giáo dục hiện nay khá dễ cho các bạn tiếp tục học liên thông, văn bằng 2, hệ đào tạo vừa học vừa làm... Ông cũng mong muốn các viện, trung tâm nghiên cứu nhu cầu tuyển dụng, dự báo nguồn nhân lực phải làm tốt hơn, chi tiết và dài hơi hơn để sinh viên dễ dàng chọn hướng đi đúng cho mình.
Theo Tuổi Trẻ
>> Nghịch cảnh trong đào tạo và tuyển dụng: Xa rời thực tiễn
>> Giảm áp lực trước kỳ thi
>> Giao lưu trực tuyến “Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT”
>> Ngành thiết kế thời trang: thu hút bạn trẻ say mê sáng tạo
>> Nhiều ngành nghề vẫn “hút” lao động
Bình luận (0)