(TNO) Liên quan đến 20 chiếc ô tô hạng sang nhập khẩu theo đường “Việt kiều hồi hương” bị "bỏ quên" tại cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty TNHH giao nhận Phương Nam, đơn vị được cho là đại diện 9 chiếc trong số 20 ô tô nhập khẩu, từng dính “nghi án” tương tự ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) cách đây chưa lâu.
|
>> 20 xe sang 'bỏ quên' ở cảng
Tuy nhiên, ở hai sự vụ, Công ty TNHH giao nhận Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) đều khẳng định họ chỉ có trách nhiệm vận vận chuyển chứ không phải là đại diện nhà nhập khẩu.
“Bên tôi chỉ là nhà vận chuyển chứ không phải là nhà nhập khẩu 9 chiếc xe ô tô và 1 chiếc xe Harley”, bà Võ Thị Bích Loan, Giám đốc Công ty Phương Nam nói với PV Thanh Niên Online qua điện thoại vào trưa 29.10.
Bà Loan nói tiếp: “Quan điểm chúng tôi là mình làm dịch vụ vận chuyển thì khách hàng yêu cầu gì mình làm đó. Trong vụ này, họ ủy quyền cho mình làm công văn xin tái xuất thì chúng tôi làm hết trách nhiệm với khách hàng. Chúng tôi làm công văn gửi cho hải quan còn hải quan cho tái xuất thì tái xuất còn thấy không đủ điều kiện rồi tịch thu lô hàng thì thiệt hại cho khách thôi”.
|
Theo bà Loan, trong trường hợp lô hàng bị tịch thu thì hải quan cũng cần có thông báo rõ cho Công ty Phương Nam bằng văn bản để công ty báo lại cho khách.
Trả lời PV Thanh Niên Online, liệu có vô lý hay không khi 9 chiếc xe ô tô đều được khách hàng yêu cầu tái xuất, bà Loan nói: “Bởi khách họ yêu cầu còn tôi chỉ là nhà vận chuyển thôi. Bây giờ hàng đã về rồi khách cũng không đến nhận để tôi thu tiền phí mấy chục đô nữa. Người ta chỉ gửi mail cùng với số hộ chiếu yêu cầu làm công văn xin tái xuất giùm. Chúng tôi thấy điều này không vi phạm pháp luật nên làm giúp khách thôi chứ quyết định cuối cùng là của cơ quan hải quan”.
Bà Loan cho biết thêm, bà không trực tiếp gặp khách. "Có nghĩa là đại lý bên Mỹ nhận vận chuyển xe cho khách hàng. Mọi chuyện khách hàng liên hệ với đại lý bên Mỹ. Còn chúng tôi chỉ là đại lý của đối tác của đại lý bên Mỹ thôi. Họ cần chúng tôi để được cấp D/O (Delivery Order: phí lệnh giao hàng - PV). Cho nên chúng tôi cũng không liên lạc được với khách hàng ở bên kia”, bà Loan nói.
Được biết, ngoài lô hàng mắc kẹt ở cửa khẩu Cái Mép, Công ty Phương Nam còn liên quan đến một lô hàng gồm 5 chiếc Lexus cũng nhập khẩu theo diện trên ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) từ cuối năm 2012 đến nay.
Khi Hải quan Đà Nẵng yêu cầu đến làm thủ tục nhận xe, Công ty Phương Nam đã đã có văn bản gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng từ chối nhận lô hàng với lý do “gửi nhầm”.
Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng yêu cầu công ty Phương Nam gởi các giấy tờ chứng minh là “gửi nhầm” thì công ty này có gửi một hồ sơ nhưng theo đại diện Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, hồ sơ không hợp lệ.
Cũng như vụ việc ở cửa khẩu Cái Mép, Công ty Phương Nam khẳng định mình chỉ là đại lý vận chuyển, giao hàng và thu phí chứng từ, không phải là chủ sở hữu 5 chiếc xe Lexus trên.
Theo quy định hiện hành, tài sản trong đó gồm cả ô tô của Việt kiều đưa về nước sẽ được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo trị giá ban đầu.
Do đó, theo một nhà nhập khẩu ô tô, 5 chiếc xe Lexus có giá trên thị trường hàng chục tỉ đồng, nếu nhập trót lọt vào Việt Nam theo diện xe nhập khẩu “Việt kiều hồi hương” thì Nhà nước sẽ mất cả chục tỉ đồng tiền thuế. Lô xe ở cửa khẩu Cái Mép cũng không phải là ngoại lệ.
Hiện 5 chiếc xe Lexus nói trên vẫn còn lưu ở cảng Tiên Sa để cơ quan chức năng tìm hiểu, xác minh, xử lý vụ việc.
“Trách nhiệm của chúng tôi cứ gửi công văn còn hải quan chấp nhập hay không là quyền của họ. Phí lưu kho bãi, hư hỏng xe đã có khách hàng chịu chứ công ty không thiệt hại gì”, bà Loan nói.
Trung Hiếu
>> 20 xe sang 'bỏ quên' ở cảng
>> Hối lộ xe sang để vay tiền
>> Thị trường xe sang vẫn tăng trưởng tốt
>> Chưa có thông tin về đường dây nhập lậu xe sang
>> Xe sang của sao Việt
Bình luận (0)