Vụ bắt cóc đòi chuộc 15 tỉ: Màn truy vấn của tòa án với cựu CSGT

29/12/2023 12:46 GMT+7

'Nếu gia đình không đáp ứng tiền, bị cáo sẽ làm gì với cháu bé; bị cáo là công an, có được đào tạo về việc phải bảo vệ người dân; nếu con bị cáo cũng bị bắt cóc, bị cáo thấy sao'... Đó là những câu hội đồng xét xử (HĐXX) truy vấn cựu cán bộ CSGT.

Trưa 29.12, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, cựu cán bộ CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc) 20 năm tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Trung là thủ phạm trong vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi tại khu đô thị Việt Hưng (Q.Long Biên, Hà Nội) rồi đòi tiền chuộc 15 tỉ đồng, gây chấn động dư luận hồi giữa năm nay.

Vụ bắt cóc đòi chuộc 15 tỉ: Màn truy vấn của tòa án với cựu CSGT- Ảnh 1.

HĐXX xét xử cựu cán bộ CSGT trong vụ bắt cóc bé trai rồi đòi tiền chuộc 15 tỉ đồng

TUYẾN PHAN

"Nếu gia đình không có tiền chuộc, bị cáo sẽ làm gì?"

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Đức Trung thừa nhận cáo buộc của viện kiểm sát. Bị cáo trình bày do nợ nần (vay lãi khoảng 6 - 7 tỉ đồng), bị chủ nợ thúc ép nên mới nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em. HĐXX hỏi vì sao lại nợ số tiền lớn như vậy, Trung cho biết chủ yếu đầu tư vào tiền ảo.

Vì nợ nhiều, Trung nhắm đến các hộ dân tại khu đô thị Việt Hưng, nơi nhiều gia đình giàu có sinh sống. Trong số tang vật gây án, Trung mang theo một khẩu súng bắn đạn cao su, với 7 viên đạn. Là công an, bị cáo biết rõ việc tàng trữ súng này là vi phạm, nhưng vì sở thích nên vẫn mua của một người không quen biết từ năm 2021.

XEM NHANH 20H ngày 29.12: Cựu CSGT lãnh án vì bắt cóc bé trai đòi tiền chuộc

HĐXX hỏi Trung về quá trình bắt cóc bé trai. Bị cáo thành khẩn khai nhận như cáo trạng truy tố, gồm việc tìm kiếm mục tiêu, tiếp cận, giả vờ hỏi đường rồi khống chế, đưa nạn nhân lên xe. Tiếp đó, bị cáo đưa cháu bé bỏ trốn về Hà Nam, trên đường đi yêu cầu cháu cung cấp số điện thoại của mẹ để gọi điện, đòi tiền chuộc 15 tỉ đồng.

"Tại sao lại là 15 tỉ mà không phải con số khác, 15 tỉ có đủ cho bị cáo trả nợ?", HĐXX hỏi. Trả lời, Trung cho hay vì đang bỏ trốn nên nghĩ ra một con số ở thời điểm đó, số tiền này lớn hơn khoản tiền mà bị cáo đang nợ.

"Trường hợp cháu bé không nhớ hoặc không cung cấp được số điện thoại của mẹ, bị cáo sẽ làm gì?", HĐXX tiếp tục thẩm vấn. Cựu cán bộ CSGT nói lúc đó chưa nghĩ đến tình huống này, nhưng sẽ thả cháu xuống đường.

"Nếu gia đình cháu không có tiền để đáp ứng yêu cầu, bị cáo xử lý thế nào?", HĐXX hỏi. Trung cho hay sẽ không làm hại cháu bé, sẽ thả cháu về. "Thả ở đâu?", HĐXX hỏi dồn. Bị cáo nói sẽ thả ở gần trụ sở công an chẳng hạn.

Xét xử cựu CSGT bắt cóc trẻ em đòi 15 tỉ: Chánh án Hà Nội trực tiếp tham gia HĐXX

"Bị cáo có con không?", HĐXX tiếp tục hỏi. Trung khai có một con nhỏ 2 tuổi. "Có thương con không?", HĐXX hỏi tiếp. Trung nói: "Có ạ!". "Giả sử con bị cáo bị người khác bắt cóc, bị cáo thấy thế nào?", HĐXX đặt giả thiết. Cựu cán bộ CSGT thừa nhận sẽ rất sợ. "Vậy thì bị cáo phải đặt vào tâm trạng của gia đình cháu bé chứ", lời HĐXX.

Vụ bắt cóc đòi chuộc 15 tỉ: Màn truy vấn của tòa án với cựu CSGT- Ảnh 2.

Quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Đức Trung nhiều lần cúi đầu, thừa nhận hành vi phạm tội

TUYẾN PHAN


"Bị cáo có được đào tạo để bảo vệ người dân?"

Theo lời khai của Nguyễn Đức Trung, bị cáo từng có 12 năm công tác trong lực lượng công an. HĐXX hỏi Trung trong quá trình học tập tại trường nghiệp vụ có được học về bảo vệ người dân hay không? Trung cúi đầu, thừa nhận có được đào tạo.

HĐXX cho hay, với người bình thường, hành vi phạm tội có thể xem xét đến yếu tố nhận thức. Nhưng với bị cáo, bản thân là một chiến sĩ công an, được đào tạo bài bản và hiểu biết nhưng vẫn thực hiện, điều này càng khiến dư luận phẫn nộ.

"Bị cáo có thấy hành vi của mình làm xấu hình ảnh của lực lượng công an?", HĐXX truy vấn. Trung hạ giọng, thừa nhận việc làm của mình đã gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng, đồng thời phân trần do bản thân quá túng quẫn.

Xem nhanh 12h ngày 29.12: Cập nhật phiên toà xét xử cựu CSGT bắt cóc trẻ em đòi 15 tỉ

Đáng chú ý, HĐXX công bố một số lời khai của Trung tại cơ quan điều tra, thể hiện việc Trung giơ khẩu súng lên hỏi cháu bé có biết đây là gì không, nếu không ngoan sẽ "cho ăn đạn". Chưa kể, quá trình liên lạc với mẹ cháu để đòi tiền chuộc, Trung còn nói nếu gia đình không đáp ứng điều kiện sẽ không được gặp lại con.

Khai trước tòa, cựu cán bộ CSGT khẳng định không có ý định làm hại cháu bé mà chỉ muốn gây áp lực để gia đình không trình báo công an và chuẩn bị tiền. Khi nói chuyện với cháu bé, bị cáo chỉ giơ súng, nói rằng nếu không ngoan sẽ không được về với gia đình chứ không dọa "cho ăn đạn".

Trong thời gian đưa cháu bé chạy trốn và đòi tiền chuộc, Trung luôn tắt điện thoại, trừ những lúc cần liên lạc với gia đình nạn nhân. Việc này nhằm tránh bị lực lượng chức năng truy theo dấu vết.

HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Trung thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật. Sau khi bị phát hiện, bị cáo còn dùng nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng công an.

Đại diện viện kiểm sát cũng cho rằng, Trung từng là chiến sĩ công an, được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, đào tạo, lẽ ra phải nhận thức đây là vinh dự để hết lòng phục vụ đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Tuy nhiên, do ăn chơi đua đòi, bị cáo vay nợ nhiều người, trong một phút đã không làm chủ bản thân.

Sau vụ án, rất nhiều vụ việc bắt cóc trẻ em khác xảy ra, có vụ cả nghi phạm và cháu bé bị bắt cóc đều tử vong. "Việc đưa bị cáo ra xét xử nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, lấy lại hình ảnh của lực lượng công an", kiểm sát viên cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.