Vọng cố hương - Truyện ngắn của Bùi Việt Phương (Hòa Bình)

30/10/2022 08:30 GMT+7

Ngày nào ông Ỏn cũng bắc cái ghế nhựa đứng lên để nhìn về phía quê nhà qua cái ban công phòng bệnh. Thực ra, quê ông còn cách thành phố bốn mươi cây số, xe chạy đúng một tiếng mới đến.

Thật ra, ông Ỏn chẳng có cái bệnh gì để phải vào viện. Nhà ông ở ngay dưới phố kia, chỗ có vườn cây um tùm đầy tiếng chim hót. Những con chim được nuôi mớm từ bé nó có giọng hót nghe khó chịu lắm, không thanh tao như chim rừng, điều đó càng làm ông thấy bức bối. Năm thằng con xây nhà, ông đã bảo nó làm hai tầng để ông còn lên sân thượng để ngắm nghía. Nó thì cứ khăng khăng đất rộng, lại sẵn tiền làm nhà một tầng mái Thái cho sang. Cái nhà gì mà thấp tè, ngồi ăn cũng khoanh chân bên cái bàn của Nhật, chẳng có chỗ nào cao ráo để ông ngóng về quê cũ…

Minh họa: Tuấn Anh

Cực chẳng đã, ông Ỏn lại mua rượu về uống. Chỉ cần uống rượu với ổi xanh và ớt vài hôm là dạ dày ông lại có vấn đề. Có điều mỗi lần dạ dày loét thêm, người lại teo tóp hơn. Vào viện, thằng cháu Kiều trưởng khoa hiểu ý lại xếp ông lên tầng 5, tuy có hơi cao nhưng lại được ngóng về cái chỗ cha mẹ ông nằm xuống.

- Ông cho tôi ngó với!

Ông Ỏn ngoái lại thấy ông già nằm giường đối diện đã đứng phía sau từ bao giờ. Ông này da trắng, dáng người thư sinh, có vẻ mắc bệnh đã lâu nên thần sắc kém.

- Ông cũng muốn ngóng về quê tôi à? - ông Ỏn có vẻ tự hào.

- Không, tôi ngó về nhà tôi, nhà tôi ngay bên kia sông đó, mà…

- Thế thì gần lắm, nhìn được, đợi tôi xuống.

Bỗng dưng ông Ỏn thấy hoa mắt quá, may có ông kia giữ ghế mới bước xuống được. Thấy quê người ta gần mà chạnh lòng. Mỗi khi xúc động hình như mắt ông lại kém đi một ít.

- Ngay bên sông thì sao mà phải nhớ, vài hôm nữa người ta cho xuất viện thì ông được về chứ.

- Không (ông kia bỗng nghẹn ngào) - nhà tôi bố con từ mặt nhau. Thằng con cả bỏ vợ, bỏ con mà rước một con “yêu tinh” về. Ngày xưa tôi lại trót sang tên nhà cho nó, giờ tôi phải đi ở trọ đấy.

- Thế còn thằng hai đâu?

- Nó chết rồi. Nhiều lúc muốn về thắp hương cho nó mà không được.

Sáng nay, ông Ỏn tỉnh dậy thì ông mặt trắng đã chuyển đi rồi. Chiều, ông lại đứng lên ghế ngóng được một tí thì lần này một giọng nữ lại vang lên.

- Ông này hay nhỉ, người ta chả có ghế mà ngồi, ông lại đi ngó cái gì? Già rồi còn đổ đốn…

- Tôi có việc của tôi, mà bà ở đâu ra?

Bình thường mà ai nói thế thể nào ông Ỏn cũng vặc cho một trận. Nhưng sao cái giọng bà này nó ngọt thế, như thể bao nhiêu trìu mến ngày xưa vẫn còn đọng lại lúc xế chiều.

- Tôi đưa con gái đi cấp cứu. Nó thất tình uống thuốc tự tử, đêm qua rửa ruột giờ được chuyển vào phòng này. Có ghế ngồi canh nó mới yên tâm. Ngồi canh cho một cuộc tình đã phai đấy ông ạ. Thời chúng mình làm gì có tình mà phai cơ chứ.

