Vào đúng lúc tiếng chuông báo hiệu Lọ Lem phải quay trở về nhà, một xe cháo đêm từ sâu trong ngõ lặng lẽ dọn ra. Thịt gà xé, bắp cải, cà rốt, hành tây cắt sợi được xếp đều chằn chặn trong tủ kính. Ai đến trước sẽ có chỗ thong thả ngồi ăn, ai đến sau thì có khi phải mua mang về hoặc không còn một sự lựa chọn nào khác. Tức là cháo trong chiếc nồi lớn đã hết veo. Đó cũng là giây phút Thu được nghỉ ngơi với khoảng thời gian ít ỏi còn lại. Chỉ cần nhắm mắt thật chặt, Thu có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Do vậy, mỗi buổi sáng gặp nhau ở trường, nét mặt Thu trông vẫn rất tươi tỉnh và rạng rỡ. Có lẽ vì lúc nào Thu cũng nở một nụ cười hết sức dễ thương. Nụ cười đáng mến ấy đã phần nào xua đi những chuyện phiền muộn không đáng có. Chẳng hạn như mỗi ngày Thu đều nghe thấy tiếng xì xầm bàn tán của tụi con gái trong lớp về phong cách ăn mặc ngó bộ giản dị đến mức "quê quê" của mình.
Vinh cảm nhận được một nguồn năng lượng tuyệt vời tỏa ra từ Thu, đó là khi bạn chấp nhận bản thân trong mọi hoàn cảnh, và ngay cả khi bạn phải đối diện với nghịch cảnh. Trong thâm tâm, ngọn lửa khao khát vươn lên từ nghịch cảnh đang từng chút thiêu cháy bản tính học đòi, ích kỷ, nhỏ nhen luôn bùng lên mạnh mẽ. Thu từng thẳng thắn trình bày quan điểm với Vinh:
"Thu không thể mua một đôi giày đẹp trong khi cha mẹ Thu vẫn phải đi những đôi dép cũ mòn theo năm tháng. Thu biết cha mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái nhưng lắm khi cha mẹ của chúng ta đã quên mất việc phải chăm lo cho chính mình. Vinh này, Thu còn hai đứa em cần được ăn uống đầy đủ và ngủ ngon giấc".
Vinh ngầm hiểu ra sự trưởng thành rõ rệt trong Thu qua câu nói đầy nghiêm nghị ấy. Rằng Thu không phải đang cố gắng chứng tỏ mình là đứa con ngoan trò giỏi, đã sớm hiểu chuyện gia đình mà tất cả mọi điều Thu ngẫm ngợi và hành động đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương sâu sắc. Nếu hiểu rõ sự gắn kết sâu sắc của tình yêu thương và có thể làm điều gì đó ý nghĩa, Vinh đã không khiến mẹ phải lo lắng cho mình nhiều đến vậy. Chẳng hạn bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đơn cử như việc mỗi sáng sắp xếp gọn gàng chăn gối khi thức dậy, chỉ cần dành vài giây tập trung thôi, Vinh cũng không làm cho xong được. Lúc đó, hẳn Vinh còn bận tìm chiếc áo khoác phù hợp để mặc đến trường rồi cuống cuồng vội vã ăn thật nhanh vì thời gian không còn nhiều. Và khi trở về nhà, theo thói quen Vinh lại vứt đồ lung tung. Có những món đồ chẳng may lăn tít tận ngách tủ, im lìm ngóng chờ Vinh sáng mai khởi hành công cuộc "truy tìm báu vật" đã mất.
Sau buổi trò chuyện cùng Thu, Vinh chợt nghĩ về một buổi sáng của mẹ với bao công việc lớn bé trải dài từ trong ra ngoài. Đôi lúc mẹ còn phải xử lý thêm việc nhà mỗi khi Vinh lỡ quên tắt đèn trong phòng ngủ, khóa không chặt vòi để nước chảy rỉ rả hay thường xuyên làm rơi vụn bánh trên sàn nhà.
Mãi đến tối, hai mẹ con mới gặp nhau ở nhà, mẹ nhẹ nhàng bảo Vinh: "Con lớn rồi nên chú ý quan sát mọi thứ một chút nhé".
