Vụ xe máy mất phanh tại Tam Đảo: Đừng ‘dại’ lái xe tay ga trên đường đèo!

30/05/2022 15:21 GMT+7

Không thể hiểu nổi vì sao đã có rất nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến xe tay ga mất phanh khi đổ đèo nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan?

Xem qua tình huống 3 người đi trên xe tay ga vừa may mắn thoát chết sau khi gặp sự cố mất phanh tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), tôi vừa “hú vía”, nhưng đồng thời cũng hết sức ngán ngẩm vì độ… liều và thiếu hiểu biết của nhiều người khi tham gia giao thông.

Có một thực tế là tại Việt Nam thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện rất nhiều vụ tai nạn trên đường đèo và có liên quan đến những chiếc xe tay ga. Điển hình nhất là tại đường dốc lên đỉnh Bàn Cờ trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tôi nhớ cách đây vài năm, chính quyền địa phương dù không cấm hẳn nhưng đã phải đưa ra khuyến cáo người dân không nên điều khiển xe tay ga đi lên đoạn đường này. Lý do là bởi trước đó đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, mà nguyên nhân đều do lái xe tay ga đổ đèo mất phanh, mất lái.

Tình huống người đàn ông dũng cảm níu một xe tay ga đang mất phanh, cứu sống 3 mạng người tại Tam Đảo

Tôi không phủ nhận rằng những vụ tai nạn khi lái xe tay ga đổ dốc đèo xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như xe cũ, người lái thiếu cẩn thận... Nhưng với tần suất ngày càng dày thì chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại cả những yếu tố khách quan. Trong đó có việc xe tay ga không phù hợp, thậm chí rất nguy hiểm khi sử dụng đi đường đèo.

Với kinh nghiệm của một “phượt thủ” từng đi rất nhiều cung đường đèo dốc, bằng đủ loại xe gắn máy (từ mô tô, xe số đến cả xe tay ga), tôi thấy rằng khả năng hỗ trợ phanh bằng động cơ là cực kỳ hữu ích. Bởi đường đèo dốc với những khúc cua luôn đòi hỏi người lái phải liên tục giảm tốc đột ngột. Và nếu chỉ sử dụng phanh thôi sẽ rất nguy hiểm, vì dễ dẫn đến hiện tượng cháy má phanh, mất phanh.

“Phanh động cơ” ở đây chính là việc sử dụng động cơ và hộp số để giảm tốc. Nói nôm na, bạn chỉ cần hiểu cơ bản về kĩ thuật sẽ biết rằng, với những dòng xe côn tay hay xe số, trong trường hợp hệ thống phanh bị vô hiệu hóa (mất phanh), người lái vẫn còn một cách dễ dàng và đơn giản để có thể giảm tốc. Đó là trả về số thấp. Khi đó, xe sẽ duy trì ở một dải vận tốc nhất định và thường rất chậm.

Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ tai nạn chết người, liên quan đến việc điều khiển xe tay ga đi đường đèo dốc

Tuy nhiên, đối với xe tay ga lại khác. Những mẫu xe này có cấu tạo khác hẳn xe số thông thường ở hệ thống truyền động. Tức là, thay vì trang bị cần số và cơ cấu sang số thủ công để người lái tự điều khiển thì trên xe tay ga, tất cả đều do xe tự động xử lý. Do đó, trong trường hợp hệ thống phanh bị vô hiệu hóa (mất phanh), người lái gần như không còn “sự trợ giúp” nào để có thể hãm tốc, như cách trả về số thấp trên xe số.

Dĩ nhiên, với những người sử dụng xe thuần thục vẫn có thể sử dụng “phanh động cơ” trên xe tay ga, bằng cách mới ga và nhả phanh. Nhưng thực tế tôi thấy không nhiều người có thể thực hiện được. Bởi các thao tác này phức tạp và đỏi hỏi kỹ năng tốt. Trong khi, với hầu hết những bạn sử dụng xe tay ga hiện nay, khả năng lái xe vẫn còn rất kém, đặc biệt là nữ.

Thậm chí, nhiều người sử dụng xe tay ga chỉ để di chuyển trong đô thị là chính nên rất ít ai để ý và biết đến những kỹ thuật nói trên. Trong khi, quá trình sát hạch lái xe hiện nay với xe máy tại Việt Nam, nhìn chung vẫn còn khá sơ sài và chưa có những bài thi liên quan đến các kỹ năng đổ dốc hay sử dụng phanh.

Chính vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, cách tốt nhất để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn tại các khu vực đường đèo chính là không sử dụng các mẫu xe tay ga. Mọi sự chủ quan và liều lĩnh đều rất dễ phải trả giá!

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại TP.HCM.

* Đóng góp bài viết về Xe-Thanh Niên xin gửi về xe@thanhnien.vn hoặc thainguyenthanhnien@gmail.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.