Vũ Công Tuyền - “Bông hoa nở muộn” ghi 5 bàn thắng ngay trận đầu cho đội tuyển

20/04/2020 07:19 GMT+7

Trong thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam , bên cạnh những tiền đạo nổi tiếng như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường, Văn Sỹ Hùng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới Vũ Công Tuyền.

Ân hận vì ghi bàn trong ngày bố mất

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Vũ Công Tuyền là 1 trong những tiền đạo đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam. Luôn ra sân với khát khao ghi bàn cháy bỏng, Công Tuyền là chân sút mà mọi thế hệ cổ động viên Thể Công đều yêu quý.

Sinh ra ở Thái Bình, là con út trong một gia đình đông con, không có ai theo nghiệp thể thao, Công Tuyền đam mê bóng đá từ nhỏ. Năm 12 tuổi, khi bố đang nằm trên giường bệnh, Công Tuyền không muốn rời xa ông nhưng vì nhiệm vụ anh vẫn “nén đau” để ra sân thi đấu trong trận chung kết thiếu niên giữa phường Lê Hồng Phong và phường Đề Thám. Anh đã ghi bàn và giúp đội bóng của mình lên ngôi nhưng đã không thể đem chiến công đó để về khoe với bố. Sau này khi nhắc về kỷ niệm đó, Công Tuyền vẫn vô cùng ân hận. Nhưng dường như đó đã trở thành động lực để anh phát triển theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Năm 1987, Công Tuyền thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vốn là cầu thủ năng khiếu của đội Công An Thái Bình, ngay lập tức Công Tuyền được tuyển chọn vào đội bóng đá Quân khu 3, ở vị trí tiền đạo. Ấn tượng với phong độ của Công Tuyền, năm 1994, Ban huấn luyện Thể Công xin triệu tập anh cho đội bóng. Tuy nhiên phải đến năm 1997, mơ ước được khoác lên mình chiếc áo đỏ huyền thoại của Công Tuyền mới trở thành hiện thực.

Công Tuyền thi đấu năng nổ

Tư liệu

Gia nhập đội bóng mặc áo lính khá muộn nhưng với nền tảng thể lực dồi dào, di chuyển thông minh và chớp thời cơ tốt, Công Tuyền thích nghi nhanh chóng và trở thành trụ cột của Thể Công - điều mà ít cầu thủ từ các đội Quân khu về Thể Công làm được.

Nhắc đến Công Tuyền, người đồng đội cũ Triệu Quang Hà cho biết: “Tôi ấn tượng với anh Tuyền từ khi Thể Công đá với Quân khu 3. Đó là một tiền đạo rất khỏe, nhanh và di chuyển rất nhiều. Kể từ khi về Thể Công, anh Tuyền là cầu thủ có sức bền tốt nhất trong đội”. Còn tiền vệ Thạch Bảo Khanh chia sẻ “Anh Tuyền có thể coi là một viên ngọc thô. Khi lên Thể Công, anh được mài giũa và trở thành tấm gương sáng cho các cầu thủ trẻ như tôi noi theo”.

Đánh giá về Vũ Công Tuyền, HLV của Thể Công khi đó là Vương Tiến Dũng nhận xét: “Mặc dù sở hữu chiều cao khiêm tốn (1m66) nhưng cậu ta rất nhanh nhẹn, khéo léo, xông xáo và luôn biết cách xuất hiện đúng lúc trong vòng cấm để đưa ra những cú dứt điểm chính xác. Lối chơi của Công Tuyền rất hợp với Thể Công khi đó với những cầu thủ “nhỏ mà có võ” như Hồng Sơn, Việt Hoàng…”. Ở mùa giải 1998, Công Tuyền đóng góp 6 bàn thắng và góp công không nhỏ giúp Thể Công lần thứ 5 đăng quang ngôi vô địch quốc gia.

Vừa lên tuyển ghi ngay 5 bàn

Phong độ ấn tượng đó giúp tiền đạo sinh 17.5.1969 này được triệu tập vào đội tuyển quốc gia khi đã 30 tuổi. Ngay trong lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại Asian Cup 2000 trên sân Thống Nhất (TP.HCM), Công Tuyền đã tỏa sáng khi là tác giả của 5 bàn thắng (ở các phút 25, 28, 37, 41, 88) trong chiến thắng hủy diệt 11-0 trước đội tuyển Guam. Đó là kỷ lục về số pha lập công trong một trận đấu ở một giải chính thức của một cầu thủ Việt Nam và kỷ lục này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Ở trận đấu tiếp theo gặp đội tuyển Philippines, Công Tuyền lại tiếp tục “nổ súng” khi ghi bàn mở tỷ số ở phút thứ 21, mở màn cho chiến thắng 3-0 của đội chủ nhà.

Công Tuyền trong trận gặp Singapore ở Tiger Cup 2000

Tư liệu

 

Mặc dù thi đấu khá ấn tượng ở vòng loại Asian Cup 2000 nhưng sau đó Công Tuyền không được đưa vào danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Tiger Cup 2000. Phải đến khi tiền đạo Văn Sỹ Hùng bị chấn thương, Công Tuyền mới được HLV Riedl gọi trở lại. Giải thích về quyết định này, ông thầy người Áo sau này cho biết: “Tôi chỉ có thể mang đi Thái Lan 3 tiền đạo và ưu tiên cho người có kinh nghiệm chơi cho đội tuyển. Vào thời điểm đó Huỳnh Đức là chọn lựa số 1 rồi tới Sỹ Hùng và suất thứ 3 là cuộc cạnh tranh giữa 1 loạt tài năng như Văn Sỹ Thũy, Nguyễn Tuấn Thành, Vũ Công Tuyền.