Vinh đáp lại lời mẹ bằng cái gật đầu chiếu lệ chóng qua. Và rồi mẹ dịu dàng xoa đầu đứa con trai vô tư, mặt vẫn cắm cúi vào trận games đang chơi dở.
***
Tuần vừa rồi, mẹ đi công tác ở Hà Nội. Trước khi đi, mẹ dặn dò Vinh đủ chuyện:
"Thức ăn mẹ đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, con muốn ăn gì thì lấy ra hâm nóng. Lúc đi học và khi về nhà, con nhớ phải đóng cửa cẩn thận. Con nên hạn chế uống nước ngọt có gas và thức đêm. À, nếu cần sự giúp đỡ thì con có thể gọi cho chú Minh, bạn của mẹ. Nhưng mẹ tin con sẽ xoay xở được thôi. Chào chàng trai nhỏ!". Mẹ để lại một mảnh giấy có ghi số điện thoại rồi vội vàng bước ra xe. Vinh nhìn mảnh giấy hồi lâu, cảm thấy bức bối khó chịu trong lòng. Có thật sự chú Minh chỉ là một người bạn đơn thuần của mẹ không?
Chú Minh có một tiệm sửa xe nhỏ sát cạnh nhà Vinh. Theo như lời mẹ kể thì chú Minh là bạn học cũ hồi cấp hai của mẹ. Tính tình chú xởi lởi, thân thiện và luôn hòa nhã với hàng xóm láng giềng. Ngay khi biết mẹ con Vinh dọn về đây, chú Minh đã vô cùng phấn khởi. Chú nói, hễ khi trong nhà có việc gì nặng nhọc và khó xử lý, chú sẽ sang nhà hỗ trợ. Mỗi lần sửa xong một món đồ gì đó, chú luôn bật cười vui vẻ:
"Cái quạt này dùng lâu ngày dễ đóng bụi. Khi rảnh, Hạnh nhớ tháo ra lau chùi cho sạch sẽ. Mấy giờ rồi nhỉ, tui phải về, tại bên nhà không có ai hết. Chú về nha nhóc!".
Vinh ghét cách chú gọi mình là nhóc. Nhưng khi từ "nhóc" lẫn trong tiếng cười khục khặc của chú, bỗng dưng nó trở nên khôi hài một cách lạ lùng. Vinh cho rằng chú đang giễu nhại mình.
Trong buổi tiệc sinh nhật mẹ, vẻ mặt hân hoan của chú đã ngầm tiết lộ khoảng cách "gần kề" giữa hai người. Vinh thầm nghĩ, đó không còn là mối quan hệ bạn bè quý mến nhau thông thường nữa.
Những ngày không có mẹ ở nhà, Vinh ăn uống cầm chừng qua loa. Có hôm Vinh bỏ bữa sáng, ăn nhanh một ly mì ăn liền trong căng tin của trường vào bữa trưa, đến khi về nhà cũng ăn vội đồ đóng hộp quấy quá. Vinh đã lặp lại "khẩu phần" ăn ấy nhiều ngày liền cho đến một sáng Vinh không thể gượng dậy nổi nữa. Bụng dạ Vinh sôi réo dữ dội, như thể có một ngọn núi lửa đang dốc sức phun trào. Vinh cố gắng với tay cầm chiếc điện thoại, định sẽ gọi cho mẹ nhưng Vinh chợt nhớ buổi hội thảo quan trọng của mẹ bắt đầu vào sáng nay. Thế rồi Vinh quyết định gọi cho bác Minh, sau mấy cuộc gọi mà bác vẫn chưa nhấc máy. Vinh bất lực nhìn xuống sàn nhà, hốt nhiên Vinh nghĩ đến Thu.
Từ đầu dây bên kia, Vinh nghe thấy giọng Thu trong vắt:
"Alô, Vinh à? Vinh gọi cho Thu phải không?"
Cố nén cơn đau, Vinh nói đứt quãng:
"Thu ơi, không biết Vinh bị gì nữa. Bụng Vinh đau quá. Lúc nãy Vinh có gọi cho chú Minh cạnh nhà, nhưng mà…".
