Visa là cánh cửa đầu tiên đưa khách đến

Đình Sơn
Đình Sơn
10/03/2023 11:23 GMT+7

Đó là nhận định của bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3.

Đòn bẩy thị thực để hút khách quốc tế

Theo bà Trần Nguyện, visa là cánh cửa đầu tiên, là lợi thế cạnh tranh đối với các điểm đến khác. Nhưng gần 1 năm sau khi mở cửa du lịch trở lại, đến nay vẫn vắng bóng du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Điển hình như hệ thống khu vui chơi giải trí Sun World rất vắng khách suốt từ năm ngoái đến nay, ngay cả những dịp vốn được coi là cao điểm như Tết Nguyên đán vừa qua.

Đơn cử, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Hay ở Phú Quốc trong mùa quý 4 và quý 1 - mùa inbound (mùa khách nước ngoài vào) tụt giảm cũng gần 50%. Tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có những tuần đóng cửa vì du khách không đủ đông. Tình trạng sụt giảm lượng khách có nguyên nhân lớn từ việc thiếu vắng khách quốc tế.

Trong khi Việt Nam chậm chạp thì các điểm đến khác đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để hút khách. Chẳng hạn, Đài Loan tặng 165 USD cho 500.000 du khách cá nhân, Hồng Kông tặng 500.000 vé máy bay cho khách quốc tế, Hàn Quốc với chuỗi sự kiện "Văn hóa Hàn Quốc không điểm dừng" và hòa nhạc Hallyu ở 50 thành phố lớn trên thế giới. Philippines lên kế hoạch hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài…

"Tắc" visa, dịch vụ kém khiến du lịch Việt Nam tuột dốc - Ảnh 1.

Mở cửa visa, tăng chất lượng sản phẩm du lịch là những yếu tố sống còn để du lịch cất cánh

ĐỘC LẬP

Trở lại đường đua du lịch sau đại dịch Covid-19, để tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến, hàng loạt điểm đến đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày, 15 lên 30 ngày. Đài Loan áp dụng trở lại chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Hàn Quốc nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm…

"Các nước đã thay đổi rất nhanh. Chúng ta đã nói quá nhiều trong các diễn đàn, các hội thảo về những điểm nghẽn, đưa ra các giải pháp, nhưng vẫn chưa thấy sự thay đổi", bà Trần Nguyện nói và cho biết thêm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng rao bán, chuyển nhượng, tàu thuyền du lịch nằm im bất động, nhiều khu du lịch đìu hiu… là tình cảnh chung ở nhiều điểm đến vốn luôn rất đông khách trước dịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Khách quốc tế thiếu vắng trầm trọng

Không nằm ngoài thực trạng chung, hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng của Sun Group cũng đang chịu áp lực rất lớn để duy trì hoạt động vận hành trong bối cảnh thiếu vắng khách quốc tế. Thuộc phân khúc cao cấp, nên khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách hạng sang chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng lượng khách lưu trú của Sun World. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: InterContinnental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay… trước dịch là nơi nghỉ dưỡng yêu thích của rất nhiều tỷ phú, ngôi sao, giới thượng lưu quốc tế.

Tuy nhiên, sau mở cửa, lượng khách sụt giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, tỷ lệ lấp đầy phòng của 2 resort này đạt trên 80% thì nay chỉ còn 30 - 40%. Đặc biệt là doanh thu sụt giảm ở hệ thống chi tiêu. Visa là cánh cửa, nhưng dịch vụ là nơi để níu chân du khách và để "móc túi" du khách. Thu hút khách quốc tế ngoài visa là dịch vụ, sản phẩm du lịch. Du khách không chỉ chi tiêu, họ còn giúp truyền thông cho du lịch Việt Nam.

Theo bà Trần Nguyện, có rất nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam chưa hút được khách quốc tế có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, rào cản lớn hiện nay là chính sách visa. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Với chính sách thị thực cởi mở, thông thoáng cùng với nhiều chiến dịch thu hút khách quốc tế của các quốc gia, cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần khách quốc tế ngày càng khốc liệt. Như vậy, chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi, về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, rất có thể tiếp tục tụt lại phía sau.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm.

Đề xuất 4 giải pháp

Đầu tiên, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này.

Trong dài hạn, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó tăng thời hạn thị thực lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Xem xét thêm việc miễn phí visa cho một số nước có nhu cầu ở dài như Úc, New Zealand…

Nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.

"Tắc" visa, dịch vụ kém khiến du lịch Việt Nam tuột dốc - Ảnh 2.

Nếu những rào cản trên được tháo, ngành du lịch sẽ khởi sắc

ĐỘC LẬP

Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam qua mọi phương tiện: đường hàng không, đường tàu biển, đường bộ qua các cửa khẩu. Việt Nam không chỉ quan tâm đến khách đi đường hàng không, mà cần chú trọng đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, phương tiện đi lại, tạo sự thuận lợi tối đa cho khách ở các thị trường nước láng giềng đi qua các cửa khẩu biên giới.

"Tất cả các đề xuất trên chúng ta đã nói rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Chúng tôi tin là Chính phủ cũng đã đang ghi nhận và quyết tâm chỉ đạo. Đó là những điều đáng động viên nhất cho ngành. Bây giờ là làm sao các chỉ đạo này được thực thi nhanh, trúng và hiệu quả. Cần có sự hợp tác công tư để có thể làm tốt hơn, nhất là quá trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cấp visa điện tử… Chính sách mở rộng danh sách miễn thị thực sẽ thu hút mạnh hơn nữa khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, tăng nguồn thu ngoại tệ, bảo đảm đáp ứng nhu cầu dự trữ ngoại hối và cán cân ngoại tệ dương. Với đặc điểm khách quốc tế chi tiêu cao hơn rất nhiều khách nội địa, nên việc hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ giúp nhanh chóng phục hồi du lịch, mà còn kích cầu các lĩnh vực liên quan như: hàng không, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, lao động việc làm… góp phần tạo nên sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay", bà Trần Nguyện nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.