Vụ xây 8 nhà vệ sinh 1,6 tỉ: Có dấu hiệu lách luật để chỉ định thầu?

19/07/2022 11:45 GMT+7

Lãnh đạo xã Ea Nuôl cho rằng phải chờ kết luận của huyện, không trả lời thẳng vì sao cả 8 nhà vệ sinh cùng sử dụng một nguồn vốn nhưng tách ra 2 gói thầu để chỉ định thầu.

Ngày 19.7, ông Lê Văn Nuôi, Phó chủ tịch UBND H.Buôn Đôn (Đắk Lắk), xác nhận đoàn kiểm tra của huyện đang cho kiểm tra lại các hồ sơ liên quan đến việc UBND xã Ea Nuôl xây 8 nhà vệ sinh với tổng kinh phí 1,6 tỉ đồng.

Theo ông Nuôi, hiện các thành viên của huyện vẫn đang làm việc, xem xét các hồ sơ. Sau đó, đoàn tiếp tục đi kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng cả 8 nhà vệ sinh nên chưa thể trả lời cụ thể được. “Đúng hay sai, thiếu sót hay không phải chờ vài ngày tới chúng tôi kiểm tra hồ sơ, đánh giá hiện trạng xong, có báo cáo mới trả lời được”, ông Nuôi trao đổi.

Liên quan đến vụ việc, ông Trịnh Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, xác nhận hiện xã đã cung cấp tất cả các hồ sơ liên quan đến việc xây dựng 8 nhà vệ sinh trên địa bàn cho UBND H.Buôn Đôn kiểm tra.

Nhà vệ sinh (công trình bên phải) đang được xây dựng ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl

Hoàng bình

Khi được hỏi về lý do cả 8 nhà vệ sinh cùng sử dụng một nguồn vốn (từ nguồn tiền ủng hộ quỹ an sinh xã hội năm 2021 của UBND H.Buôn Đôn) nhưng vì sao tách ra 2 gói thầu để chỉ định thầu, ông Tấn trả lời: “Cái này phiền anh chờ huyện kết luận, đúng sai thế nào phải chờ huyện”.

Như Thanh Niên đã đưa tin, vừa qua UBND xã Ea Nuôl đã sử dụng 1,6 tỉ đồng từ nguồn tiền quỹ an sinh xã hội năm 2021 của UBND H.Buôn Đôn cấp để xây dựng 8 nhà vệ sinh công cộng tại 8 thôn, buôn. Dù cùng sử dụng một nguồn vốn nhưng việc xây dựng 8 nhà vệ sinh được chia thành 2 gói thầu. Trong đó, một gói thầu gồm 4 nhà vệ sinh có tổng mức đầu tư hơn 812 triệu đồng; gói thầu 4 nhà vệ sinh còn lại có tổng mức đầu tư hơn 787 triệu đồng.

Một doanh nghiệp ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là nhà thầu tư vấn quản lý cả 2 gói thầu nói trên theo hình thức chỉ định thầu. Mỗi nhà vệ sinh kể trên có diện tích xây dựng từ 16,6 - 19,2 m2, là công trình dân dụng cấp IV, hiện đã cơ bản hoàn thành xây dựng phần thô.

Chưa xác định vi phạm hay không

Liên quan vấn đề trên, qua tham khảo ý kiến, lãnh đạo một Phòng Kinh tế - hạ tầng cấp huyện ở Đắk Lắk, cho biết theo quy định, trường hợp gói thầu xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá trị trên 1 tỉ đồng thì phải đấu thầu rộng rãi.

Để làm rõ vấn đề tiền từ quỹ an sinh xã hội có phải là ngân sách nhà nước hay không, PV Thanh Niên đã liên hệ một lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Lắk và được người này cho biết quỹ an sinh xã hội có rất nhiều nguồn, có cả nguồn bên ngoài và cả nguồn từ nhà nước nên rất khó để trả lời khi thông tin chưa rõ ràng.

Còn theo ý kiến luật sư Lê Xuân Anh Phú (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), việc chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 22 luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trong đó, Điều 54, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì “gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu… không quá 1 tỉ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp…”.

Để thực hiện được việc chia tách gói thầu, luật sư Phú cho rằng cần phải đáp ứng được quy định như: phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của luật Đấu thầu năm 2013 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Ngoài ra, phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu theo quy định tại Điều 5, Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.