Đường Hàm Nghi ở trung tâm Q.1, gần ngôi chợ Bến Thành nổi tiếng. Tôi vẫn thường gọi đó là đường của “phồn hoa” bởi những cửa hiệu sáng trưng, nhà cửa san sát sang trọng. Cùng với các đường Đồng Khởi, Lê Lợi... đây chính là con đường nhiều năm qua có giá nhà đất đắt đỏ vào hàng bậc nhất Sài thành.
Nhưng bề dày câu chuyện lịch sử cuộc đời vị vua được đặt tên cho con đường mới làm tôi chú ý nhiều nhất, bởi cái khí chất kiên cường và đoạn đời đơn độc của ông trong những tháng ngày bị Pháp lưu đày ở Algérie.
Hồi ức từ đêm Quảng Trị
Buổi tối. Ngồi ở ngôi quán nhỏ gần cánh đồng ở H.Gio Linh (Quảng Trị) quê nhà với vài người bạn. Gió bời bời thổi. Trong cuộc “trà dư tửu hậu”, có một người bạn ở Tân Sở (thường gọi là vùng Cùa, hay còn gọi địa danh hành chính là xã Cam Chính, H.Cam Lộ) cùng về chung vui. Cũng chính trong hai ngày 12 và 13.7 ấy, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc tổ chức một buổi lễ long trọng và vô cùng ý nghĩa: Rước long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu (Đại nội Huế) về khu di tích thành Tân Sở nhân dịp kỷ niệm 135 năm (1885 - 2020) nhà vua rời kinh thành Huế ra nơi ấy hạ chiếu Cần Vương.
Đây là vị vua (có tên là Nguyễn Phúc Ưng Lịch) gợi lại nhiều năm tháng thăng trầm, nhưng hành trạng khởi phát trong một giai đoạn lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Bởi chính ông, bằng việc hai lần hạ chiếu kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ đứng lên chống Pháp, hào khí ấy đã truyền đi một thông điệp cho dân chúng đứng lên chống ách ngoại bang.
Đó là các cuộc khởi nghĩa của đề đốc Lê Trực, tri phủ Nguyễn Phạm Tuân, ông nghè Nguyễn Xuân Ôn, đề đốc Tạ Hiện, tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, ngự sử Phan Đình Phùng... Các cuộc khởi nghĩa này đã đẩy cao trào yêu nước lan tỏa khắp nơi vào cuối thế kỷ 19, bày tỏ sự kiên gan của dân ta bởi không chịu được ách thống trị, thái độ vô cùng xấc xược với quyền lực áp đặt của nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam. Mà trong dân chúng thời ấy, ai nghe qua cũng đều xem đó là một mối nhục nước nhà.
|
Nỗi buồn nước đổ nhà tan
Chính vì câu chuyện rất hay trong đêm ấy ở Quảng Trị về lễ rước long vị vua Hàm Nghi từ một đồng nghiệp trực tiếp tham gia sự kiện, nên khi trở lại Sài Gòn tôi đã tìm hiểu cặn kẽ về cuộc đời của vị vua anh minh, đáng kính trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của đất nước.
Tại chương 14 có tựa đề Loạn ở Trung kỳ mô tả trong cuốn Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim đã kể lại diễn tiến câu chuyện vua Hàm Nghi dựng chiếu Cần Vương một cách tỉ mỉ. Ông đã cố gắng ghi lại một cách chân thật lịch sử nhất. Có thể tóm gọn câu chuyện như sau: Thống tướng Pháp De Courcy lúc từ Hà Nội khi muốn vào Huế yết kiến vua Hàm Nghi, nhất quyết đòi đưa binh lính dưới quyền cùng mình đi vào cửa chính Ngọ Môn để vào Đại nội. Triều đình cho rằng như vậy là trái với quốc lễ, nên nhất định không chịu và thương lượng chỉ để De Courcy đi cửa chính (như sứ Tàu ngày trước), còn binh lính phải đi cửa hông, nhưng
De Courcy tỏ ra xấc xược không chịu. Sự khinh mạn ấy của viên thống tướng người Pháp đã làm bùng nổ cuộc chiến dữ dội tối 22 rạng sáng 23 tháng 5 năm Ất Dậu âm lịch (tức 5.7.1885), biểu hiện cao nhất của sự “tức nước vỡ bờ” bởi suốt bao năm Pháp đặt ách áp bức lên dân ta, mà phía chủ chiến từ triều đình nhà Nguyễn là quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Kinh thành nổi lửa chiến tranh.
Điều này buộc nhà vua và một số thân gia hoàng tộc phải lên đường ra thành Quảng Trị vào tối 24 tháng 5 âm lịch, rồi sau đó xa giá ra đến thành Tân Sở (H.Cam Lộ, Quảng Trị), cách đó khoảng 30 km về phía tây. Tại đây, phẫn uất trước những việc làm của Pháp, ngày 13.7.1885 vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Sau đó, bao lần vị vua trẻ tuổi phải vượt núi băng đèo từ Quảng Trị ra đến Tuyên Hóa (Quảng Bình), một huyện giáp với Hà Tĩnh trong dãi nắng dầm sương, cho đến lúc bị hai tên là Trương Quang Ngọc (hầu cận vua) và Nguyễn Đình Tình (suất đội) phản bội, do bị Pháp mua chuộc, nhà vua mới bị bắt. Đó là đêm 26 tháng giêng năm Mậu Tý (1888).
