Vụ 'Góp siêu tốc' 3.597 tỉ đồng vào SaiGon Co.op: Lập khống hồ sơ cho người ngoài góp vốn

02/07/2021 05:47 GMT+7

Ngày 1.7, theo nguồn tin của Thanh Niên , Chủ tịch UBND Q.8 (TP.HCM) đã giao Chánh thanh tra Q.8 chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại HTX tiêu dùng P.14 sang Công an Q.8 điều tra, xử lý theo đúng quy định.

Trước đó, Đoàn thanh tra Q.8 đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về hợp tác xã (HTX) đối với HTX tiêu dùng P.14, theo quy định của luật Thanh tra. Kết luận thanh tra (KLTT) được Chủ tịch UBND Q.8 ký thông qua theo thẩm quyền.

Từ vốn góp chỉ hơn 1,5 tỉ, tăng “siêu tốc” lên hơn 283 tỉ

Theo KLTT, HTX tiêu dùng P.14 trước đây là HTX tiêu thụ khóm 1, P.Cây Sung (Q.7), được thành lập ngày 26.10.1975. Qua 2 lần đổi tên, đến năm 1997, đổi tên thành HTX tiêu dùng P.14 (Q.8) cho đến nay. Trong quá trình hoạt động, HTX này có nhiều thành tích, được các cấp chính quyền tuyên dương, tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua; đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lao động (1985).
Tuy nhiên, trong thời kỳ thanh tra (từ 1.1.2018 - 31.12.2020), Đoàn thanh tra phát hiện nhiều sai phạm. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc huy động vốn “siêu tốc” để góp vào việc tăng vốn điều lệ của Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), mà HTX tiêu dùng P.14 là thành viên.
Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể có tính chất rất đặc thù; từ khi hình thành luôn gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM như điều tiết, bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh lương thực...
Trong 26 HTX thành viên của Saigon Co.op, có 20 HTX thành viên góp vốn vào Saigon Co.op trong phi vụ tăng vốn điều lệ “siêu tốc” vào tháng 1.2020 (từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng; tăng thêm 3.597 tỉ đồng, chiếm khoảng 53%) liên đới trực tiếp ông Diệp Dũng lúc còn làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op (trong phi vụ này, Ban Tổng giám đốc Saigon Co.op không đồng thuận, và đã chủ động có báo cáo lãnh đạo TP.HCM kịp thời chỉ đạo thanh tra vào cuộc - PV).
Phi vụ “siêu tốc” này cũng đã được Thanh tra TP.HCM chỉ rõ là Saigon Co.op “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”; nguy cơ “sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động”.
Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Diệp Dũng (Thanh Niên đã phản ánh), song song với việc Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, Cơ quan thanh tra một số quận ở TP.HCM tiến hành thanh tra HTX thành viên của Saigon Co.op hoạt động trên địa bàn.
Theo đó, phương thức góp vốn “siêu tốc” xảy ra tại HTX tiêu dùng P.14, tương tự như HTX thương mại và dịch vụ Q.11 (Thanh Niên ngày 1.7 đã phản ánh).
KLTT nêu trong năm 2018 và 2019 không phát sinh vốn góp của thành viên HTX tiêu dùng P.14 vào Saigon Co.op; số vốn góp lũy kế (gồm vốn và lãi nhập vốn) đến ngày 8.7.2019 hơn 1,5 tỉ đồng. Tình hình hoạt động kinh doanh của HTX trong 2 năm 2018, 2019 hiệu quả chưa cao, lợi nhuận sau thuế giảm (năm 2018 chỉ đạt gần 17 triệu đồng; năm 2019 giảm tiếp, chỉ đạt hơn 2,6 triệu đồng), nhưng tháng 1.2020 đã góp (1 lần) số tiền hơn 283 tỉ đồng vào Saigon Co.op là điều không bình thường.
Từ kết quả thanh tra cho thấy trong số hơn 283 tỉ đồng mà HTX tiêu dùng P.14 góp tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op, có hơn 3,6 tỉ đồng được huy động từ 6 cá nhân không phải là thành viên của Saigon Co.op (chỉ thông qua HTX tiêu dùng P.14 để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op). Đoàn thanh tra đã mời 6 cá nhân (mời 3 lần) để làm việc, nhưng cả 6 cá nhân này không đến.
Cùng với đó, HTX tiêu dùng P.14 huy động vốn của Công ty Anh Tú Thy cũng không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà nhằm đầu tư vốn vào Saigon Co.op; việc huy động vốn không phải bằng phương thức vay vốn, mà thông qua “Thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư”. Theo đó, Công ty Anh Tú Thy không phải là HTX thành viên Saigon Co.op, nhưng đã gián tiếp, thông qua HTX tiêu dùng P.14, để đầu tư vốn vào Saigon Co.op với tổng số tiền 280 tỉ đồng (nguyên tắc bắt buộc chỉ có HTX thành viên Saigon Co.op mới được góp vốn, khi Saigon Co.op được phép tăng vốn điều lệ đúng theo quy định).
KLTT khẳng định số tiền 280 tỉ đồng này không phải là vốn của HTX tiêu dùng P.14, nhưng ông Đào Ngọc Duyên, với vai trò là người đại diện theo pháp luật của HTX, đã nhận số tiền này để góp vào Saigon Co.op mang danh nghĩa là vốn góp của HTX tiêu dùng P.14 - HTX thành viên của Saigon Co.op. Để làm rõ hơn những dấu hiệu bất thường này, đoàn thanh tra đã mời ông Nguyễn Tiến Vũ, Giám đốc HTX thương mại Linh Tây (trung gian giữa Công ty Anh Tú Thy và HTX tiêu dùng P.14 để ký “Thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư”), và Giám đốc Công ty Anh Tú Thy (mời 3 lần) đến làm việc, nhưng không đến.

Lập khống toàn bộ hồ sơ, tài liệu

Theo quy định Điều lệ HTX và quy chế quản lý tài chính của HTX tiêu dùng P.14, việc huy động vốn góp trên 200 triệu, buộc phải xây dựng phương án và phải thông qua Đại hội thành viên HTX (mục đích là bảo vệ quyền lợi thành viên sẵn có, tránh bị cá nhân hoặc tổ chức bên ngoài thâu tóm, lũng đoạn mô hình HTX - PV). Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh của đoàn thanh tra, ông Đào Ngọc Duyên với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX tiêu dùng P.14 đã không tổ chức họp HĐQT và Đại hội thành viên HTX, mà lập khống toàn bộ hồ sơ, tài liệu để hợp thức hóa việc Đại hội thành viên HTX tiêu dùng P.14 đã thống nhất huy động vốn và góp vốn vào Saigon Co.op với số tiền hơn 283 tỉ đồng.
KLTT cũng khẳng định ngoài việc lập khống toàn bộ hồ sơ, tài liệu trên, HTX tiêu dùng P.14 còn chưa thực hiện đúng các quy định của luật HTX, luật Kế toán... về kết nạp thành viên mới, mở tài khoản ngân hàng (nhận vốn góp) mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.