- Lấy thì lấy đi nhưng ghế khó ngồi lắm, đàn bà ngồi vắt vẻo thì…

Mấy hôm cho mượn ghế, ông Ỏn cứ thẩn thơ. Ở đây phòng nào cũng được trang bị gần chục cái ghế nhưng toàn loại ghế đôn thấp tè, duy nhất cái này cao hơn hẳn, chẳng biết lạc từ đâu đến. Nhìn cái bà đi chăm con ngồi trên cái ghế cao của mình, mặc cái quần lửng để lộ ra đôi chân thõng xuống trắng nõn, ông Ỏn lại càng thêm buồn. Ngày xưa, My cũng thế, trắng trẻo và chua ngoa, hay ngồi vắt vẻo trên cành cây sung chìa ra bờ suối. Một hôm My bảo sẽ đi lấy chồng, nhưng lấy ai thì không nói. Lúc ấy ông còn trẻ lắm nên ông không tin, còn tức lay cành sung cho My ngã xuống suối. My ngoi lên, bình thản vuốt tóc bước lên bờ mà không thèm ngoái lại nhìn ông lấy một lần. My đi thật, đi xa lắm, rồi nghe nói My theo chồng vào Nam, cả hai buôn “hàng trắng” rồi đều bị “dựa cột”. Sau này, cứ thấy đàn bà chân dài, da trắng là ông lại thấy đau hơn cả lúc xuất huyết dạ dày.

Rồi người ta trả ghế, chuyển phòng, ông Ỏn lại ra ban công ngóng về quê. Lần này chẳng thấy ai đến hỏi mà chỉ thấy người ra vào thăm nom bệnh nhân nườm nượp. Họ mang đủ thứ hoa trái, bánh kẹo vào ăn rôm rả. Hóa ra, dân thành phố khoái đến bệnh viện vì còn để khoe khoang đủ thứ chuyện, nào là “con đang làm phòng này…”, “cháu đang theo học hoàn thiện chương trình kia…”.

Ở phòng này, ông là người ít đồ nhất, chỉ có một cái cặp lồng, một cái ca, một tô để úp mì tôm, tất cả đều bằng nhôm được cọ rửa sáng bóng. Đêm qua, một bà kêu đói, lúc ấy căng tin bệnh viện đóng cửa. Ông Ỏn cho thằng con bà ta mượn cặp lồng đi mua cháo, nó đi mãi không về, nghe bảo nó bị xe tông ngay ngã ba. Sáng nay, có đứa trẻ được mẹ đưa lên thăm bà. Lúc mẹ nó đi xuống mua đồ, nó khóc mãi. Ai dỗ thế nào con bé có cái răng sún ấy vẫn dấm dứt khóc, chỉ đến khi ông đưa cái ca nhôm cho nó chơi, nó ném vèo xuống sân rồi mới nhoẻn miệng cười. Lúc ấy ông nhìn xuống thấy cái ca nằm bẹp dí nhưng vẫn ánh lên một màu trắng sáng của loại nhôm xưa được luyện đúc kỹ.

- Cái ca có đau không ông?

- Nó đau nhưng vì Ngọc nó không kêu đó.

- Ông hư lắm, cháu đâu phải là Ngọc.

Ừ, ông lại nhớ con Ngọc ngày còn bé, chưa ghẻ lạnh với ông như bây giờ.

Còn lại mỗi cái tô nấu mì, thực ra ông cũng chẳng nhớ kiếm được nó ở đâu. Chỉ biết nó làm bằng nhôm đúc dày và rất bền. Tự dưng sáng nay, ông cảm thấy có gì khang khác, điềm gở của người già sắp lìa cõi tạm chăng? Ông từng nghe nói có những cụ đang khỏe mạnh đòi mặc áo gấm rồi lên giường nằm và đi luôn. Lại có cụ nói vài câu gở mồm rồi tối đến cưỡi hạc quy tiên. Có lẽ con người ta khi phần xác phàm tục đã mệt mỏi, thì phần hồn sẽ thanh tao, cao thượng cũng nên. Cả đời ông Ỏn vốn tằn tiện, có lúc bủn xỉn đến mức cái điếu thuốc cháy đến gần đầu lọc cũng không muốn cho người khác châm lửa. Nhưng hôm nay ông đã phóng tay như thế. Ông đưa cái ca úp mì cho một đứa con trai lóng ngóng chưa biết mua cái bô bệt để mỗi khi mẹ nó tiểu tiện ở đâu.

Chợt có người cất tiếng:

- Ông gì ơi, cho tôi mượn cái ghế của ông được không?

