Vụ sai phạm liên quan VN Pharma giai đoạn 2: Ưu tiên thẩm định thuốc giả trước gần 1.000 hồ sơ

14/05/2022 06:21 GMT+7

Vụ sai phạm liên quan VN Pharma giai đoạn 2, theo cáo buộc, ngoài thẩm định hồ sơ thuốc sai quy trình, những sai phạm của nhóm cựu cán bộ còn bộc lộ sớm hơn là ưu tiên thẩm định hồ sơ.

Sáng 13.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ nhập, bán thuốc giả xảy ra tại Công ty CP VN Pharma.

13 bị cáo khác trong cùng vụ án bị xét xử về các hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vụ thuốc giả tại VN Pharma: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường hầu tòa

Trong phần xét hỏi ngày 13.5, HĐXX tập trung thẩm vấn các bị cáo liên quan đến việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada, do Công ty Vimedimex đứng đăng ký, sau đó được chuyển về Phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) để thẩm định. Tại tòa, 4 cựu cán bộ Cục Quản lý dược lần lượt trả lời HĐXX quanh việc cấp phép 7 thuốc giả của VN Pharma.

Theo cáo buộc, ngoài thẩm định hồ sơ thuốc sai quy trình, những sai phạm của nhóm cựu cán bộ này còn bộc lộ sớm hơn là ưu tiên thẩm định hồ sơ. Cụ thể, ngày 16.5.2010, theo nhờ vả của Nguyễn Lê Xuân Khang (chủ mưu, đang bỏ trốn), Công ty dược Vimedimex nộp hồ sơ đăng ký 2 loại thuốc giả về bộ phận “một cửa” tại Cục Quản lý dược. 2 hồ sơ thuốc kể trên có mã số xếp hàng thẩm định lần lượt là 9408 và 9409. 2 tháng sau, Vimedimex làm công văn gửi Cục đề nghị thẩm định sớm. Lúc này, tại Cục, nhóm chuyên gia đang xem xét các hồ sơ đến mã số 8482. Tuy nhiên, ông Cường có bút phê “K/c c Châu”. Sau đó, Trưởng phòng Đăng ký thuốc là Phạm Hồng Châu tiếp tục bút phê 5 chữ: “Thực hiện theo chủ trương”. Ngay sau đó, hồ sơ 2 loại thuốc giả do Vimedimex nộp nhảy liền 926 bậc và được ưu tiên thẩm định trước.

Trong khi kết quả xác minh các cơ quan, cá nhân liên quan cho thấy “Bộ Y tế và Cục Quản lý dược không có chủ trương hay quy định nào cho phép ưu tiên đưa hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp ra thẩm định sớm, trừ trường hợp có dịch bệnh”.

Trước những sai phạm của thuộc cấp, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường thừa nhận thiếu sót trong hoạt động chuyên môn và quản lý, để xảy ra sai sót nghiêm trọng.

Theo cáo buộc, tổng lượng thuốc nhập 838.100 hộp, trị giá hơn 1,2 triệu USD, được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỉ đồng. Số thuốc giả đã được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc hơn 600.000 hộp, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.