Vụ 'chuyến bay giải cứu': Mong được miễn hình phạt để về thực hiện đạo làm con

Tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), cho rằng mình là con duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ, còn mẹ mất khi bị cáo đang bị tạm giam. Ông Hà mong được miễn hình phạt để có thể về thực hiện đạo làm con.

Chiều 19.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục dành thời gian để các luật sư và các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" trình bày những luận cứ bào chữa và lời tự gỡ tội cho mình.

Trong vụ án, ông Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, và ông Nguyễn Hồng Hà cùng bị truy tố về tội nhận hối lộ. Trong đó, ông Nam bị cáo buộc nhận 1,8 tỉ đồng, bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù; ông Hà bị cáo buộc nhận hơn 2 tỉ đồng, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù.

Sai hoàn toàn về pháp luật và cả đạo đức

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Vũ Hồng Nam cho hay, bản thân không bào chữa về hành vi nhận tiền của mình, vì đã nhận thấy sai và đã hoàn trả. Việc công chức nhận tiền là sai hoàn toàn về pháp luật, quy định của Đảng và cả về đạo đức.

Cựu tổng lãnh sự mong được miễn hình phạt để về thực hiện đạo làm con - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên tòa

TRẦN PHAN

Trình bày thêm tại phiên tòa, ông Nam cho hay, tình hình công dân tại Nhật Bản thời điểm dịch Covid-19 rất đặc biệt, khó khăn và thương cảm. Trên vai trò đại diện Việt Nam, ông Nam không thể làm khác được.

"2 năm khốn khó để bảo vệ công dân, chống dịch và sau đó là cả 1 năm giải trình, đối mặt với cơ quan điều tra. Rất nhiều người đã trách tôi tại sao không ngồi yên, tại sao lại sáng kiến, tại sao lại phải xin thêm các chuyến bay (chuyến bay combo tự trả phí) làm gì. Trong những lúc chua cay tôi cũng đã tự nghĩ, nhưng nếu tôi không làm thì hàng nghìn con người rơi vào cảnh khốn khó trong lúc dịch bệnh", bị cáo Nam nói trước tòa.

Ông Nam cho hay, cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản rất căng thẳng mà công dân Việt Nam không có bảo hiểm, hàng chục nghìn con người mất việc làm, không có tiền, không có nhà ở, nhu cầu về nước cũng tăng.

Cựu tổng lãnh sự mong được miễn hình phạt để về thực hiện đạo làm con - Ảnh 2.

Bị cáo Vũ Hồng Nam

TRẦN PHAN

Nhiều công dân là lao động bất hợp pháp đã phải xin vào trại tạm giam để có chỗ ăn, chỗ ở khiến trại tạm giam của nước bạn quá tải.

Xem nhanh 12h ngày 19.7: Diễn biến phiên tòa ‘chuyến bay giải cứu' | Xích lô Huế ẩu đả với du khách

"Tôi đã nhận lỗi, tôi sai"

Sau đó, ông Nam cho hay đã xin ý kiến của Chính phủ để tổ chức các "chuyến bay giải cứu" đưa số công dân bị tạm giam này về. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, không thể để lại những người bị bệnh, hay những phụ nữ sắp đến ngày sinh để đưa những người phạm tội lên "chuyến bay giải cứu" được. Ông Nam đã xin chuyến bay combo cho những người có khả năng, 26.000 người đã đăng ký để được về trên các chuyến bay này.

Cũng có những công dân thắc mắc tại sao chờ 7 - 8 tháng mà không được về. Ông Nam cho hay, đại sứ quán chỉ dám hứa và an ủi người dân kiên nhẫn chờ. Khi không đợi được nữa, đại sứ quán đã cho người dân về nước trên những chuyến bay combo.

Cựu tổng lãnh sự mong được miễn hình phạt để về thực hiện đạo làm con - Ảnh 3.

Viện kiểm sát đề nghị tuyên bị cáo Vũ Hồng Nam án từ 4 - 5 năm tù về tội nhận hối lộ

TRẦN PHAN

"Sau này hết dịch, chúng tôi thấy rằng việc xin chuyến bay rất kịp thời, bởi năm 2021 các "chuyến bay giải cứu" cũng không tăng được bao nhiêu, mỗi tháng chỉ 1 - 2 chuyến và chỉ đáp ứng cho người bị bệnh và người đủ tiêu chuẩn. Những người không đủ thì phải chờ rất lâu, do vậy đến bây giờ tôi thấy rằng việc tôi thực hiện những chuyến bay đó là đúng", bị cáo Nam trình bày, và cho rằng không ngụy biện cho sai phạm của mình.

"Tôi đã nhận lỗi, tôi sai, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như thế thì mọi thứ có thể xảy ra", ông Nam kết lại phần trình bày của mình.

Xem nhanh 20h: Những lời hối lỗi trong đại án ‘chuyến bay giải cứu’

Mong được về để thực hiện đạo hiếu người con

Sau khi được luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Hồng Hà xin bổ sung thêm một ý kiến để hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho mình.

Vừa trình bày vừa khóc, ông Hà cho hay bản thân là con liệt sĩ. Bố ông Hà vào miền Nam chiến đấu từ năm 1964, khi mẹ ông Hà đang bầu ông được vài tháng. Khi bố mất, ông Hà mới được gần 2 tuổi.

Cựu tổng lãnh sự mong được miễn hình phạt để về thực hiện đạo làm con - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Hồng Hà

TRẦN PHAN

"Toàn bộ tuổi thơ bị cáo không có tình cảm của người cha cho nên rất thiếu thốn. Mẹ đã ở vậy nuôi bị cáo đến ngày hôm nay. Khi bị cáo bị gọi về Việt Nam, lúc này mẹ bị cáo phải nằm viện bên Nhật để mổ ung thư giai đoạn cuối… Ngày 28.3 vừa qua thì mẹ mất", ông Hà nghẹn ngào.

Trình bày thêm, ông Hà cho hay, khi bị bắt tạm giam, ông rất lo lắng, hối hận, khi mẹ mình bị ung thư giai đoạn cuối không biết sẽ chết lúc nào và mình không thể trọn hiếu người làm con. Khi mẹ ông mất, vợ ông đã gửi tro cốt ở Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). Ông mong được về để thực hiện đạo hiếu người làm con, đưa mẹ mình về nơi an nghỉ.

"Bị cáo rất mong hội đồng xét xử xem xét đến hoàn cảnh gia đình bị cáo cũng như bị cáo là con duy nhất của gia đình liệt sĩ thì lượng hình như luật sư đề nghị, cho bị cáo được miễn hình phạt", ông Hà kết lại phần trình bày của mình tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.