- Gì, tôi còn có việc.

- Bác sĩ Kiều vừa đến tìm ông để làm thủ tục ra viện đấy, thấy ông cứ đứng trên ghế nên bác sĩ không gọi chỉ nhắn tôi như thế.

Ông Ỏn bực bội, tự nhủ: Hôm nay mới thứ tư, mình nhập viện mới được ba hôm, ít nhất cũng phải một tuần mới phải xuất viện, làm gì có kiểu đó, mình phải lên gặp thằng cháu Kiều mới được. Giữa lúc ấy, có tiếng người nhốn nháo dưới sân, dù chẳng thính tai nhưng khi ông ngó xuống, điều kỳ lạ nhất là ông thấy có vài người đang đội mũ lá nhảy xuống từ xe cấp cứu. Bao năm qua rồi nhưng sao ông nhầm được cơ chứ, đúng kiểu nón lá làng Đồng của ông đây rồi, mà đúng hơn là xóm của My ngày xưa. Có một chút gì xa lắm như những mảnh vỡ còn sót lại của một chiếc bè cứ thôi thúc ông bám víu mà bơi tiếp. Ông chạy xuống tầng, từng nhịp, từng nhịp cầu thang như thách thức cái tuổi bảy mươi của một ông lão. Càng chạy, chân càng nhũn ra nhưng thanh xuân thì dường như đang thắm lại trong tâm hồn ông. Phòng cấp cứu tầng 1 đây rồi, trên cáng cứu thương kia là My chứ ai, đúng cái nốt ruồi ấy dù được gắn lên khuôn mặt khắc khổ của tuổi già thì vẫn là người ấy.

- Em còn sống sao My ơi! - ông vịn vào chiếc cáng đang được người ta đẩy đi rất nhanh.

- Vớ vẩn, cái ông này ở đâu ra, ông không muốn mẹ tôi sống sao? - một thằng chừng bốn mươi tuổi gạt tay ông ra, mắt nó đỏ ngầu.

Nhưng cũng lúc đó, như có một tiếng sét phạt ngang tai ông và nó khiến cả hai cùng sững lại. Không, trời đang nắng to, tất cả xung quanh đều bình yên, chỉ hai người đàn ông có cảm giác đó. Ông thấy nó giống ông của ngày xưa quá, còn nó thì đang giật mình như thấy tương lai sau này của mình. Có lẽ nào? Ông lại thấy mắt hoa lên và nhòe đi. Cái cáng chạy nhanh vào khu vực hồi sức sau cánh cửa, thằng kia cũng bị đẩy ra.

- Mẹ con đó sao? Ta vẫn không tin, tưởng bà ấy đã bị…

- Đấy là một bà ở xã cùng tên với mẹ tôi, mà ông… bác người cùng quê sao biết mẹ cháu?

Ngừng giây lát nó lại tiếp:

- Mẹ cháu lần này về quê tìm một người bạn. Sau khi bố cháu bỏ đi theo cái người đàn bà buôn ma túy đó và bị xử án, mẹ cháu hay đi tìm một người bạn cũ. Từ hôm nghe tin ông ấy đã biệt xứ, mẹ cháu mới thành ra như thế…

- Lúc trẻ, người ta tìm kiếm những cái tốt đẹp, còn lúc già người ta mới biết điều tốt nhất ấy là cho đi, cho đi cả nỗi buồn và cả những sai lầm của đời mình con à…

Đúng lúc ấy, một cô y tá ngó ra gọi:

- Ai là người nhà bà My thì ký vào giấy cam kết để mổ nào?

Ông Ỏn quay sang nhìn thằng con trai lắp bắp:

- Vinh, nếu đúng con là của chúng ta thì con là Đức Vinh…

- Vâng, sao bác biết…

- Con để ta vào ký lần này nhé, lần này ta phải ký, có tội gì ta cũng chịu. Ta là cha con, biết đâu chỉ còn lần này ta được ký cho cô ấy và cho cả ta nữa.

Ông Ỏn cứ thế bước vào cầm cây bút lên, mắt ông bỗng nhòe đi khi nhìn vào những dòng chữ ghi quê quán bà My. Ông chỉ còn thấy một khu rừng xưa, thấy con suối, là cành cây sung rợp mát hôm nào và cả dáng My đang ngồi vắt vẻo bên dòng suối...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.