Đoạn thơ của nhà thơ Nga tôi nhớ là thế này:
“Và những huân chương, không cần
Không cần lăng xăng huênh hoang
Với nhà thơ chúng ta, phần thưởng
Chính là số phận mình”
Những câu thơ trực diện, nói thẳng, mà cực kỳ sâu sắc. Vì sao tôi nhớ đoạn thơ này khi muốn viết một chút gì đó về bạn mình?
Còn nhớ, trong một bài đã nhiều năm trước, khi tôi viết về tập thơ Thời máu xanh của Nguyễn Thụy Kha, tôi đã so sánh cách thể hiện thi pháp của Kha với cách đi bóng của cầu thủ. Với Kha, đó là cách "đi bóng thẳng", nhiều khi bất chấp các hàng phòng ngự. Người ta nói cách đi bóng của Di Stefano, người luôn thẳng nhưng bóng luôn đổi hướng, và cách đi bóng của Garrincha, liên tục đảo người nhưng bóng lại đi thẳng. Cả hai cách đi bóng ấy đều có yếu tố "thẳng", hoặc là người thẳng, hoặc là bóng thẳng. Thụy Kha đã chọn cả hai cách ấy cho thi pháp thơ viết về chiến tranh và hậu chiến của mình. Thi pháp của nhà thơ nói lên tính cách và cả tâm hồn của nhà thơ ấy.
Chơi với Thụy Kha cũng đã hơn 40 năm, tôi hiểu con người lao động, con người ngang thẳng kiểu Hải Phòng của anh. Đó là chất người hợp tạng với tôi, nên chúng tôi thành bạn. Còn nhớ, vào năm 1984, khi tôi đưa cả gia đình ra Hà Nội để vợ tôi thi trả một môn học còn mắc nợ, còn tôi thì bị một tai nạn. Tôi bị ngã xe đạp khi chở bà chị đi làm, cốt để mượn xe chị đi chơi với bạn bè. Lốp xe ấy quá mòn, trơn, trời lại lất phất mưa, nên cú ngã hơi nặng. Khi hay tin tôi bị thương ở đầu gối, một bạn học thời sơ tán của tôi có nghề thuốc nam đã tìm tới thăm và dùng mật gấu thứ thiệt xoa bóp đầu gối cho tôi. Không ngờ, chấn thương nội khi gặp mật gấu nóng khiến đầu gối sưng vù lên, hết đi nổi. Lúc ấy, Thụy Kha đã chở tôi, cũng bằng xe đạp, lên nhà anh ở 60 Hàng Bông, đã cõng tôi lên tầng hai, nơi gia đình anh đang ở. Rồi lại cõng tôi xuống gác, cõng thẳng vào bệnh viện Việt - Đức gần đó. Nhờ ơn các bác sĩ ở bệnh viện hút máu bầm từ đầu gối, và cho thuốc tôi uống, tự nhiên, dầu gối nhẹ hẳn. Thụy Kha lại cõng tôi về nhà anh, tĩnh dưỡng bằng cách… uống rượu. Chúng tôi sống với nhau như vậy đó, ngay giữa Hà Nội.
Nhà thơ, khi phải cõng trên lưng mình người đồng đội, vẫn đi thẳng, dù không dễ dàng. Thụy Kha đã làm thơ như thế, và thơ anh luôn "cõng" những ký ức chiến tranh của anh, một "Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi/ Như bụi trong nhà chẳng thể nào quét sạch" ( Bụi). Cứ nghĩ, giá như tôi là…bụi, thì Kha thi sĩ cũng chẳng nỡ quét khỏi người mình. Những gắn bó giữa bạn bè lính từng ở chiến trường là vậy. Tôi đã hơn một lần được đồng đội giúp đỡ, cưu mang khi bị sốt rét mà vẫn hành quân trên Trường Sơn, nên tôi hiểu Thụy Kha bạn mình.
Chính những hành động sống ấy đã làm nên thi pháp một nhà thơ. Thụy Kha không bỏ bạn, không quên bạn, không vì được mình mà mất bạn. Người ta sống ở đời, được như thế cũng là quá nhiều.
|
Những năm bao cấp nghèo khó, lao nhọc, tôi và Thụy Kha luôn sát cánh với nhau, xuôi Nam ngược Bắc, trần lưng làm thuê làm mướn, trần lưng "đánh quả" để giúp nuôi gia đình, nuôi cả bạn bè thất cơ lỡ vận. Những ngày tháng ấy, khổ mà thật đẹp. Mỗi khi từ Hà Nội vào Qui Nhơn với tôi, vừa bỏ cái túi xách lên giường, Thụy Kha đã nhào xuống giếng nước, hai tay hai thùng xách nước giúp vợ chồng tôi những khi khu tập thể mất điện, không bơm nước lên tầng được. Những hành xử ấy của Kha khiến tôi nhớ mãi. Đó là hành xử của một người lính. Thơ bắt đầu từ đó.
Nếu bạn hỏi tôi, làm thơ có khó không, tôi sẽ nói ngay, làm thơ không khó nhưng cũng chẳng dễ. Bây giờ thì đỡ hơn, chứ hồi trước, nhiều người làm thơ đã phải trả giá, nhiều khi là cả đời mình. Nhưng thơ luôn yêu cầu cái giá của nó. Nếu anh chỉ làm thơ khi trà dư tửu hậu, làm thơ chơi chơi, thì anh cũng được thơ đúng như những gì anh bỏ ra. Không ít hơn, cũng không nhiều hơn.
