Lăng kính bạn đọc:

Vụ 'ồ ạt xẻ thịt lòng hồ, xây dựng trái phép': Sớm xử lý để lập lại kỷ cương phép nước

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
06/10/2024 05:44 GMT+7

Qua loạt bài điều tra 'Ồ ạt xẻ thịt lòng hồ, xây dựng trái phép' đăng trên Thanh Niên, bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo an toàn cho hồ, cũng như lập lại kỷ cương phép nước.

Như Thanh Niên đã thông tin, hồ thủy lợi Phước Hòa nằm trên địa bàn tỉnh Bình PhướcBình Dương đang bị "xẻ thịt" nghiêm trọng bởi hàng loạt công trình xây dựng trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn cho lòng hồ và nguồn nước.

Vụ 'ồ ạt xẻ thịt lòng hồ, xây dựng trái phép': Sớm xử lý để lập lại kỷ cương phép nước- Ảnh 1.

Những công trình xây dựng trên lòng hồ Phước Hòa

ẢNH: HOÀNG GIÁP

Sau khi Thanh Niên đăng tải loạt bài trên trong các số báo ra ngày 25, 26, 27.9, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Phước Hòa là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam (Bộ NN-PTNT) có báo cáo cho biết đã phát hiện 50 trường hợp vi phạm đào đắp, san lấp, xây dựng, trồng cây, làm hàng rào… trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn lòng hồ Phước Hòa.

Những tồn tại mà Báo Thanh Niên phản ánh, Công ty thủy lợi Miền Nam cho rằng đã kiểm tra, phát hiện và phối hợp với địa phương để xử lý được một số vụ. "Tuy nhiên, trước tình hình phát triển KT-XH các địa phương, tình trạng lấn chiếm sử dụng đất đai trong phạm vi bảo vệ hồ chứa không đúng mục đích rất phức tạp, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của hồ, gây mất an ninh trật tự, nguy cơ mất an toàn khi hồ tích nước", báo cáo nêu.

Chuyện sai đã rõ rồi

"Hoan hô Báo Thanh Niên đã có loạt bài phóng sự - điều tra rất chất lượng, cho thấy các PV đã đầu tư nhiều công sức cho loạt bài này. Là một công dân, tôi rất thắc mắc: Vì sao một vụ việc lớn, kéo dài như vậy mà các cơ quan chức năng không phát hiện sớm, không ngăn chặn kịp thời? Có vấn đề gì chăng?", bạn đọc (BĐ) Hoang Minh chia sẻ.

Cùng quan điểm, BĐ Ngoc Ninh Pham bình luận: "Chuyện nơi đây sai thì đã rõ, và không có lý do gì mà không buộc phá dỡ các công trình không phép. Điều người dân mong muốn là phải kỷ luật nặng những người quản lý (cả lòng hồ và địa phương) đã lơ là, buông lỏng quản lý…".

BĐ Lê Đức Đồng bức xúc: "Thật quá coi thường kỷ cương, phép nước! Những công trình to đùng như vậy không lẽ cơ quan chức năng không nhìn thấy từ lúc khởi công? Bao biện!".

Ai chịu trách nhiệm?

Đó là thắc mắc của nhiều BĐ về vụ việc trên. BĐ Pin đặt câu hỏi: "Không biết ai phải chịu trách nhiệm cho việc buông lơi kiểm tra, khi đã để xảy ra hàng loạt công trình vi phạm nghiêm trọng như vậy? Việc xử lý đầu tiên là kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị nào đã được giao quản lý, nhưng lại không hoàn thành trách nhiệm, buông lơi kiểm tra, không kiên quyết xử lý các vi phạm ngay từ đầu".

BĐ The Anh nêu vấn đề: "Hồ thủy lợi này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu, nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, TP.HCM và xả mặn vùng hạ du sông Sài Gòn với tổng gần 1,3 triệu m³/ngày. Quan trọng như vậy mà sao lại xảy ra lấn chiếm, xây dựng hàng loạt công trình lớn, có cả khu nhà nổi, biệt phủ, nhà thủy tạ, sân đỗ cho ca nô… Cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của ai, đừng nói chung chung, và xử lý ngay, không để dư luận bức xúc".

BĐ Nguyen Duy Toan bình luận: "Nguồn nước sinh hoạt ăn uống của hàng triệu người mà được quản lý như thế... Bó tay!". BĐ Cong Thang đặt câu hỏi: "Có đến 50 trường hợp vi phạm to đùng: đào đắp, san lấp, xây dựng hàng loạt công trình… Xin hỏi đã xử lý thế nào rồi?".

"Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để xử lý vụ việc nghiêm trọng này, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ, cũng như lập lại kỷ cương phép nước… Đừng để quá muộn!", BĐ Thanh Minh ý kiến.

* Mong Báo Thanh Niên tiếp tục có những loạt bài điều tra hay.

OVT

* Ai phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm nghiêm trọng như trên? Câu trả lời xin dành cho cơ quan chức năng.

Hieu Thao

* Chuyện to như con voi, mong là cương quyết xử lý đến nơi đến chốn, chứ không phải là chuyện nhỏ như con thỏ.

Huy Viet


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.