Nhiệm vụ bí mật
Cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), trong hồi ký của mình, đã kể về quá trình đi tìm lời giải cho "bài toán tự lực vũ khí" từ trước năm 1990: "Một ngày, đại tướng Lê Đức Anh (khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) gọi tôi và thiếu tướng Đặng Trần Đức (khi đó là Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) lên hỏi: "Nếu Liên Xô sụp đổ thì trang thiết bị vũ khí của chúng ta sẽ dựa vào đâu? Sẽ mua của ai? Lấy tiền đâu mua và mua thế nào?" và chỉ đạo: "Đảm bảo trang bị vũ khí cho quân đội ta bảo vệ Tổ quốc là yêu cầu cấp bách, sống còn khi Liên Xô và phe XHCN biến động. Đây là thời cơ để chúng ta phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng, đi đến độc lập, tự chủ về trang bị vũ khí, đủ khả năng tự vệ, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Không chỉ bảo đảm như khi còn Liên Xô mà phải hiện đại hơn, phù hợp hơn với nhiệm vụ của quân đội ta"...
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, chương trình vũ khí bộ binh đã được bí mật triển khai tại nhiều cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan. Đối với ngành công nghiệp quốc phòng, việc cải tiến còn là nâng cấp, thay đổi toàn diện vũ khí bộ binh thế hệ cũ lên hiện đại, tiện gọn, tích hợp, trang bị diện rộng để đối phó với các hình thái chiến tranh mới.
Tháng 10.2012, dự án đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh được Bộ Quốc phòng phê duyệt cho Nhà máy Z111 triển khai, với tổng mức đầu tư 5.217 tỉ đồng, nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo chất lượng, ổn định và tin cậy.
Bên trong nhà máy Z111: Nơi ra lò súng, đạn ‘made in Việt Nam’
Sáng 2.9.2015, trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN VN tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên người dân thấy các khối quân đội mang súng Galil ACE 31, Galil ACE 32. Đặc biệt, khẩu Galil ACE 32 của bộ đội đổ bộ đường không, được gắn súng phóng lựu M203.
Ngày 15.4.2016, Nhà máy Z111 tổ chức lễ khánh thành dây chuyền sản xuất súng bộ binh, với sự chứng kiến của trung tướng Khuất Việt Dũng, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (nay là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, đại biểu Quốc hội khóa XV) và lãnh đạo các cục, tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng, địa phương...
STV bất ngờ xuất hiện
Tháng 11.2018, VN lần đầu tiên tham gia Hội chợ và Triển lãm quốc tế về quốc phòng Indonesia 2018 (Indo Defence 2018) và cũng lần đầu tiên, vũ khí bộ binh "Made in Việt Nam" do Z111 sản xuất được trình làng, với các sản phẩm: STL-A1, STL-15, Galil ACE 31, Galil ACE 32...
Tháng 7.2020, súng STV-215 và STV-380 lên sóng truyền hình Quốc phòng VN, trong chương trình "Xạ thủ đua tài" với tác xạ thực tế.
Từ năm 2021, các mẫu súng STV-380 và STV-215 được phê chuẩn là vũ khí tiêu chuẩn cấp phát cho QĐND VN theo chương trình hiện đại hóa lục quân ở cấp sư đoàn, theo mô hình sư đoàn mạnh.
Năm 2022, súng tiểu liên STV215/380 được trang bị cho một số sư đoàn thuộc Quân đoàn 12, 3. Từ năm 2024, STV215/380 bắt đầu trang bị cho các sư đoàn bộ binh chủ lực và trong các cuộc diễn tập gần đây, STV215/380 cũng xuất hiện ở một số đơn vị quân khu (Sư đoàn 306, Sư đoàn 968...).
Phiên bản STV-022 gọn nhẹ, không chỉ dùng cho bộ đội đặc công, trinh sát đặc nhiệm, mà còn được trang bị cho cảnh vệ ở cơ quan Bộ Quốc phòng, một số đơn vị quân khu, quân đoàn, quân binh chủng và một số cơ quan quân sự địa phương. Thậm chí, từ đầu năm 2024, bộ đội Đồn biên phòng Lũng Cú (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang) khi làm nhiệm vụ tiêu binh trong các lễ chào cờ tại cột cờ quốc gia Lũng Cú, cũng đã mang STV-022 thay cho súng AK.
Đặc biệt, trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ chức ngày 7.5.2024 tại TP.Điện Biên Phủ, súng STV đã được trang bị cho các khối diễu binh (Lục quân, Gìn giữ hòa bình, Đặc công, Đặc nhiệm).
