Tại sao không dám thuê “ngoại binh” giỏi ?
HLV Đoàn Minh Xương nói: “Chúng ta không “thần thánh hóa” Thai-League nhưng nếu nước bạn có những gì hay mà Việt Nam thấy phù hợp và có khả năng thực hiện thì cũng nên học tập. Thái Lan đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu Thai-League, cho phép các CLB được đăng ký 3 cầu thủ thuộc khối ASEAN trong danh sách thi đấu. Đặc biệt, mùa 2018 Ban Điều hành đã quyết định cho nhiều đội xuống hạng để giảm số lượng còn 16 đội khiến chất lượng các trận tăng vọt, giải đấu mang tính cạnh tranh cực kỳ cao. Tất cả động thái này đã mang đến hiệu ứng lớn về mặt hình ảnh, thu hút lượng lớn khán giả theo dõi trên sân cũng như qua truyền hình”.
Theo nhận định của ông Xương, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên nghiên cứu để nâng cấp các giải bóng đá trẻ theo mô hình giải vô địch quốc gia thu nhỏ - cách mà Thái Lan đang làm khá hiệu quả. Mỗi đội trẻ Thai-League sẽ đá quanh năm theo 2 lượt đi - về giống đội 1 để bảo đảm các cầu thủ luôn có số trận cọ xát cao nhất. Bóng đá học đường vốn là thế mạnh cũng được nâng cấp. Nếu cảm thấy cần thiết, VPF có thể mời những nhà điều hành nước ngoài am tường không chỉ về bóng đá mà còn về kinh tế, chính trị và có đầu óc nhạy bén, bắt kịp được với xu hướng phát triển của bóng đá thế giới.
Ví dụ, Thái Lan đã chiêu mộ “ngoại binh” để tham gia vào công cuộc cách mạng và tạo đột phá cho Thai-League. Mang quốc tịch Singapore, ông Benjamin Tan hiện đang giữ hai chức vụ hết sức quan trọng của Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) gồm Phó tổng giám đốc điều hành Công ty Thai-League và Trưởng ban Cấp phép các CLB. Nhân vật này đã đưa ra những ý tưởng táo bạo nhưng có tính khả thi cao và được FAT áp dụng triệt để. Các chuyên gia ngoại phải nhận được sự ủng hộ và tin tưởng ở chính đất nước mà họ sang hành nghề thì mới thành công được.
|
Cũng liên quan đến vấn đề của chuyên gia ngoại, ông bầu giàu cá tính Đoàn Nguyên Đức cho rằng, sở dĩ cựu trưởng giải V-League người Nhật Bản Tanaka Koji thất bại mùa 2014 vì không được ủng hộ. Người nước ngoài giỏi đến mấy sang Việt Nam mà không được ủng hộ sẽ rất khó làm. Hiện tại, VPF hoàn toàn có thể mạnh dạn thuê những nhà quản trị quốc tế để tận dụng chất xám của họ. Nhưng phải có sẵn người trong bộ máy VPF đủ tâm, đủ tài và nghiệp vụ để học được tinh túy của những “ngoại binh”. Mấu chốt nhất cải tổ VPF là tăng cường sự độc lập, minh bạch, mạnh dạn phân quyền cho những người có năng lực tham gia sâu hơn.
Lộ trình phát triển cần rõ ràng, đồng bộ
Bầu Đức nói: “Mục đích VPF lập ra là để tạo sự minh bạch, điều hành các giải đấu một cách độc lập. Tôi thấy cơ cấu bộ máy VPF không như ý lắm. VPF là tổ chức xã hội, có nhiều cổ đông, việc đảm bảo sự minh bạch là việc làm đầu tiên cần thiết nhất. Cơ chế giám sát của VPF vẫn rất yếu. Thay đổi này là việc trong tầm tay, VPF hoàn toàn có thể giải quyết được để chuẩn hóa cơ chế của chính VPF. Một câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam không có người tài, người tốt để làm bóng đá? Tôi nghĩ vẫn có nhiều người có nghề, có tâm, am hiểu nghiệp vụ rất sâu và toàn tâm với bóng đá có thể hỗ trợ, chia sẻ công việc với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú. Tôi tin nếu giao các vị trí quan trọng đúng người đúng việc thì VPF sẽ tự động khởi sắc. Bóng đá Việt Nam đang tốt lên nhờ công sức của các CLB, HLV, các lò đào tạo trẻ, chất lượng cầu thủ… chứ không riêng một cá nhân nào. Nên nếu vai trò chủ chốt có người có năng lực vào ngồi, VPF sẽ tăng tốc. Cá nhân tôi khẳng định VPF một khi làm lại bộ máy, nếu thiếu tiền tôi sẽ ủng hộ để hoạt động tốt”.