Học giả Trần Trọng Kim viết: “Vua Hàm Nghi bấy giờ đã 18 tuổi, quan Pháp (là đại úy Boulangier - NV) lấy vương lễ mà tiếp đãi. Tuy vậy ai hỏi gì, ngài cũng không nói, chỉ nhất quyết chối rằng mình không phải là vua. Nhưng đến lúc vào trong buồng ngồi một mình, thì hai hàng nước mắt chứa chan, buồn vì nỗi nước đổ nhà tan, thân mình phải nhiều nỗi gian truân. Người Pháp đem vua Hàm Nghi xuống tàu về Thuận An, rồi đem sang để ở bên xứ Algérie, là xứ thuộc địa của nước Pháp” (trang 564, Việt Nam Sử Lược).
Ý chí quật khởi
Càng tìm hiểu, tôi càng cảm nhận sâu sắc lòng yêu nước và ý chí quật khởi của tiền nhân. Hai người con trai của quan phụ chính Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm thì một người đã phải hy sinh lúc bảo vệ nhà vua trong đêm ở Tuyên Hóa do bị Trương Quang Ngọc bất thần rút gươm đâm chết, người còn lại là Tôn Thất Đạm cầm quân kháng chiến, lúc nghe tin nhà vua bị bắt, đã giải tán nghĩa quân, rồi thắt cổ với câu nói bất hủ: “Bây giờ người Pháp có muốn bắt ta thì vào tìm thấy mả ta ở trong rừng”, trước khi tự vẫn.
Còn người thi đậu Đình nguyên là Phan Đình Phùng, làm quan đến chức Ngự sử thì bỏ về kháng Pháp, lập căn cứ ở núi Vụ Quang (H.Hương Khê, Hà Tĩnh), khiến cho người Pháp bao bận lao đao. Ông không những có tài văn chương, mà còn có trí óc thao lược. Hơn 5 năm sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, tháng 11.1893 chính Phan Đình Phùng đã cho quân vào Tuyên Hóa - Quảng Bình lùng sục bắt cho kỳ được tên bội phản Trương Quang Ngọc đem xử tử.
Ở cuốn hồi ký tựa đề Empire d’ Annam, một viên sĩ quan người Pháp đã viết: “Quan Đình nguyên Phan Đình Phùng có tài về việc quân binh, biết luyện tập sĩ tốt, áo quần mặc một lối, và đeo súng kiểu 1874. Những súng ấy là súng của người quan Đình nguyên đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng y hệt như súng Pháp, chỉ vì nòng súng không xẻ rãnh cho nên đạn không đi xa được”. Người dưới trướng Phan Đình Phùng nổi danh thời ấy là Cao Thắng, đã miệt mài nghiên cứu đúc súng cho quân khởi nghĩa trong bao ngày đêm sương mù vần vũ ở núi Vụ Quang.
... Bây giờ đi qua những con đường Sài Gòn mang tên các danh nhân, từ vua đến quan một thời đồng lòng đứng lên cam chịu bao mất mát hy sinh vì nghĩa lớn dưới ngọn cờ Cần Vương hai thế kỷ trước, vẫn thấy như lịch sử hiển hiện dội về. Từ con đường vị vua Hàm Nghi (Q.1), đến các triều thần là Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), Cao Thắng (Q.3 - Q.10)... Sự phản kháng mạnh mẽ, nêu cao ý chí và lòng tự tôn dân tộc, không chịu khuất phục ngoại bang đã truyền lại cho con cháu đời sau những câu chuyện vô giá. Cũng như cảm thức của tôi và bạn bè trong đêm ấy tại Quảng Trị, nơi nhà vua từng hạ chiếu hiệu triệu dân chúng đứng lên, can đảm đặt cả sinh mệnh hoàng thất vào cuộc chiến 135 năm trước, đã cho chúng tôi một cái nhìn đầy yêu dấu, tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Càng hiểu vì sao trên dải đất hình chữ S, đất nước của bao người dân Việt, truyền thống chống ách xâm lược ngoại bang vẫn luôn lưu chảy trong huyết quản, tự ngàn đời...
Suốt nửa thế kỷ, tính từ khi cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng kết thúc vào năm 1896 cho đến 1945, phong trào kháng Pháp vẫn tiếp tục lan rộng từ Bắc vào Nam. Về số phận của phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường sau đó bị Pháp đày đi Haiti, một quần đảo thuộc Caribe và ông mất ở đó. Còn phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết lên náu ở vùng tây bắc của Việt Nam, một thời gian sau sang Trung Quốc và ông bị bệnh mất ở Quảng Đông.
|
Bình luận (0)