Thu mau chóng hiểu được vấn đề, cô bé nhẹ nhàng nói:
"Vinh ráng đợi một lát, Thu qua ngay. Nếu Thu gặp chú Minh trên đường, Thu sẽ nhờ chú giúp một tay. Vinh đừng có lo lắng quá nha".
Vinh yên tâm nhắm mắt chờ đợi. Trong cơn mê man đau buốt, Vinh mơ hồ nghe thấy giọng nói đầy lo lắng của Thu và Vinh còn cảm thấy cả cơ thể mình gần như nhẹ bẫng.
***
Những tia nắng chiều nhảy xuyên qua ô cửa sổ làm ánh lên từng vệt lấp lánh. Nằm trên giường bệnh, gương mặt hiền lành của Vinh gợn lên chút xanh xao. Vinh khe khẽ mở mắt, cảm nhận có dòng chất lỏng truyền qua cổ tay. Trông thấy Vinh đã tỉnh, chú Minh khấp khởi vui mừng:
"Nhóc tỉnh lại rồi à? Nhóc làm chú lo lắm đó biết không? Khi nào xuất viện, nhóc nhớ phải ăn uống cho tử tế".
Vinh cựa người nói muốn uống chút nước. Chú Minh âu yếm đưa cốc nước lên miệng Vinh: "Uống từ từ thôi con trai". Trong khoảnh khắc ấy, Vinh cảm thấy cả cơ thể mình như được hồi sinh. Nhìn vào đôi mắt sáng rỡ của chú Minh, Vinh nhận ra một tấm lòng thương yêu sâu sắc. Chỉ có tình yêu thương sâu sắc mới có thể kết nối những trái tim nguội lạnh dần tìm được hơi ấm của gia đình. Và, hai tiếng "gia đình" đâu phải chỉ dành riêng cho những người có cùng chung huyết thống? Trong xã hội vẫn hiện hữu những gia đình hết sức kỳ lạ, từng thành viên hoàn toàn khác nhau về danh nghĩa và thậm chí không cùng chung máu mủ nhưng cốt lõi họ vẫn vui sống bên nhau vì ngọn lửa yêu thương sẽ không bao giờ lụi tắt.
Vinh nắm lấy bàn tay to lớn của chú Minh. Những vết chai cứng cọ xát vào lòng bàn tay mềm mại của Vinh. Thi thoảng, nếu cúi nhìn kỹ sẽ thấy những vệt đen của dầu nhớt bám chặt giữa kẽ ngón tay. Đó là lý do vì sao chú Minh khá ngần ngại mỗi khi đưa tay ra để bắt tay một ai đó? Nhưng từ hôm nay, Vinh muốn được nắm lấy bàn tay bám đầy dầu nhớt ấy. Nếu có thể, Vinh muốn mọi người biết được rằng mình có một "người cha" cực kỳ nhiệt tình và tháo vát.
***
Ngày Vinh có thể tự đi học trở lại, chú Minh nhất quyết đòi chở Vinh đến trường. Khi Vinh cởi mũ bảo hiểm và vẫy tay chào tạm biệt chú, Vinh thấy mình thật giống với các bạn được cha chở đi học. Thu đến lớp từ sớm và chờ Vinh cùng đi ăn sáng. Thu kể hôm Vinh gọi điện cho Thu, sau khi biết được sự tình, Thu đã nhanh chóng đạp xe đến nhà Vinh nhưng Thu không thể vào được nhà vì cửa đã khóa kín. Chừng mười phút sau, chú Minh đi mua phụ kiện máy móc về thì thấy một cô bé đứng lấp ló trước cổng. Chú đến hỏi Thu thì mới biết được Vinh đang bệnh nặng, chú nhanh chóng vào tiệm, lấy chìa khóa dự phòng mà trước khi đi công tác mẹ Vinh đã cẩn thận đưa cho chú.
