Ngày 26.7, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã dần đầu đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam họp khẩn với Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Kông (Lào) tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Việt - Lào (H.Nam Giang) để bàn thảo 2 nội dung lớn: phá vụ án khai thác rừng pơ mu trái phép dọc biên giới Việt - Lào và chấn chỉnh công tác quản lý, thảo luận quy chế phối hợp giữ rừng giáp ranh.
|
Ông Lê Trí Thanh là người được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ủy quyền xử lý những vấn đề liên quan đến vụ án.
“Phía Sê Kông rất quyết liệt”
Trả lời PV Thanh Niên sau khi kết thúc phiên họp, ông Lê Trí Thanh nhận xét các cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông vào cuộc rất mạnh mẽ.
“Vụ phá rừng diễn ra ở địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông, nhưng hiện công tác xác minh được phía Quảng Nam tiến hành. Quảng Nam đã khởi tố vụ án, phía bạn cũng sẽ phải khởi tố để công tác điều tra được đồng bộ. Khi phát hiện đối tượng liên quan, thì việc truy xét cũng thuận lợi hơn”, ông Thanh nêu quan điểm.
Đáp lại, đại diện Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Kông cũng cho thấy họ đã vào cuộc khẩn trương. Thành phần dự họp với Quảng Nam hôm nay khá đông đủ các đại diện của Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Viện kiểm sát, Hải quan, Biên phòng, Nông nghiệp, chính quyền H.Đắc Chưng (Sê Kông)…
Trước mắt, phía tỉnh Sê Kông đồng ý với đề xuất của Quảng Nam về việc đình chỉ, lập biên bản các xưởng cưa gần khu vực biên giới, đồng thời vào cuộc giám định ngay chủng loại gỗ tập kết tại các xưởng cưa để đối chiếu với gỗ bị khai thác trái phép ở hiện trường.
“Phía bạn Lào cho thấy rất quyết liệt, khi thông tin rằng từ tháng 5.2016 Thủ tướng Lào đã chỉ đạo đóng cửa rừng. Cơ quan chức năng của Lào cũng kiên quyết không cho quá cảnh để vận chuyển gỗ sang nước thứ 3”, ông Lê Trí Thanh nói.
|
Tại cuộc họp giữa Quảng Nam và Sê Kông hôm nay, lực lượng biên phòng được đề xuất giao thêm “quyền”.
Lý giải về đề xuất này, ông Lê Trí Thanh cho rằng lâu nay có sự chồng chéo trong quản lý, nên khi vụ phá rừng pơ mu xảy ra đã làm nảy sinh vấn đề “khó quy trách nhiệm”.
Vì vậy, 2 bên cơ bản đồng thuận trong việc giao biên phòng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng, chủ động hợp đồng với người dân trong việc giao khoán. “Sẽ giao biên phòng quản lý rừng ở các khu vực biên giới, như chủ rừng. Như vậy, việc giao thêm quyền cũng là cách dễ “ràng buộc trách nhiệm” của lực lượng biên phòng”, ông Lê Trí Thanh nói thêm.
Hiện các cơ quan chức năng của 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông đã xác lập cơ chế trao đổi, phối hợp trực tiếp khi xử lý vụ án phá rừng. Hiện trường vụ phá rừng ở cả 2 phía đều đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
|
Bình luận