Khi chọn 3 tiền đạo tôi lấy 2 có kinh nghiệm và 1 trẻ có phong độ tốt. Khi Sỹ Hùng bị chấn thương, tôi quyết định gọi lại Công Tuyền dù khi đó về thành tích cá nhân anh xếp sau Sỹ Thủy và cả Tuấn Thành nhưng anh ta là cầu thủ giàu kinh nghiệm, luôn giữ được ngọn lửa trong khi thi đấu và là người có thể đá cặp ăn ý và bổ sung tốt nhất với Lê Huỳnh Đức”.

Đáp lại sự tin tưởng đó, Công Tuyền đã có màn trình diễn thành công trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ở vòng bảng, tiền đạo của Thể Công ghi được 3 bàn: 2 vào lưới đội tuyển Campuchia, 1 vào lưới đội tuyển Lào. Thế nhưng bàn thắng đáng nhớ nhất của Công Tuyền là pha gỡ hòa 2-2 trong những giây cuối cùng ở thời gian thi đấu chính thức trận bán kết gặp Indonesia. Công Tuyền xuất hiện đúng lúc, sau tình huống sút bóng bị cản phá của người đồng đội Quang Hà, rồi dứt điểm gọn gàng và lạnh lùng từ cự ly gần. Tiếc là sau đó Công Tuyền và các đồng đội vẫn phải đón nhận thất bại chung cuộc 2-3 sau khi Gendut Christiawan ghi bàn ấn định tỷ số 3-2 cho đội bóng xứ vạn đảo ở phút thứ 120.

Công Tuyền có chiều cao khiêm tố nung thi đấu nhanh như sóc

NVCC

Chia sẻ về giải đấu này, Công Tuyền người như nóng ran với những cảm xúc bồi hồi cho biết: “Với tôi, Tiger Cup 2000 rất ngọt ngào nhưng cũng vô cùng cay đắng. Tôi đến với giải bằng tấm vé vớt vào phút chót khi tiền đạo chủ lực Văn Sỹ Hùng bỗng nhiên dính chấn thương. Tôi từng nghĩ, mình sẽ không bao giờ có cơ hội lên tuyển một lần nữa, dù đã có màn trình diễn khá ấn tượng ở vòng loại Asian Cup 2000. Thế nhưng, khi ĐTQG cần, tôi lại hăm hở trở lại dù chỉ còn ít ngày nữa là Tiger Cup khai mạc.

Thời điểm đó tôi đã 31 tuổi - cái tuổi mà ít người có cơ hội được khoác lên mình tấm áo quốc gia ở một sự kiện lớn như Tiger Cup. Thế nên, tôi tự ví mình như ngọn đuốc sắp cháy hết thứ năng lượng hữu hạn của mình và cần phải rực sáng trong lần cuối cùng được thắp lên. Với tôi, Tiger Cup 2000 là một sự kiện không thể nào quên. Một giải đấu mà tôi đã thoát ra khỏi cái vỏ ốc xù xì để trở thành một cái tên được nhắc đến của của đội tuyển Việt Nam, Tiếc là cuối cùng tôi đã không thể có một cái kết có hậu”.

Với 4 bàn thắng ghi được (cú đúp vào lưới Campuchia, 1 vào lưới Lào và 1 vào lưới Indonesia), “bông hoa nở muộn” Vũ Công Tuyền trở thành chân sút số 1 của đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 2000, hơn cả tiền đạo số 1 khi đó là Lê Huỳnh Đức (3 bàn). Tuy nhiên đây cũng là giải đấu cuối cùng mà anh khoác áo đội tuyển quốc gia. Sau đó, Công Tuyền tiếp tục chơi cho Thể Công đến năm 2004 rồi chính thức giải nghệ.

Công Tuyền cùng các cầu thủ trẻ

NVCC

Giã từ sự nghiệp cầu thủ, Vũ Công Tuyền chuyển sang công tác huấn luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ CT9 – số áo đã gắn bó với anh trong suốt sự nghiệp tại Thể Công. Trên cương vị người thầy, anh luôn cố gắng truyền đạt cho các học trò nhí những kinh nghiệm của mình và cũng là một cách để anh tiếp tục “cháy tiếp” niềm đam mê bóng đá của mình.

Trong số 4 người con, con trai lớn của anh là Vũ Công Tuyền Thắng (sinh năm 2002) được phát hiện có năng khiếu bóng đá từ năm 5 tuổi. Hiện tại, Tuyền Thắng là thành viên của đội bóng trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình). Tuy nhiên khi chia sẻ về định hướng tương lai cho con trai, Công Tuyền khá dè dặt: “Về con trai của tôi, cháu đá ở vị trí tiền vệ và cũng đã bộc lộ được ít nhiều khả năng. Cháu cũng có lúc mong muốn theo đuổi nghiệp cầu thủ như bố, nhưng hiện nay cháu và gia đình vẫn ưu tiên cho việc học tập văn hoá hơn (năm nay Tuyền Thắng đang học lớp 12)”.

Công việc khá ổn định tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ CT9, có một gia đình hạnh phúc, ước nguyện lớn nhất của Công Tuyền lúc này là phát hiện thêm nhiều tài năng trẻ cho bóng đá Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.