Vụ án Trương Mỹ Lan: Cựu giám đốc bị cho nghỉ việc vì 'không nghe lời'

Vụ án Trương Mỹ Lan: Cựu giám đốc bị cho nghỉ việc vì 'không nghe lời'

26/03/2024 20:25 GMT+7

Bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương (là cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn) tại phiên xét xử Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác, luật sư cho biết khi bị cáo Phương đã 'bị cho nghỉ việc' khi không đồng ý ký một số khoản vay do bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng chỉ đạo.

Sáng 26.3, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho bị cáo trong vụ án.

Theo cáo trạng, từ ngày 24.8.2017 đến ngày 9.10.2020, với các vai trò là Phó giám đốc rồi Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB) chi nhánh Sài Gòn, bị cáo Lê Anh Phương đã ký 99 tờ trình thẩm định cho vay, đồng ý cho 91 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 119 khoản tại SCB. Cáo trạng xác định đến ngày 17.10.2022, tổng dư nợ của các khoản vay vừa nêu lên tới hơn 77.900 tỉ đồng.

Vụ án Trương Mỹ Lan: Cựu giám đốc bị cho nghỉ việc vì 'không nghe lời'

Bị cáo Lê Anh Phương biết các khoản vay này là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng.

Ngoài việc tham gia lập hồ sơ vay vốn khống, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (lúc đó là Phó tổng giám đốc SCB), bị cáo Lê Anh Phương còn liên hệ, trao đổi và được bị cáo Đỗ Xuân Nam (là Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn - dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC) để phát hành các chứng thư hợp thức cho 4 khoản vay tại SCB.

Sau khi trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo, hành vi của bị cáo Lê Anh Phương được xác định gây thiệt hại cho SCB hơn 72.000 tỉ đồng.

Bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương tại tòa, luật sư cho biết mô hình quản trị SCB là quản trị tập trung tại hội sở, tất cả các chi nhánh được xem là đơn vị kinh doanh. Giám đốc chi nhánh chỉ thực hiện nhiệm vụ ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà không có quyền thẩm định lại những hồ sơ do khối tái thẩm định đưa xuống. Khối tái thẩm định lập thông tin khoản vay trước, sau đó gửi về chi nhánh để hoàn tất thủ tục.

Bị cáo Lê Anh Phương nhận chỉ đạo trực tiếp từ Nguyễn Phương Hồng, sau đó là bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (là cựu Phó tổng giám đốc SCB). Các hồ sơ vay này buộc phải được lập theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Các bộ phận liên quan đến xét duyệt, cấp tín dụng cho khoản vay phải tuân thủ thực hiện. Nếu ai đó không tuân thủ, không đồng ý cho vay thì có thể sẽ bị thay thế, cho nghỉ việc.

Luật sư dẫn chứng lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra: Vào năm 2020, khi bị cáo Lê Anh Phương đang làm Giám đốc SCB Sài Gòn, có một số khoản vay được các bị cáo Trần Thị Mỹ Dung và Trương Khánh Hoàng (là cựu quyền Tổng giám đốc SCB) chỉ đạo chi nhánh lập hồ sơ cho vay.

Xem nhanh 12h: Thời sự toàn cảnh trưa 26.3

Bị cáo Lê Anh Phương đã có ý kiến không đồng ý với các khoản vay này. Ngay sau đó, bị cáo Bùi Anh Dũng (là cựu Chủ tịch HĐQT SCB) gọi bị cáo Lê Anh Phương lên và nói sẽ sắp xếp cho bị cáo Phương qua đơn vị khác. Sau đó, bị cáo Lê Anh Phương nghỉ công tác tại SCB.

Tại phiên tòa này, bị cáo Lê Anh Phương bị truy tố về tội "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Luật sư của bị cáo cho rằng, điều này thể hiện ý chí chủ quan của bị cáo Phương khi nhận biết những hồ sơ vay vốn sai đã không thực hiện và chấp nhận nghỉ việc. Cộng với vai trò chỉ là người làm công ăn lương, luật sư của bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại mức án đề nghị 8-9 năm tù đối với bị cáo Lê Anh Phương vì "khá nặng".

Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về phiên tòa trong những bản tin sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.