Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo: Mất thêm 3 ngày nữa để thông hầm

Kiểm tra công tác cứu nạn tại hiện trường chiều hôm qua 18.12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thúc giục phải khẩn trương cứu 12 công nhân đang mắc kẹt trong đường hầm.

Kiểm tra công tác cứu nạn tại hiện trường chiều hôm qua 18.12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thúc giục phải khẩn trương cứu 12 công nhân đang mắc kẹt trong đường hầm.

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo: Mất thêm 3 ngày nữa để thông hầm
Tiếp cháo cho các nạn nhân - Ảnh: Độc Lập
Phó thủ tướng đã đến tận vị trí hầm bị sập và đã thăm hỏi sức khỏe những công nhân bị mắc kẹt thông qua hệ thống ống thông hơi. Khi biết mọi người đều bình an, ông động viên hãy yên tâm vì các lực lượng phối hợp đang nỗ lực tối đa để thông hầm. Phó thủ tướng giao lực lượng y tế chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho 12 người mắc kẹt ở thời điểm hiện tại và sau khi giải cứu, y tế phải chuẩn bị các phương án như bơm vitamin, chuẩn bị thuốc và đội ngũ y bác sĩ thường trực. Ông Hải yêu cầu các lực lượng phải khẩn trương hơn, cố gắng 3 ngày nữa phải thông được hầm, không để các công nhân bị kẹt quá lâu.
Các nước cũng chưa có giải pháp nào hay hơn
Theo ông Trần Văn Huyên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 5, việc liên lạc giữa lực lượng cứu hộ với các công nhân bị mắc kẹt trong hầm diễn ra thường xuyên thông qua một ống thép đường kính khoảng 6 cm. Đường ống này cũng là đường chuyển thức ăn (cháo loãng, sữa) và nước uống cho công nhân bị nạn. Hàng ngày luôn có người ở phía ngoài giữ liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt bên trong bằng cách trao đổi hỏi thăm về sức khỏe, mực nước... Đồng thời, những lúc chuyển thức ăn, nước uống thì người ngoài thông qua ống thép này để nói chuyện với người phía trong.
Hướng triển khai sắp tới, phải tiếp tục đào theo hướng bên phải do Tập đoàn than khoáng sản VN đảm nhiệm. Với những đoạn đã đào phải gia cố dày hơn để đảm bảo an toàn. Về đường khoan thoát nước ở hạ nguồn, Phó thủ tướng yêu cầu Công ty Sông Đà 10 điều thêm lực lượng bằng mọi cách, nếu có phương án nào khả thi phải tiến hành khẩn trương. Về công tác hậu cần, Phó thủ tướng yêu cầu dựng thêm nhiều lán trại, giường dã chiến, thức ăn đầy đủ cho các lực lượng có mặt tại chỗ.
Trước đó, từ 23 giờ ngày 17.12, lực lượng công binh Quân khu 7 đã mở đường hầm mới ở ngách bên phải song song với đoạn hầm 35 m bị sập (kích thước hầm 1 x 1 m); có 6 kíp thay phiên nhau đào, mỗi kíp 10 người gồm công binh và chuyên gia thuộc Trung tâm cấp cứu mỏ của Bộ Công thương thực hiện. Việc đào hầm gặp khó khăn vì liên tục đụng phải đá mồ côi. Đến khuya 18.12 đã đào được khoảng 8 m. Để đẩy nhanh tiến độ, Phó thủ tướng nhất trí phương án đào thêm đường hầm mới song song bên trái vị trí sập hầm nhằm đề phòng trường hợp xấu xảy ra, đất đá sẽ làm hỏng đường ống dẫn khí và thức ăn vào bên trong.
Theo tính toán, tốc độ tối đa của ngách bên phải là 8 m/ngày đêm, như vậy phải mất 3 ngày nữa mới có thể tiếp cận các công nhân bị mắc kẹt bên trong. Trước mắt, ngách bên phải vấp phải đá, do đó theo kế hoạch, những ngày tới lực lượng cứu hộ phải sử dụng liều nổ nhỏ để phá đá. Phó thủ tướng yêu cầu khi nổ mìn phải hết sức thận trọng, nếu không thì các đường tiếp nước, thực phẩm, sữa bị hư hỏng rất nguy hiểm.
Khi được hỏi liệu có phải nhờ những nước có kinh nghiệm cứu nạn sập hầm tham gia cứu nạn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đến nay các nước chưa có giải pháp nào hay hơn. Hiện các lực lượng cứu hộ đã và đang thực hiện các giải pháp cần thiết.
Chưa thể chuyển quần áo cho 12 người bị nạn
Lúc 21 giờ 30 đêm 17.12, một đường ống đứng cũng được khoan từ trên đỉnh đồi xuống vị trí các công nhân đang mắc kẹt với chiều sâu khoảng 70 m để chuyển quần áo, thức ăn, thuốc men vào. Thế nhưng, lúc 15 giờ 45 hôm qua, khi mũi khoan đạt độ sâu 42 m, chỉ còn khoảng 28 m thì mũi khoan bị gãy cắm vào đá không thể rút lên. Đơn vị thi công buộc phải chuyển sang vị trí khoan khác. Do đó, kế hoạch đêm 18.12 chuyển quần áo, thực phẩm xuống cho những công nhân gặp nạn vẫn chưa thể thực hiện.
Đến chiều tối qua, sau gần một ngày hút nước bằng 2 máy bơm, mực nước trong hầm đã rút xuống chỉ còn gần 1 m (lúc 1 giờ 30 cao gần 1,5 m), tuy nhiên dù trời ngớt mưa nhưng nước từ trên nóc hầm vẫn tiếp tục đổ xuống. Theo lực lượng công binh, do ống hút nước nhỏ phải xuyên qua ống sắt đường kính 5 cm, nên không thể bơm nhanh hơn. Mũi khoan thứ 3 để hút nước nhưng nhiều lần đụng đá và cũng chưa tới được.
Lực lượng cứu nạn lên đến 500 người
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết đến hôm qua có tổng cộng khoảng 500 người của nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia cứu nạn. Riêng lực lượng công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh có gần 150 người.
Đêm 18.12, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã đưa các dung dịch thuốc đặc biệt để giúp người trong hầm có đủ sức khỏe vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngành y tế Lâm Đồng chuẩn bị hàng chục bình ô xy để trung bình 1 giờ lực lượng cứu hộ bơm ô xy vào hầm 1 lần; còn cháo, sữa, nước gừng cứ 5 giờ tiếp 1 lần. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng cũng đưa lực lượng đến hiện trường dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực; cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho lực lượng cứu nạn.
Inforgraphic: Toàn cảnh vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.