|
Còn HLV Đoàn Minh Xương tư vấn: “VFF và VPF nên tận dụng sự hỗ trợ, hậu thuẫn đắc lực từ Bộ VH-TT-DL và tất cả các cơ quan này nên cùng ngồi lại nhằm xác định rõ ràng từng mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Lộ trình phát triển bóng đá Việt Nam cần có bước đi rõ ràng, đồng bộ với 4 nhóm giải pháp: 1. Đảm bảo cân bằng tài chính; 2. Phát triển nguồn lực theo tiêu chuẩn châu Á; 3. Xây dựng hình ảnh tích cực từ sân bãi, thành tích đội tuyển và CLB, truyền thông, mối quan hệ với báo chí; 4. Đầu tư sâu cho trung tâm huấn luyện bóng đá quốc gia. Chỉ khi thiết lập được một chiến lược phát triển với quy hoạch rõ ràng, nghiêm túc và hết sức chuyên nghiệp, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam mới có thể biến các hệ thống bóng đá quốc nội đuổi kịp châu Á”.
Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành nói: “Tôi rất tâm đắc với cách đặt vấn đề của Báo Thanh Niên về việc phải tái cấu trúc và cải tổ lại bộ máy VPF. Nhiều người nói với tôi là VPF quyền lực hiện chỉ tập trung vào một hai người là không thể nào bật lên được vì muốn phát triển và nâng chất là phải huy động sức mạnh tập thể và có những người giỏi nghề, thạo việc, biết hái ra tiền. VPF cần phải có một tổng công trình sư biết hoạch định chiến lược, tập hợp ê kíp giỏi và phải luôn tư duy theo hướng luôn tìm cách nâng cao giá trị thương hiệu của giải đấu do mình quản lý thì khi đó bóng đá Việt Nam mới chuyển mình đi lên được”.
T.K
|
Những nét hay của Thai-League mà VPF cần học hỏi
Có vẻ VPF đã quá chậm trong việc nâng giá trị thương hiệu cho V-Legue khiến giải đấu của Việt Nam giờ bị tuột lại khá xa so với Thai-League. Công ty Thai-League đang quản lý giải đấu cao nhất của Thái Lan gặt hái thành công trước hết là đẩy mạnh công nghệ tổ chức. Họ mua bản quyền quản lý và tổ chức giải Ngoại hạng Anh để áp dụng vào Thai-League. Nhiều CLB được khuyến khích xây dựng mô hình, hình ảnh cũng như cách tổ chức dựa trên nền tảng của M.U hay Chelsea, xây dựng sân vận động riêng, kết hợp bán áo đấu, vật phẩm lưu niệm. Kế đến Thai-League cho CLB chiêu mộ các cầu thủ người Brazil có kỹ năng tốt và tư duy chiến thuật. Họ chiếm 1/3 tổng số ngoại binh ở mùa giải 2020. Bên cạnh đó là mở rộng suất “ngoại binh” cho cầu thủ châu Á. Ngoài ra xây dựng lịch đấu phù hợp như khung giờ từ 19 giờ trở đi để đảm bảo thể lực hay mới nhất là đổi theo mô hình châu Âu đá từ tháng 9 năm này sang tháng 5 năm sau... Cách làm này của người Thái cũng phần nào giống như bóng rổ Việt Nam hiện nay đang làm cho giải VBA, hết sức thú vị nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư và người hâm mộ háo hức tham gia, quan tâm.
G.L - T.K
|
Bình luận (0)