Vụ nữ sinh bị đánh chấn động não, luật sư nói gì?

31/03/2022 11:56 GMT+7

Từ vụ nữ sinh khối 10 tại Thừa Thiên - Huế bị một bạn nữ cùng trường đánh đến chấn động não , luật sư Phan Bá Lượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã nêu ra các trách nhiệm pháp lý mà nữ sinh “côn đồ” có thể phải chịu.

Trong những ngày qua, dư luận vô cùng phẫn nộ trước nhiều vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực học đường. Điển hình gần đây nhất là vụ một nữ sinh lớp 10 tại Thừa Thiên - Huế bị bạn nữ cùng trường dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, dẫn đến nhập viện, với chẩn đoán chấn động não.

Luật sư Phan Bá Lượng phân tích về những trách nhiệm pháp lý của sự việc.

LSCC

Cụ thể, ngày 7.3 khi đang trên đường đi học về, em L.T.Y.N. (16 tuổi, học sinh khối 10 Trường THPT Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bị bạn nữ cùng trường là L.N.Q.T (16 tuổi) chặn lại, dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu khiến em bị thương nặng. Sau đó, N. được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện với chẩn đoán chấn động não.

Liên quan đến sự việc trên, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Bá Lượng, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phan Lượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), để tìm hiểu về các nội dung pháp lý liên quan. Luật sư nêu ra những góc nhìn cụ thể nhằm cảnh tỉnh các hành vi côn đồ trước pháp luật.

Nữ sinh đánh bạn có thể chịu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Lượng, về trách nhiệm hình sự, sẽ xem xét xử lý tùy theo tỷ lệ tổn thương cơ thể của em N. "Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp có sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm thì em T. phải chịu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017”, luật sư Lượng nói.

Hiện em N. vẫn đang được gia đình chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà

Lê Hoài Nhân

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì hành vi trên của em T. đã đủ yếu tố để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Các chi phí mà em T. phải bồi thường thiệt hại cho em N. gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi thường, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.

“Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, em T. đã 16 tuổi, vì vậy phải bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Do đó, gia đình bị hại N. có thể yêu cầu em T. và gia đình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của em T. đã gây ra theo quy định của pháp luật”, luật sư Lượng nói thêm.

Còn ông Lê Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Trà, cho biết trước đó đã phối hợp cùng Công an TX.Hương Trà mời phụ huynh 2 gia đình đến để làm việc. Tuy nhiên, với tính phức tạp của vụ việc, mới đây, ngày 29.3 Ban giám hiệu nhà trường đã tiếp tục bổ sung các nội dung báo cáo, gửi Công an TX.Hương Trà để tiếp tục điều tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.