Đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức thông qua biển Baltic, bị nổ vào ngày 26.9.2022. Sự cố này đã phá vỡ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, được xây dựng để cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức và phần còn lại của Tây Âu. Một số báo đài phương Tây mới đây đưa tin cho rằng Ukraine đã tiến hành vụ tấn công này.
Trả lời Reuters, ông Podolyak nói: “Một hành động như vậy chỉ có thể được thực hiện với các nguồn lực kỹ thuật và tài chính lớn... và ai sở hữu tất cả những thứ này vào thời điểm xảy ra vụ nổ? Chỉ có Nga”.
Nga chưa bình luận về phát ngôn này. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc tương tự, chỉ ra rằng những đường ống này mang lại cho Nga nguồn thu nhập ổn định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều quan chức khác của Nga đã cho rằng chính Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU).
Ông Podolyak nhấn mạnh Ukraine không liên quan và không được lợi ích chiến lược hay chiến thuật gì từ vụ nổ.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã tiến hành điều tra riêng về vụ việc, nhưng Đan Mạch và Thụy Điển đã hủy bỏ cuộc điều tra vào đầu năm nay.
Một số hãng thông tấn Đức mới đây loan tin Berlin đã ban hành lệnh bắt giữ toàn châu Âu đối với người tên Volodymyr Z., một huấn luyện viên lặn người Ukraine bị cáo buộc có liên quan đến vụ nổ vào tháng 9.2022.
Người đàn ông này, được hãng tin Thụy Điển Expressen xác định là Volodymyr Zhuravlov (44 tuổi), được cho là đã cư trú tại Ba Lan nhưng theo chính quyền Ba Lan, ông này đã về Ukraine vào đầu tháng 7.2024.
Theo cuộc điều tra của truyền thông Đức, ít nhất hai công dân Ukraine khác - một nam và một nữ - cũng bị coi là nghi phạm.
Một bài viết trên tờ The Wall Street Journal, dẫn nguồn tin bao gồm các sĩ quan trực tiếp tham gia chiến dịch, cho biết 6 người, bao gồm cả thợ lặn dân sự được đào tạo, đã thuê một du thuyền đi ra biển Baltic để thực hiện vụ nổ.
The Wall Street Journal cũng dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu đã phê chuẩn hoạt động này nhưng đã ra lệnh hủy bỏ sau khi bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phát hiện.
Tuy nhiên, ông Valerii Zaluzhnyi, khi đó là Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, vẫn tiếp tục kế hoạch với lý do nhóm phá hoại đã được điều động và không có cách nào để liên lạc với họ.
Ông Zaluzhnyi trả lời báo The Wall Street Journal rằng việc cáo buộc ông - hoặc chính quyền Kyiv - dính líu vào việc phá hủy Nord Stream là hành động “khiêu khích”.
Một quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh Ukraine cũng phủ nhận dính líu, và khẳng định rằng ông Zelensky “không chấp thuận việc thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy trên lãnh thổ của các quốc gia thứ ba và không ban hành các lệnh liên quan”.
Bình luận (0)