Vụ anh em họ bán ma túy: 'Nội ơi, sao cứ phải đem cơm cho mẹ vậy'

Hoài Nhân
Hoài Nhân
02/03/2019 09:21 GMT+7

Vài chục gram ma túy trả giá bằng vài chục năm tù cho Nhung và Cang. Người cha già sẽ sống ra sao khi đứa con út không về, những đứa trẻ rồi sẽ ra sao khi không có mẹ cạnh bên...

Ngoài phòng xử, luật sư Trần Ngọc Hòa chia sẻ với PV Thanh Niên: “Có những vụ rất đơn giản, như phiên này. Tình tiết rõ ràng, khai nhận rõ ràng và sẽ kết án suôn sẻ. Đôi lúc tôi chợt nghĩ, có những tội lỗi đã đơn giản và rõ ràng như thế, nhưng vẫn có những người cố chấp không chịu hiểu”.

Anh em họ cùng bán ma túy

Vì hoàn cảnh gia đình, Hà Diễm Nhung (SN 1988, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) chỉ học hết lớp 6 rồi nghỉ. Nhung rời quê Đồng Tháp lên TP.HCM lập gia đình, kiếm sống bằng nghề làm tóc. Thu nhập bấp bênh, Nhung bắt đầu “làm thêm” với “công việc” mua bán ma túy đá.
Tháng 9.2017, Nhung lân la mua ma túy từ những người bán ở khu vực Q.Bình Tân - nơi Thu sinh sống. Khi cần, Nhung điện thoại thỏa thuận giá, sẽ có người mang “hàng” đến tận chỗ để giao. Sau đó, Nhung tự phân chia thành nhiều gói nhỏ có khối lượng khác nhau để bán cho các con nghiện ở khu vực Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân).
Trợ giúp cho Nhung là Trần Thành Cang (SN 1989, ngụ Bình Chánh, TP.HCM), vốn là anh họ của Nhung. Mẹ mất sớm, Cang cũng chỉ học hết lớp 9 thì nghỉ, lăn lộn kiếm sống bằng nghề thợ sơn.
Chẳng giống anh chị mình chăm lo làm lụng, “cậu út” Cang tập tành bè bạn, rồi nghiện ma túy. Tiền chẳng đủ để thỏa mãn cơn nghiện, Cang theo Nhung làm “nghề”. Cang nhận nhiệm vụ giao bán ma túy cho Nhung, bù lại, Cang được bao chỗ ăn, chỗ ở và ma túy để sử dụng.
Trung tuần tháng 4.2018, Nhung có “đơn hàng” của một “khách” quen và nhận giao đến một khách sạn ở Bình Chánh. Lần này, Nhung vẫn giao Cang đi lấy ma túy, sau đó về chở mình đến khách sạn trực tiếp giao 50 gram ma túy cho người nghiện. Sau đó 1 tuần, người nghiện này lại tiếp tục mua 50 gram ma túy nữa. Lần này, Cang cũng một mình đi lấy ma túy về, nhưng chưa kịp chở Nhung đi giao thì bị công an bắt quả tang.
Người thân Nhung và Cang vây lấy luật sư sau phiên tòa, cố tìm hiểu những hy vọng giảm án cuối cùng HOÀI NHÂN

"Nội ơi, bao giờ mẹ con mới về?"

Gia đình tan vỡ từ khi đứa con thứ 2 chào đời chưa được bao lâu. Chồng Nhung lấy vợ mới, để lại Nhung và 2 con chật vật với cuộc sống đắt đỏ giữa thành phố. Thiếu thốn trăm bề, người mẹ trẻ phạm tội. Còn Cang theo bạn bè sa vào nghiện ngập, làm lụng bao nhiêu cũng đổ vào thứ chất trắng chết người ấy. Thiếu tiền giải quyết cơn ghiền, “cậu út” Cang phạm tội. Nhưng chẳng có cái lý do nào là hợp lý cho việc phạm pháp cả. Chẳng bao giờ!
Tại phiên xử, hai anh em họ Cang và Nhung đứng đó, cúi đầu thành khẩn trước từng lời chất vấn, buộc tội của hội đồng xét xử. Không có khúc mắc, không có tranh luận gay gắt. Chỉ có nước mắt của Nhung nhiều lần rơi và lời khẩn cầu “cho bị cáo được về với con nhỏ” và lời sau cùng “cho bị cáo được về chăm lo cha già…” của Cang, trước khi tòa nghị án.
Hai luật sư biện hộ cũng chỉ còn nhấn mạnh những tình tiết giảm nhẹ cơ bản nhất. Một phiên tòa "lặng lẽ" và nhanh chóng. Ngồi bên dưới, chỉ có những người lớn trong gia đình, dĩ nhiên không có 2 đứa trẻ (con Nhung). Một chỉ mới lên 3, một chỉ vừa lên 7, chúng còn quá nhỏ để hiểu những điều này.
Tòa nghị án, tôi thấy luật sư Hòa (luật sư bào chữa cho Cang) đứng trầm ngâm bên ngoài. Tôi thắc mắc với ông, vụ án đơn giản, sao trông ông có vẻ mệt mỏi. Ông kể, ông vừa bào chữa cho một vụ ma túy lớn hơn và phức tạp gấp nhiều lần, thuộc dạng sản xuất số lượng “khủng”. Kết án, 3 người bị tử hình, 1 người chung thân, 1 người 25 năm tù giam và 1 người 16 năm tù giam.
Ông nói, phiên lần ấy ma túy tính bằng kilogram, phiên này chỉ có mấy mươi gram. Nhưng kilogram hay gram cũng chẳng quan trọng bằng việc phiên xử nào cũng có lời nhắc về những đứa trẻ mới lớn. Thậm chí chưa đủ nhận thức để biết cha mẹ mình đang làm gì, chúng đã được nhắc đi nhắc lại trong phiên tòa để giảm đi chút tội lỗi của cha mẹ.
“Vụ hôm nay đơn giản, mọi thứ đều rõ ràng hết rồi, chúng tôi chẳng thay đổi được gì. Chỉ là tôi chợt thấy tiếc, khi có những người không muốn hiểu những chuyện giản đơn như thế. Nếu hiểu, họ đã không tù tội”, ông Hòa nói.
Những lời tuyên án cuối cùng vẫn đanh thép: Bị cáo Nhung 20 năm tù; bị cáo Cang 16 năm tù. Phiên tòa kết thúc, người thân vẫn quây lấy 2 luật sư để tìm những tia hy vọng cuối cùng. Họ mãi hỏi về tình tiết giảm nhẹ, về cách kháng cáo… Còn Cang và Nhung được lực lượng chức năng áp giải ra về rất nhanh. Cang chỉ kịp ngoái lại nói vọng: “Mùng 7 nhớ vào thăm con nha”.
Cang và Nhung đi khuất, ở lại chỉ còn lời kể xót xa của mẹ chồng Nhung: “Hai đứa nhỏ, một đứa 2 tuổi tạm cho về quê, đứa lớn vẫn phải đi học lớp một. Đến trường, chúng tôi phải nhờ cô giáo giấu giúp, đừng cho bạn bè nó biết. Tụi nó còn nhỏ quá, từ từ…”
Tôi ra về, cứ nghĩ hoài về những câu nói ngây ngô của đứa trẻ mà người thân Nhung nhắc lại: “Nội ơi, sao mình cứ phải đem cơm cho mẹ vậy”; “Sao nhiều chú công an quá vậy nội, mẹ con giàu lắm nên phải bảo vệ vậy hả nội”; “Bao giờ mẹ con mới về…”
*Tên các bị cáo đã được thay đổi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.