Ngày 7.7, liên quan đến vụ quán cơm bình dân ở ngõ 4 Phương Mai (P.Phương Mai, Q.Đống Đa, Hà Nội), khu vực cổng sau Bệnh viện Bạch Mai, bị người dân tố "chặt chém" suất cơm giá 160.000 đồng, lực lượng chức năng P.Phương Mai đang xác minh sự việc.
Trao đổi với phóng viên, bà Võ Thanh H. (chủ quán cơm) khẳng định mức giá 160.000 đồng cho 1 suất cơm có khoảng 15 - 16 miếng sườn và chả cuốn lá lốt là bình thường, không đắt chút nào, bà “làm đúng nên không sợ điều gì".
Đáng chú ý, giải thích về việc quán cơm không có bảng giá niêm yết, bà H. cho rằng, từ trước đến nay, cửa hàng có quy định trao đổi với khách về giá cả và thu tiền trước khi ăn nên "không cần bảng giá niêm yết".
Nhiều người đặt câu hỏi, việc quán cơm không niêm yết giá mà chỉ thỏa thuận với khách như lời nữ chủ quán nói có vi phạm quy định về niêm yết giá, nếu có thì xử lý như thế nào?
Vụ quán cơm bình dân bị tố 'chặt chém' suất cơm 160.000 đồng: Chủ quán nói gì?
Dấu hiệu vi phạm về niêm yết giá
Luật sư Chu Thị Út Quỳnh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết theo quy định tại luật Giá năm 2012, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng đồng tiền Việt Nam.
Việc niêm yết được thực hiện bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn theo quy định tại Nghị định 177/2013, các địa điểm thực hiện niêm yết giá bao gồm: cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với các văn bản luật vừa viện dẫn, quán cơm thuộc một trong các đối tượng phải niêm yết giá. Việc này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời góp phần giám sát hoạt động kinh doanh của cơ sở cung cấp dịch vụ.
Như vậy, nếu theo đúng lời chủ quán cơm ở ngõ 4 Phương Mai nói, rằng quán không niêm yết giá mà chỉ thông báo cho khách hàng trước khi ăn, là có dấu hiệu vi phạm quy định về niêm yết giá.
Nghị định 49/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2013 quy định rõ, hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu tái phạm nhiều lần, mức phạt sẽ nâng lên từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Theo luật sư Chu Thị Út Quỳnh, thời gian qua liên tiếp xảy ra câu chuyện khách hàng tố cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống “chặt chém” hoặc bán sản phẩm có chất lượng không tương xứng với giá thành. Do mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá còn thấp, chưa đủ sức răn đe, nên nhiều chủ cơ sở kinh doanh vẫn vi phạm.
Để tránh rơi vào tình huống tương tự, khách hàng trước khi sử dụng sản phẩm nên trao đổi rõ với chủ cơ sở về giá thành, đặc điểm, số lượng sản phẩm đó. Nếu thấy phù hợp thì khách hàng sử dụng, nếu không thì có thể từ chối và tìm đến cơ sở kinh doanh khác.
Niêm yết nhưng giá cao có bị xử phạt?
Có một thực tế, vừa qua, nhiều vụ việc khách hàng tố món ăn được chủ cơ sở kinh doanh bán giá cao, ví dụ suất cơm sườn 120.000 đồng ở Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội), suất bún chả giá 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) hoặc bữa ăn hơn 3 triệu đồng trên phố Tạ Hiện (Hà Nội).
Trong các tình huống trên, cơ quan chức năng kiểm tra thì đều xác định các chủ cơ sở có niêm yết giá, nên không có căn cứ xử phạt. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: chỉ cần niêm yết giá, chủ quán muốn bán giá cao hay thấp đều được?
Theo luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, pháp luật chỉ xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng hoặc bán không đúng giá niêm yết, còn với việc đã niêm yết rõ ràng nhưng giá cao hay thấp thì không có căn cứ để xử phạt.
Dù vậy, không ít trường hợp có niêm yết giá nhưng lại “mập mờ” trong hình ảnh. Chẳng hạn, trên biển quảng cáo ghi rõ giá thành kèm theo hình ảnh bát bún rất ngon, hấp dẫn, thế nhưng khi gọi món, đúng là mức giá ấy nhưng lại là một bát bún khác xa hình ảnh quảng cáo. Trường hợp này có thể coi là niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Xem nhanh 20h: Vụ quán cơm bình dân bị tố 'chặt chém'
Luật sư chia sẻ thêm, giá thành sản phẩm (trừ trường hợp do Nhà nước định giá) tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hạch toán của mỗi cơ sở kinh doanh. Cùng một sản phẩm nhưng cơ sở này bán một giá, cơ sở kia lại bán một giá khác; hoặc cùng một mức giá nhưng có cơ sở ngon, cơ sở lại không ngon. Khi ấy, sự quyết định sẽ phụ thuộc vào bản thân thị trường.
“Nếu bán giá quá cao, cơ sở kinh doanh có thể đối diện với tình trạng ế ẩm, không có người mua; còn nếu đã thấy cơ sở niêm yết giá rõ ràng mà vẫn sử dụng dịch vụ thì đó là sự chấp nhận của phía khách hàng. Về bản chất, đây là sự thỏa thuận giữa hai bên”, luật sư Tâm đánh giá.
Vì thế, để tránh thiệt thòi hoặc không hài lòng về giá sản phẩm, tốt nhất khách hàng nên có sự trao đổi, thỏa thuận với cơ sở kinh doanh trước khi sử dụng dịch vụ. Nếu thấy đắt, khách hàng có thể lựa chọn cơ sở kinh doanh khác, nếu thấy phù hợp thì sử dụng.
Bình luận (0)