Có con từ phôi cuối cùng
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu (34 tuổi) và anh Phạm Văn Tam (45 tuổi), ngụ tỉnh Lâm Đồng, kết hôn 7 năm vẫn chưa có con. Đến năm 2012, anh chị đến một bệnh viện tại TP.HCM để khám tìm nguyên nhân. Kết quả, anh được chẩn đoán bị tinh trùng yếu, tắc ống dẫn tinh. Muốn có con, vợ chồng chị phải thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Tuy nhiên, khi đó, điều kiện kinh tế khó khăn, anh chị chưa đủ tiền để làm IVF nên đành quay về.
Hai năm sau, khi đã đủ tiền điều trị, trở lại bệnh viện thì chị được bác sĩ chẩn đoán đã suy giảm buồng trứng nặng, không đáp ứng thuốc điều trị. Không thể tin vào kết quả này, vợ chồng chị Thu đến khám thêm tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) và được bác sĩ chẩn đoán tương tự.
“Tôi đã bật khóc, gần như tuyệt vọng và cầu xin bác sĩ chữa trị cho mình”, chị Thu xúc động tâm sự.
|
Bác sĩ đã tư vấn cho chị xin trứng từ em gái ruột để thụ tinh trong ống nghiệm trứng của em gái chị với tinh trùng của chồng chị, sau đó, chuyển phôi để chị Thu mang thai. Được em gái đồng ý. Hi vọng có con lại được thắp lên.
“Vợ chồng tôi cùng em gái ruột của tôi đến Bệnh viện Hùng Vương để thực hiện IVF. Tuy nhiên, việc thụ tinh trong ống nghiệm liên tiếp gặp thất bại. Lúc đó, tuyệt vọng, tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ được làm mẹ! Chỉ còn 1 phôi cuối cùng, tôi đến bệnh viện chuyển phôi theo quán tính…”, chị Thu kể.
Thế rồi, chính phôi cuối cùng ấy đã phát triển và có tim thai. “Lúc bác sĩ nắm chặt tay tôi thông báo đã có tim thai, nước mắt tôi tự nhiên rơi. Tôi không thể tin nổi, lẩm bẩm hỏi: “Bác sĩ đừng lừa em”. Bác sĩ phải khẳng định lại: “Chị có thai rồi, đó là sự thật”, chị Thu xúc động hồi tưởng.
Con trai của vợ chồng anh chị ra đời được đặt tên Phạm Phước Lộc trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình, nay đã được 4 tuổi.
Từ Mỹ về Việt Nam điều trị hiếm muộn
Với chị Helen Thanh Nguyễn (46 tuổi, Việt kiều Mỹ), cô con gái 22 tháng tuổi xinh xắn, hiếu động là phép màu điều kỳ diệu đến với gia đình chị sau 10 năm hiếm muộn, “tìm con”.
Chị cho biết đã nhiều lần chữa vô sinh ở Mỹ nhưng thất bại. Vào 3 năm trước, khi vợ chồng chị về Việt Nam chơi thì được bạn bè giới thiệu tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Chị đi khám và cũng không còn nhiều hi vọng lắm việc sẽ có con, bởi lẽ, ở Mỹ, hơn 10 năm qua chị đã điều trị, từng bơm tinh trùng 3 lần và một lần thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại, một phần vì đã bước qua ngưỡng 40 tuổi.
|
Chị được bác sĩ chọc hút 14 trứng, trong đó có 9 trứng chất lượng tốt, thụ tinh được 9 phôi. Tháng 2.2017, chị chuyển phôi lần đầu nhưng thất bại. Hai tháng sau chị chuyển phôi lần hai.
“Dù lần đầu không như mong ước nhưng sự tận tâm của các y bác sĩ khiến mình được tiếp thêm niềm tin. Lần hai, bác sĩ gửi kết quả xét nghiệm, chúc mừng đậu thai và dặn dò giữ gìn cẩn thận, tôi không dám tin, cảm giác vui mừng như vỡ òa, không thể diễn tả được! Những vợ chồng có con bình thường có lẽ không thể hiểu được những cảm xúc vô vàn gian nan mà các cặp đôi hiếm muộn trải qua!", chị Helen chia sẻ.
“Đừng bao giờ từ bỏ”
Theo tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương được thành lập cách đây 15 năm. Trong 15 năm qua, đã có hơn 2.000 cặp vợ chồng được điều trị hiếm muộn thành công, được làm bố làm mẹ. Tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện đạt 40-58%, ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực.
Bệnh viện Hùng Vương cũng là bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM điều trị hiếm muộn nam khoa khép kín, điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân hiếm muộn nam, tạo thuận lợi cho các cặp vợ chồng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.
Từ tháng 6.2019, Bệnh viện Hùng Vương cũng được Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
"Tiếng cười trẻ thơ luôn mang lại niềm hạnh phúc, gắn kết của mọi gia đình. Tuy nhiên, có nhiều cặp vợ chồng sẽ gặp gian nan trên con đường tìm con, nhưng xin đừng bao giờ từ bỏ", bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết chi sẻ với cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bình luận (0)