Vụ máy bay rơi ở Pháp: Cơ phó 'cố tình che giấu rối loạn tâm lý'

28/03/2015 08:51 GMT+7

Theo truyền thông Đức, cơ phó Andreas Lupitz của chuyến bay 4U9525 gặp nạn tại Pháp bị bất ổn tâm lý nghiêm trọng.

Theo truyền thông Đức, cơ phó Andreas Lupitz của chuyến bay 4U9525 gặp nạn tại Pháp bị bất ổn tâm lý nghiêm trọng.

 Khu vực tưởng niệm 16 học sinh và 2 giáo viên Trường Joseph-Koenig-Gymnasium của Đức thiệt mạng trong vụ việc - Ảnh: Reuters Khu vực tưởng niệm 16 học sinh và 2 giáo viên Trường Joseph-Koenig-Gymnasium
của Đức
thiệt mạng trong vụ việc - Ảnh: Reuters
Từ những dữ liệu đầu tiên được phân tích ở hộp đen ghi âm buồng lái, ông Lupitz bị các nhà điều tra cho rằng đã cố ý lái máy bay Airbus A320 số hiệu 4U9525 của Hãng Germanwings lao xuống sườn núi thuộc dãy Alps của Pháp vào ngày 24.3 khiến toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng. Theo tờ Bild, ông Lupitz từng bị nhiều rối loạn tâm lý nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2009, ông này phải tạm ngưng việc học tại trung tâm huấn luyện phi công của Hãng hàng không Lufthansa (tập đoàn mẹ của Germanwings) vì bị rối loạn lo âu. Trung tâm y khoa của Lufthansa đã xác nhận thông tin của Bild và cho biết từng cảnh báo với Cơ quan Hàng không dân dụng Đức rằng học viên Lupitz đã trải qua “một giai đoạn trầm cảm nặng nhưng có chiều hướng thuyên giảm”. Sau khi tham gia một khóa tập huấn ở Mỹ, ông này đã bị xếp vào nhóm “không thích hợp để bay”.
Dù vậy, Lupitz vẫn hoàn tất khóa huấn luyện để nhận bằng phi công nhưng trong hồ sơ của ông này, Cơ quan Hàng không dân dụng Đức ghi chú rằng phi công có thể bay nhưng cần được kiểm tra sức khỏe rất thường xuyên. Ngoài ra, tờ Le Figaro dẫn một số nguồn tin từ giới điều tra cho biết thời gian gần đây, viên cơ phó “bị khủng hoảng tinh thần vì lý do tình cảm”. Những giả thuyết trên hoàn toàn có cơ sở khi ngày 27.3, giới điều tra thông báo đã phát hiện nhiều hồ sơ, chứng từ chữa bệnh tâm lý của người này. Trong đó bao gồm cả một số ghi chú đã bị xé với nội dung nói Lupitz không thích hợp để làm việc, cần nghỉ ngơi trong nhiều ngày, kể cả ngày định mệnh 24.3. Trong khi đó, đến nay Chủ tịch Tập đoàn Lufthansa Carsten Spohr khẳng định cơ phó chuyến 4U9525 “thích hợp 100% để bay” và từ chối bình luận về thông tin ông Lupitz từng bị trầm cảm nặng.
Trước thông tin về nghi vấn cơ phó Lupitz đã nhốt cơ trưởng bên ngoài buồng lái để “cố tình hủy hoại máy bay” sau khi cơ trưởng đi vệ sinh, các cơ quan hữu trách và hãng hàng không của nhiều nước đã siết chặt các quy định về an ninh buồng lái. Cụ thể, nhiều quốc gia cho biết sẽ xem xét quy định đã được Cơ quan Hàng không dân dụng Mỹ áp dụng: đối với các chuyến bay dân dụng, trong buồng lái phải luôn có ít nhất 2 người có thẩm quyền. Khi một trong 2 phi công phải ra ngoài vì nhu cầu khẩn cấp, 1 thành viên phi hành đoàn sẽ phải vào buồng lái để thay. Trước mắt, theo AFP, đã có các hãng hàng không Norwegian Air Shuttle (Na Uy), Easyjet (Anh), Icelandair (Iceland) cùng tất cả các hãng thuộc Liên đoàn Hàng không Đức hôm qua thông báo sẽ áp dụng quy định trên. Chính phủ Canada cũng ra tuyên bố tương tự.
Phi công Vietnam Airlines, Vietjet Air không được ở trong buồng lái một mình
Vietnam Airlines (VNA) cho biết theo quy định về hoạt động khai thác bay của hãng đã được Cục Hàng không VN phê chuẩn, phi công không được ở trong buồng lái một mình.
Tài liệu về hoạt động khai thác bay của hãng quy định: “Trước khi có người lái nào rời buồng lái vì bất kể lý do gì, phải gọi một tiếp viên vào và tiếp viên đó phải ở trong buồng lái cho tới khi người lái quay trở lại”. Hãng hàng không Vietjet Air cũng có quy định tương tự.
M.Vọng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.