"Vinh không biết được khi chú đẩy cửa bước vào và thấy Vinh nằm bất động thì chú đã lo đến thế nào đâu. Chú nhẹ nhàng lay người Vinh rồi bế xốc Vinh xuống nhà. Chú nói sẽ gọi taxi để đưa Vinh đến bệnh viện và nhờ Thu trông tiệm giúp chú. Đến chiều, chú mới về tiệm lấy một ít đồ đạc cá nhân rồi vào lại bệnh viện. Chú bảo tình hình của Vinh đã ổn. Chú lo cho Vinh lắm đấy".
Vinh im lặng lắng nghe từng câu nói của Thu. Bởi nếu bây giờ Vinh cất lời, Vinh sợ sẽ không thể kìm nén được cảm xúc cuộn chảy trong lòng. Thoáng sau, khi đã bình tĩnh phần nào, Vinh ghé vào tai Thu thì thào. Thu mỉm cười: "Kế hoạch này tuyệt hay!".
Tối hôm nay, Vinh ngồi đợi mẹ đi làm về. Vừa nhìn thấy mẹ, Vinh đã bước nhanh và đón lấy túi xách. Mẹ rất ngạc nhiên vì hôm nay nhà cửa sạch sẽ, đồ đạc gọn gàng hơn mọi ngày. Chậu hoa đỗ quyên trên bàn cũng được chăm sóc kỹ lưỡng, những chiếc lá non vương hạt li ti lấp lánh. Mẹ lặng lẽ xoa đầu đứa con trai "hiểu chuyện" đột xuất, kèm theo một lời khen có cánh: "Dạo này, con quan sát mọi thứ tỉ mỉ quá chừng".
Khi mẹ đang lau bát đĩa, Vinh lặng lẽ bước đến ôm mẹ:
"Mẹ ơi, hôm nay mẹ con mình đi ăn cháo đêm nhé!".
Mẹ ngạc nhiên nhìn Vinh vì hai mẹ con mới vừa ăn cơm tối xong. Biết là Vinh đang bày trò gì đó nhưng mẹ vẫn gật đầu đồng ý.
Vinh vừa chở mẹ đến thì cũng vừa lúc xe cháo đêm dọn bàn ghế ra sân. Thu vẫy tay mỉm cười với Vinh rồi chỉ vào chiếc bàn "đặt riêng" cho gia đình. Vinh bảo mẹ ngồi chờ Vinh một lát, trong lúc Vinh vòng ra phía sau để gọi một vị khách bí mật.
Vị khách bí mật xúc động nắm lấy tay Vinh. Đôi bàn tay của chú vẫn đầy những vết chai cứng và cáu bẩn. Vinh dắt tay vị khách bí mật đến thật gần chiếc bàn hai mẹ con đang ngồi. Từ trong xe cháo, Thu mang ra một bó hoa anh thảo và chiếc bánh kem có trang trí hình ảnh một gia đình ba người đang dắt tay nhau trên bãi biển. Thu khẽ khàng đặt lên bàn, ngay lúc này, tay còn lại của Vinh nắm chặt lấy tay mẹ:
"Con biết mẹ đã phải vất vả vì con thế nào. Hơn nữa mẹ đã gác lại những ước muốn và không thể nắm giữ hạnh phúc cho riêng mình. Chú Minh là một người tốt, và con hiểu tình cảm thầm lặng giữa chú và mẹ. Con hy vọng, từ đây chúng ta sẽ là một gia đình - một gia đình luôn luôn yêu thương nhau".
Nước mắt vẫn cứ vô thức rơi, Vinh không biết là nước mắt lại chảy nhiều đến vậy. Đến khi Vinh nhận ra cảm xúc chân thành của mình thì cả người cậu đã được bao bọc trong hai vòng ôm ấm áp. Một của mẹ. Một của chú Minh. Tất cả đều mang đến một cảm giác rất đỗi yên lành.
Ở một góc xa, Thu mỉm cười ngắm nhìn gia đình Vinh trong đôi mắt đỏ hoe. Cha mẹ Thu tấm tắc nhận xét: "Gia đình họ trông thật hạnh phúc!".
Bó hoa anh thảo đặt trên bàn phả làn hương thoang thoảng trong gió. Những lượt khách mới lục tục ghé vào và lần lượt gọi những phần cháo ấm nóng.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)