Tôi biết, ngày chưa xa lắm, vì phải nuôi thân và nuôi gia đình, lúc đó Thụy Kha được cấp trên "ưu tiên" cho xuất ngũ, tiền trợ cấp một lần cho một sĩ quan xuất ngũ chỉ vừa mua được một chiếc cassette. Trắng tay. Không lương, không trợ cấp, Thụy Kha phải bắt đầu một cuộc sống bươn chải, như ngày xưa từng lăn lóc trên Trường Sơn. Và một lần đi ngang qua Văn Miếu, anh nhìn thấy một người bán rắn. Anh hỏi, và biết đó cũng là một người lính xuất ngũ như mình :
"Lặng im anh thương binh ngồi
Như hồi nào phục kích
Chỉ có khác súng thì bắn giặc
Còn rắn thì để bán, thế thôi”
(trích Người bán rắn ở Văn Miếu)
Cuộc chuyển đổi từ chiến tranh sang kinh tế thị trường nhiều khi là vậy, cũng xót xa và cay đắng lắm, chứ không “ngọt như mía lùi” đâu!
Nhưng là một người lao động thứ thiệt, năng động, sáng tạo, Thụy Kha đã làm nên một cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục khi đã bị dẫn trước tới…3-0. Anh làm báo, làm thuê theo kiểu "thợ đụng", ai thuê gì làm nấy, và làm…thơ. Ngạc nhiên chưa, đó lại là lúc thơ anh xuất thần, dằn xé và thanh thản.
Chúng tôi lại sát cánh với nhau, cùng làm thuê và làm thơ, nói theo cách phát âm của người Cực Nam, thì đều là… làm thơ cả mà. "Thuê" hay "thơ" cũng thế thôi.
Thơ Thụy Kha mạnh mẽ như con người anh, nếu chỉ nhìn ở một phía. Nhưng tôi còn nhìn ở phía khác, thơ Kha nhiều lúc rất yếu đuối, cũng giống như con người anh. Về điểm này, tôi cũng giống Kha. Ai cũng nói thơ tôi mạnh mẽ, nhưng một nhà thơ bạn tôi nhận xét, tận bên trong, tôi là người yếu đuối. Cũng đọc ra từ thơ. Đơn giản, vì chúng tôi sống bằng cảm xúc là chính. Người sống bằng cảm xúc, chuyện hay yếu lòng, hay đa cảm, cũng là hợp lẽ.
"Nhưng có làm sao, có làm sao", phải không ạ ?
Nguyễn Thụy Kha có khả năng tích chứa, uẩn súc về nghề rất mạnh. Anh không phải là một nhạc sĩ quá nổi tiếng, dù anh có nhiều bản nhạc hay, nhưng những kiến thức bách khoa về nhạc Việt, thì khó ai qua được anh. Đó cũng là thế mạnh để Thụy Kha "làm thơ" ( làm thuê) kiếm tiền độ nhật. Tới khi Thụy Kha giúp VTV1 mở chương trình Giai điệu tự hào thì tôi phục quá. Và cũng tự hào vì bạn mình đã làm được một "chương trình nhạc đỏ" mà rất nhiều người thích, rất nhiều người mê. Đơn giản, vì Thụy Kha từng là người lính. Một người lính sống thực với âm nhạc cách mạng. Và cả âm nhạc Việt trữ tình từ tiền chiến tới giờ.
Năm trước, khi có dịp về Qui Nhơn làm MV một bài hát của mình về thành phố biển này, Thụy Kha đã tới uống cà phê ở một cái quán phía sau dãy nhà tập thể mà tôi từng ở. Chỉ một tin nhắn ngắn ngủi cho tôi: “Nhìn tường nhà chúng ta từng ở lở lói. Buồn lạ”, mà tôi nhớ lại ngay một ký ức. Bài thơ tôi viết cho Thụy Kha thật giản dị :
NHỮNG BỨC TƯỜNG NHƯ SỐ PHẬN CHÚNG TA
“Nhìn tường nhà chúng ta từng ở lở lói. Buồn lạ”
(Nguyễn Thụy Kha)
ba mươi năm rồi bạn ơi
tôi bong tróc hệt bức tường từng ở
những di dân đâu thảnh thơi như gió
đâu tươi vui như cuộc đổi đời
đời lặng lẽ trôi
tuổi già vụt đến một sớm mai mùa hạ
nghe chim hót ngỡ trời còn trong quá
nhìn lên, xám xịt một màu
như trời Hà Nội
quanh năm khó tìm một khoảng xanh sâu
đó là điều ngày xưa ta chưa hề nghĩ
đến da trời còn lở loét, huống chi tường vôi thuở đói nghèo
nhớ hồi đó tao với mày mạnh mẽ bao nhiêu
uống rượu gạo suốt đêm không biết mệt
cứ lướt qua thời gian xe lao dốc
tưng bừng rất dại khờ
những bức tường lở loét, ai ngờ
ngày mai hồi đó bây giờ hôm nay
khỉ thật!
những bức tường bơ vơ
tao thấy trước ga Vinh tháng giêng năm bảy mốt
ở Lộc Ninh tháng ba năm bảy tư
ở Lạng Sơn tháng hai năm bảy bảy
ở nơi nào không nhớ nữa
những bức tường như số phận chúng ta
những bức tường tuổi già
nhìn ta trân trối
bác ba Hinh (*) đã khuất
thằng Tạo (**) lẫn đi rồi
nước trôi
sông cạn
chiều nhập nhoạng
đường về
25.5.2019
(*): kỹ sư, nhạc sĩ Trần Hinh (1938-2019)
(**): nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019)
Thì số phận chúng tôi cũng như những bức tường ấy thôi mà. Và đó là phần thưởng, như một nhà thơ Nga, đã viết.
Bình luận (0)