Chúng ta biết gì về vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ?
Các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ và Bộ Tư pháp đang khẩn trương xác minh nguồn gốc, quy mô và độ nhạy cảm của những tài liệu bị rò rỉ trong sự cố lộ thông tin mật được xem là nghiêm trọng nhất trong cộng đồng tình báo Mỹ trong nhiều năm trở lại đây.
Các tài liệu này dường như chứa thông tin về nhiều vấn đề, từ cuộc chiến tại Ukraine, chương trình vũ khí của Triều Tiên cho đến mối quan hệ giữa Pháp và các quốc gia châu Phi.
Ông Thomas Rid, Giáo sư của Đại học Johns Hopkins, nhận xét: "Có thể nói rằng đây là một trong các vụ rò rỉ thông tin tình báo tai hại nhất tính đến nay trong thế kỷ này".
Tài liệu nào đã bị rò rỉ?
Nội dung nhạy cảm nhất là thông tin dường như liên quan hoạt động tác chiến tại Ukraine, bao gồm cả những chi tiết về yếu kém của hệ thống phòng không trong quân đội Ukraine.
Số tài liệu này cũng có dự đoán về phản ứng của Trung Quốc nếu Ukraine tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Bên cạnh đó là chi tiết nội dung được cho là thảo luận nội bộ giữa giới chức Hàn Quốc về việc Mỹ tạo áp lực buộc Seoul cung cấp vũ khí cho Kyiv.
Ngoài cuộc chiến tại Ukraine, các tài liệu bị rò rỉ còn có thông tin về năng lực hạt nhân của Iran và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Vì sao Mỹ không hay biết tài liệu mật rò rỉ suốt nhiều tháng?
Các mục tiêu an ninh của Pháp ở Tây Phi và Trung Phi cũng bị theo dõi, kèm theo nhận định rằng Paris sẽ không đạt được các mục tiêu này.
"Khoảng 20 trang thông tin bị rò rỉ là báo cáo tình báo nối tiếp do các cơ quan khác nhau soạn thảo. Báo cáo nối tiếp là dạng báo cáo ngắn gọn về một vấn đề cụ thể ở một quốc gia cụ thể nào đó. 20 trang còn lại là bản đồ và cập nhật tình hình chiến sự tại Ukraine".
Các tài liệu có thật không, và bị rò rỉ bằng cách nào?
Các hình ảnh được chụp lại của những tài liệu này được đăng trên các nền tảng internet thông qua các mạng như Telegram, 4Chan, Discord và Twitter.
Các quan chức Mỹ cho rằng hầu hết những tài liệu này đều là thật.
Tuy nhiên, một số thông tin dường như đã bị thay đổi nhằm mục đích thổi phồng ước tính của Mỹ về mức độ thương vong của Ukraine, cũng như hạ thấp thiệt hại cho các lực lượng Nga.
"Có vẻ như là một người nào đó có quyền tiếp cận những hồ sơ này đã nắm được các bản in. Nếu không phải vậy thì tại sao lại phải chụp ảnh tài liệu rồi đăng tải ở dạng hình ảnh? Điều đó có nghĩa là nguyên nhân có thể rất đơn giản, chúng ta không thể loại trừ những cách giải thích không có gì gay cấn, chẳng hạn như ai đó vô tình đánh mất một túi tài liệu mật, hoặc là một người nào đó có thể tiếp cận chiếc vali chứa các tài liệu này trong chiếc ô tô nào đấy. Tức là có thể có những giải thích rất bất thường. Nói cho cùng thì đây là một vụ rò rỉ thông tin rất bất thường".
Trang web điều tra nguồn mở Bellingcat cho biết họ đã tìm thấy một số bằng chứng về các tài liệu hay một số trong những tài liệu này đã xuất hiện trên mạng xã hội từ hồi tháng 3, thậm chí là từ tháng 1.2023.
Bình luận (0)