Phù hợp Việt Nam
Thiếu tá Phùng Tất Thành, Phó giám đốc Nhà máy Z111, cho biết: "STV là viết tắt của súng tiểu liên VN, sử dụng cỡ đạn 7,62 x 39 mm (giống AK). Z111 đã, đang sản xuất các loại súng STV-380, STV-215, STV-270, STV-410, STV-416, STV-022 theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng"...
Các mẫu súng STV đều có cần lên đạn nằm ở cạnh phải. Cơ chế chọn bắn sử dụng theo kiểu AK truyền thống. Tay súng và ốp lót tay được làm bằng polyme và tất cả các mẫu súng đều có báng gấp được.
Các loại STV (trừ STV-416) đều có 1 đoạn ray tiêu chuẩn trên thân súng, để lắp thêm các phụ kiện (kính ngắm viễn xạ, điểm đỏ, 3 chiều...). Khe ngắm sau đặt ở phía sau cùng thân súng (ở súng AK, khe ngắm sau đặt ở giữa thân súng).
Trên các phiên bản STV-215 và STV-380, có bổ sung thêm 1 thanh ray nằm ở dưới cùng của ốp lót tay, để gắn ống phóng lựu (M203 hoặc SPL-40 do VN chế tạo), giá chân chống trước, đèn chiếu tia laser hoặc đèn pin. Tay súng cho 2 loại này được tích hợp sẵn trên thân súng. Báng súng sử dụng kiểu gấp rất tiện lợi và có chế tạo 1 miếng đệm chống giật, làm bằng cao su.
Không thua kém nước ngoài
"Các loại vũ khí trang bị kỹ thuật do Z111 sản xuất có tính năng kỹ chiến thuật tương đương hoặc vượt trội so với các vũ khí cùng loại của nước ngoài", đại tá Hoàng Quốc Vinh (Bí thư Đảng ủy nhà máy Z111) khẳng định và lấy ví dụ: súng tiểu liên STV-215 và STV-380 do Viện Vũ khí thiết kế, được chế tạo bởi Z111 năm 2018. Súng có thể tác chiến ở môi trường khắc nghiệt (nước, cát, nhiệt độ âm); có độ bền cao hơn so với súng cùng chủng loại của một số nước; có thể sử dụng tùy biến nhiều trang bị đi kèm, qua đó làm tăng khả năng tác chiến cho bộ đội trên chiến trường, bắt kịp xu thế vũ khí hiện đại...
Thiếu tướng Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nhấn mạnh: "Súng bộ binh do VN sản xuất có chất lượng sánh ngang với các nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến trên thế giới. Súng có nhiều đặc tính ưu việt như: chế tạo bằng vật liệu nhẹ, công nghệ chế tạo nòng vượt trội, giúp tuổi thọ nòng súng cao, độ chính xác và tốc độ bắn rất lớn... Đơn cử, nòng súng tiêu chuẩn có tuổi thọ trung bình là 15.000 phát, nhưng nòng súng do VN sản xuất có thể bắn trên 15.000 phát vẫn hoạt động tốt"...
Việc tự chủ trong sản xuất súng STV có ý nghĩa rất lớn như: bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang; thuận lợi trong khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp; tiết kiệm rất nhiều ngân sách bởi súng tự sản xuất có giá thành thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập ngoại... Đưa ra ví dụ rất đơn giản, thiếu tá Phùng Tất Thành cười: "Các biến thể của tiểu liên STV sử dụng cỡ đạn 7,62 x 39 mm của AK-47/AKM, giúp chúng ta tận dụng tối đa các kho đạn dược và hậu cần hiện có, không phải đầu tư mua sắm mới".
Hiện nay, nổi lên hình thức tác chiến phi truyền thống là tấn công phủ đầu, tấn công từ xa, tấn công gián tiếp. Hình thức chiến tranh này sử dụng vũ khí công nghệ cao, tầm xa, tích hợp hệ thống như tên lửa từ tàu ngầm, không kích. Ta cần phấn đấu từng bước, nghiên cứu, chế tạo trang bị, vũ khí công nghệ cao, tích hợp hệ thống đáp ứng tác chiến trong tình hình mới. Tuy nhiên, để làm chủ chiến trường vẫn phải là bộ binh, vũ khí bộ binh vẫn cần đầu tư phát triển để hiện đại hóa, chúng ta phải đầu tư một cách toàn diện, tùy theo nguồn lực, năng lực từng giai đoạn...
Thiếu tướng Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Bình luận (0)