Với chính sách nới lỏng visa, chúng tôi đã kiến nghị 'trường kỳ'

Đình Sơn
Đình Sơn
10/03/2023 16:52 GMT+7

Đó là chia sẻ của ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3.

Trường kỳ kiến nghị - Ảnh 1.

Ông Trần Phú Cường cho biết bản thân ông và Bộ chủ quản kiến nghị rất nhiều nhưng chưa có sự thay đổi

ĐỘC LẬP

Theo ông Trần Phú Cường, từ khi có Pháp lệnh du lịch vào năm 1999, Tổng cục Du lịch đã xác định du lịch là ngành liên vùng, cần sự đồng hành của các bộ ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và thậm chí của các cộng đồng dân cư. Du lịch không đơn thuần chỉ là chuỗi dịch vụ. Du lịch cũng không phải bắt đầu từ visa mà từ khi du khách chưa đến Việt Nam. Khi đó du khách tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, các điểm đến.

Hiện Tổng cục Du lịch và các địa phương đang xúc tiến du lịch, để quảng bá rộng rãi hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến du khách nước ngoài. Khi khách đã biết đến Việt Nam sẽ xin visa. Sau đó là vận chuyển đến Việt Nam bằng đường hàng không đến đường biển, đường sắt. Nhập cảnh vào Việt Nam, du khách sẽ tiếp cận các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch..., nên rất cần phối hợp liên ngành, liên địa phương.

Ông Trần Phú Cường thông tin, hiện Tổng cục Du lịch đang phối hợp chặt chẽ với Singapore để đưa khách du lịch bằng tàu biển đến Việt Nam. Nhưng có rào cản là chúng ta chưa có nhiều cảng, cầu tàu để đón các tàu lớn. Khi đến Việt Nam, du khách có thời gian lưu lại rất ngắn, từ 8 - 10 tiếng nên việc vận chuyển vào nội địa như thế nào cũng là bài toán cần đặt ra. Ngoài ra, các dịch vụ như thế nào để đón luồng khách này phụ thuộc vào các công ty du lịch, các địa phương. Hiện khách bằng tàu biển bình quân mỗi người ít nhất cũng tiêu dùng 100 USD. Đây là đối tượng khách sang và tiêu dùng nhiều. Như vậy cần có sự phối hợp để thu hút dòng tiền này để khi đến Việt Nam khách sử dụng các dịch vụ, sự kiện... Bài toán đặt ra là làm thế nào để du khách chi tiêu nhiều hơn, lấy chất lượng để bù số lượng khách ít đi.

Liên quan đến vấn đề visa, ông Trần Phú Cường nhận xét, 15 ngày lưu trú là không đủ với khách đường dài nên phải mở rộng thêm. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, hấp dẫn liên quan đến thu hút đầu tư, cảnh quan, an ninh, an toàn… và Tổng cục Du lịch cũng đã có giải pháp.

"Liên quan đến việc cấp visa, từ khi Bộ Công an xây dựng luật xuất nhập cảnh thì Bộ VH-TT-DL đã có kiến nghị nới lỏng việc cấp visa. Những kiến nghị này cũng đã có từ rất lâu, từ khi luật du lịch lấy ý kiến. Chúng tôi đã kiến nghị triền miên. Rất nhiều năm, chúng tôi trường kỳ kiến nghị. Mới đây, khi gặp Thủ tướng Bộ trưởng của chúng tôi cũng đã kiến nghị lại nhưng chưa có sự đột phá do việc cấp visa liên quan đến Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Quan điểm của chúng tôi visa không phải là nút thắt nhưng so với các nước, ngay cả các nước trong khu vực, sức cạnh tranh chúng ta kém hơn. Vì thế cần có giải pháp nâng cao cạnh tranh về dịch vụ, visa. Danh sách miễn thị thực cũng nên cân nhắc mở rộng cho các nước quan trọng, nhất là cho Ấn Độ, Úc… Cũng đã có kiến nghị visa tại cửa khẩu, mở rộng thời gian visa, mở rộng visa điện tử… rất mong Bộ Công an chấp thuận. Đồng thời việc áp dụng công nghệ cũng rất quan trọng để chuyển đổi số khi cấp thị thực để tăng sức cạnh tranh", ông Cường cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.