Vụ 'bác sĩ Trần Khoa rút ống thở người nhà': Làm gì để không 'sập bẫy' tin giả?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
11/08/2021 15:53 GMT+7

Chuyên gia an ninh mạng cho rằng, để tránh trở thành nạn nhân hoang tin kiểu 'bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của người nhà', cần tỉnh táo.

Liên quan vụ việc “bác sĩ Trần Khoa nhường máy thở người nhà cho sản phụ” lan truyền trên mạng xã hội tối 7.8, diễn biến mới nhất là Sở TT-TT TP.HCM nhận định có một nhóm dựng lên và khởi nguồn phát tán thông tin này bao gồm một số tài khoản giả nhưng tương tác thật. 
Theo Sở TT-TT, cơ quan này hiện đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xác minh các tài khoản trên có hành vi giả mạo thông tin để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM hay không.

Nhóm "bác sĩ Khoa" dùng tên giả nhưng tương tác thật, hoạt động có tổ chức

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, từ đêm 7.8 đến rạng sáng ngày 8.8, trên mạng xã hội, nhiều Facebooker đã đồng loạt đưa thông tin về bác sĩ tên Khoa đang chăm sóc ba mẹ mắc Covid-19 nặng cùng một sản phụ đang chuẩn bị sinh đôi. Ba mẹ của "bác sĩ Khoa" cũng làm trong ngành y tế đã về hưu nhưng tham gia vào tâm dịch và không may mắc Covid-19, trở nặng. Và "bác sĩ Khoa", bằng ưu thế làm việc trong ngành nên xin được vào nơi ba mẹ đang điều trị để tiện chăm sóc.
Thông tin trên mạng xã hội cho rằng, khi bố mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Thông tin ngay lập tức được nhiều người chia sẻ với nhiều bình luận bày tỏ xót thương.
Tuy nhiên, đến ngày 8.8, Sở Y tế đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và khẳng định câu chuyện “rút ống thở người nhà nhường cho sản phụ” là hư cấu, bịa đặt. Sau đó, Thanh tra Sở TT-TT làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ về việc cung cấp, chia sẻ thông tin hư cấu nói trên; đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

HCDC: TP.HCM thêm 2.964 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, tổng cộng 60.994 bệnh nhân hồi phục

Chia sẻ, đăng tải thông tin cần cân nhắc

Sau câu chuyện này, một nguồn tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cảnh báo, hiện nay trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả (fake news). Những fake news này lại được chia sẻ rất rầm rộ khi chưa được xác thực. Vụ việc “bác sĩ Trần Khoa nhường máy thở người nhà cho sản phụ” là điển hình.
Để không có sự việc tương tự xảy ra, vị này cho rằng người dân cần tỉnh táo để nhận biết thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên không gian mạng và không trở thành nạn nhân của thông tin giả. Bởi hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh mà Bộ Công an cũng đã cảnh báo.
Nguồn tin này phân tích, người dùng tài khoản mạng xã hội cũng phải hiểu rõ về pháp luật, khi đăng tải chia sẻ cần đọc kỹ nội dung, xem kỹ hình ảnh có bị cắt ghép chỉnh sửa gì không, nguồn tin có chính thống không, có xác thực không… Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 288 Bộ luật hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Bộ Công an cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống; đấu tranh, phê phán, lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

Tạo dựng và chia sẻ câu chuyện, nhân vật giả lên mạng là vi phạm

Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM), việc tạo dựng và chia sẻ một câu chuyện, một nhân vật giả mạo lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Đồng thời, người đăng tải thông tin sai sự thật bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đó theo khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
LS Chánh cho biết thêm, tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng câu chuyện, nhân vật giả mạo để đưa lên không gian mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
LS Chánh phân tích, hiện nay, vẫn chưa rõ mục đích của những cá nhân đã tạo dựng câu chuyện giả mạo về “bác sĩ Trần Khoa”. Tuy nhiên, nếu việc tung tin đồn giả mạo này nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt và chiếm đoạt tiền quyên góp của những người hảo tâm thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nếu không phải để trục lợi thì theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30.3.2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tại điểm 1.4 quy định, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông" theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.