Vụ nam sinh viên lộ cảnh sex khi học trực tuyến: Phát tán clip nhạy cảm bị xử lý thế nào?
30/06/2021 15:09 GMT+7
Phát tán hoặc tự phát tán hình ảnh, clip đồi trụy là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ mà có thể xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc cao hơn là khởi tố hình sự đối với hành vi này.
Tự động phát
Truyền bá, chia sẻ clip nhạy cảm sẽ bị xử lý thế nào?
Trong 2 ngày vừa qua, đoạn clip 27 giây ghi lại cảnh nhạy cảm trong lớp học trực tuyến vẫn đang lan truyền cực mạnh trên mạng xã hội.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nam sinh viên gửi thư xin lỗi thầy và các bạn học cùng lớp sau sự cố này. Nam sinh viên rất hối lỗi vì bất cẩn mà để hình ảnh riêng tư của mình làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong lớp học trực tuyến.
Sau khi clip bị phát tán, nam sinh viên đang bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng nên nhà trường tạm thời chưa đề cập đến việc như kỷ luật, xử lý...
Tuy nhiên, hành vi phát tán, chia sẻ đoạn clip nhạy cảm trên mạng xã hội, theo nhận định của luật sư là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác, làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh của xã hội. Hành vi này được pháp luật tuyệt đối nghiêm cấm. Vậy trách nhiệm của người phát tán clip nóng, hình ảnh đồi trụy sẽ bị xử phạt thế nào?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Hương (Đoàn Luật Sư TP.HCM, hiện đang làm việc tại Công ty Luật Tín An) cho biết: "Theo quy định điểm b, khoản 1, điều 5 nghị định 72/2013 đã được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 27/2018 về việc quản lý sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có quy định như sau:
Những hành vi lợi dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng với mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục, theo khoản 2/101 nghị định 15/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, mức phạt cao nhất với hành vi này lên tới 30 triệu đồng.
Người phát tán thông tin được yêu cầu gỡ bỏ thông tin liên quan với người bị vi phạm".
|
Về trách nhiệm dân sự, theo điều 32, điều 34 và điều 38, bộ luật dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh cá nhân trong mọi trường hợp, trừ những quy định đặc biệt phải có sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh đó. Người nào vi phạm phải thực hiện việc xin lỗi, gỡ bỏ và cải chính công khai và bồi thường thiệt hại cho người vi phạm.
“Mức quy định tại điều 592 bộ luật dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, mức tiền bồi thường do 2 bên thỏa thuận, trong trường hợp không có sự thỏa thuận, không quá 10 tháng lương cơ sở”, luật sư Hương nói thêm.
Ngoài ra, theo luật sư , cơ quan tổ chức hoặc cá nhân nhận thấy hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có biểu hiện của dấu hiệu hình sự có thể yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự.
"Với dấu hiệu truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, những thông tin lệch lạc, ảnh hưởng tới văn hóa xã hội. Người truyền bá thông tin có thể bị yêu cầu hoặc xử lý hình sự theo điều 326 Bộ luật hình sự 2015 về tội truyền bá văn hóa phầm đồi trụy với mức phạt cao nhất là 15 năm tù. Có thể có mức phạt tiền bổ sung là lên tới 100 triệu đồng hoặc cấm hành nghề ở một ngành nghề nhất định."
Nạn nhân bị phát tán clip, hình ảnh nhạy cảm phải làm gì?
Nạn nhân bị phát tán clip nóng, hình ảnh nhạy cảm có thể yêu cầu cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an, yêu cầu truy vết nguồn gốc phát tán thông tin.
Trong trường hợp truy vết người phát tán thông tin, tùy vào mức độ thì xử lý hành chính, trách nhiệm dân sự cũng như hình sự đối với hành vi này. Với một hành vi có 2 dấu hiệu của 2 tội, thậm chí tùy mức độ có thể xử phạt 1 tội hoặc 2 tội.
|
"Người bị vi phạm có thể nộp đơn lên cơ quan công an yêu cầu người phát tán thông tin, nguồn phát tán thông tin phải gỡ bỏ thông tin, cải chính thông tin và công khai xin lỗi, cộng với những trách nhiệm về hành chính, dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm hoặc hình sự."
Bình luận (0)