Vụ án trục lợi chính sách ở TràVinh: Các bị cáo đã phạm tội như thế nào?

Bắc Bình
Bắc Bình
21/11/2021 06:16 GMT+7

Ngày mai (22.11), TAND tỉnh Trà Vinh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án 'vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí' liên quan đến trục lợi chính sách ở Trà Vinh từng gây xôn xao dư luận.

Phiên tòa bắt đầu diễn ra vào sáng 19.11 và dự kiến kéo dài trong 10 ngày làm việc. Có 19 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho 17 bị cáo bị truy tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Diệp Văn Thạnh (thứ 2 từ trái qua) và 16 bị cáo khác tại tòa

BẮC BÌNH

Các bị cáo được chia làm 2 nhóm, trong đó ông Diệp Văn Thạnh (53 tuổi, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh) và Trần Trường Sơn (45 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh), Nguyễn Văn Chiến (58 tuổi) và Lê Hữu Lễ (50 tuổi, cùng nguyên Trưởng phòng TN-MT TP.Trà Vinh), Lý Kiến Trung (50 tuổi, nguyên phó phòng), Trần Thanh Sơn (74 tuổi) và Nguyễn Trọng Nghĩa (42 tuổi, cùng nguyên là chuyên viên Phòng TN-MT TP.Trà Vinh) là nhóm phạm tội về chức vụ.

Nhóm 10 bị cáo còn lại có 7 người là “cò” đất, 3 chủ đất, bị xác định là nhóm mua bán chính sách dành cho người có công nhằm trục lợi cá nhân.

Gây thất thoát ngân sách hơn 69,4 tỉ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Trà Vinh, từ năm 2009 đến tháng 7.2018, ông Diệp Văn Thạnh với vai trò là Phó chủ tịch (đến tháng 6.2014) và Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh (từ tháng 6.2014 - 7.2018) đã cùng Trần Trường Sơn (thuộc cấp trực tiếp) chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện chính sách miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng từ đất khác lên đất thổ cư cho người có công nhằm giúp các đối tượng này cải thiện chỗ ở. Nhiệm vụ này, UBND TP.Trà Vinh thực hiện theo Quyết định 118 năm 1996 và Quyết định 117 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn thực hiện của Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.

Vận dụng việc được UBND tỉnh Trà Vinh ủy toàn quyền quyết định và với thẩm quyền của mình, năm 2011 - 2012 ông Diệp Văn Thạnh ký ban hành 2 công văn yêu cầu bỏ qua nội dung “kiến nghị của UBND cấp xã” và “UBND TP.Trà Vinh xác minh lại nội dung kiến nghị của UBND cấp xã”. Từ đó, các “cò” đất và chủ đất có điều kiện mua bán chính sách nhằm trục lợi cá nhân, thông qua việc tìm đến gia đình có người trong diện hưởng chính sách lên thổ cư để làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho đất khống; hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác thành đất thổ cư và được hưởng chính sách miễn, giảm tiền từ 65 - 100%.

Trong quá trình sai phạm, mặc dù lãnh đạo Phòng TN-MT TP.Trà Vinh đã nhiều lần chính thức báo cáo để ông Diệp Văn Thạnh điều chỉnh, nhưng ông Thạnh cho rằng chưa xảy ra khiếu nại giữa các chủ thể có liên quan nên chưa cần điều chỉnh.

Trong 313 hồ sơ sai phạm gây thất thoát ngân sách hơn 69,4 tỉ đồng, cá nhân ông Diệp Văn Thạnh đã trực tiếp ký 38 hồ sơ, gây thiệt hại ngân sách hơn 10,2 tỉ đồng, và chịu trách nhiệm là người đứng đầu để cho ông Trần Trường Sơn ký 275 hồ sơ sai phạm, gây thiệt hại hơn 59,1 tỉ đồng. Cáo trạng truy tố không thể hiện 2 bị cáo này có hưởng lợi từ việc ký thông qua các hồ sơ sai phạm.

Riêng các bị cáo nguyên là cán bộ, công chức thuộc Phòng TN-MT TP.Trà Vinh sai phạm do biết các quy định của T.Ư, của UBND tỉnh Trà Vinh trong quy trình xem xét hồ sơ hưởng lợi chính sách, nhưng vẫn ký các tờ trình lên lãnh đạo UBND TP.Trà Vinh và sau đó được ký phê duyệt.

Có 10 “cò” đất “không có vai trò đồng phạm”

Trong vụ án này, xác định có 17 “cò” đất, trong đó có 7 “cò” đất bị truy tố, còn 10 cò đất khác cũng làm công việc tương tự 7 “cò” đất bị truy tố, tức là chủ động tìm người được hưởng chính sách để ghép nối, hợp thức hóa hồ sơ nhằm giảm tiền sử dụng đất cho chủ đất. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Trà Vinh cho rằng 10 “cò” đất này không phạm tội hình sự do không có bàn bạc, thống nhất với những bị cáo trong vụ án nên không có vai trò đồng phạm.

Trong số 10 “cò” đất trên, có người xuất hiện với vai trò “cò” đất trong các vụ sai phạm “trục lợi chính sách” tương tự tại hầu khắp huyện, thị còn lại ở tỉnh Trà Vinh mà Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã kết luận, công bố và dư luận nhắc đến như: N.V.V, Đ.V.M, T.T.T.T...

Cùng với đó, có hàng chục người khác là cán bộ lãnh đạo đương chức, hưu trí, công chức của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi cục Thuế TP.Trà Vinh, công chứng viên của 6 văn phòng công chứng tư, lãnh đạo nhiều UBND cấp xã, Phòng LĐ-TB-XH TP.Trà Vinh và hơn 300 chủ đất… có liên quan với vai trò là người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc mắt xích quan trọng, chủ thể hồ sơ của tổng số 313 hồ sơ sai phạm. Tất cả họ được Viện KSND tỉnh Trà Vinh xác định “không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự”. Ngoài ra, Viện KSND tỉnh này cũng xác định không có ai cấu thành tội phạm trốn thuế trong vụ án này.

Trong 313 hồ sơ sai phạm gây thất thoát ngân sách hơn 69,4 tỉ đồng, đã có 161 chủ đất nộp tổng số tiền hơn 46 tỉ đồng để khắc phục sai phạm, trong khi 164 chủ đất chưa nộp lại số tiền ngân sách bị thất thoát hơn 23 tỉ đồng.

Trước đó, sai phạm trong vụ việc này được Báo Thanh Niên phản ánh qua loạt bài Chiêu trò trục lợi chính sách ở Trà Vinh đăng từ ngày 4 - 7.5.2020. Loạt bài này đã đạt giải nhất - Giải báo chí Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 (do Tạp chí Người làm báo thuộc Hội Nhà báo VN tổ chức) và giải C - Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020 - 2021 (do Ủy ban T.Ư MTTQ VN chủ trì tổ chức).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.