Chị đã học luật, rồi tham gia kinh doanh đồ hiệu, sau đó tới nghề bếp chuyên nghiệp. Điều gì để chị thay đổi như thế?
Tôi có cảm giác nghề luật cứng nhắc. Việc kinh doanh đồ hiệu cũng thế. Với việc kinh doanh đó, người ta đánh giá nhau rất nhanh, giàu có ra sao, gia thế thế nào. Lúc đầu, chính tôi cũng thấy nó óng ánh và muốn bước vào nhưng sau đó cảm giác về đường và muối đã kéo tôi lại. Khi nhìn bố mẹ nấu nướng, tôi cảm thấy những khoảnh khắc đáng sống. Người ta có thể nấu hàng giờ liền cho một bữa ăn, gửi vào đó bao nhiêu khéo léo của đôi bàn tay. Tôi thực sự muốn làm điều gì đó bằng chính đôi bàn tay mình, muốn sáng tạo, muốn gửi một thông điệp qua món ăn tôi làm.
|
Trong cuộc thi Master Chef (Vua đầu bếp) của Pháp, các món Việt đã đi với chị như thế nào tới chiến thắng cuối cùng?
Khi nấu nướng, tôi chọn “chữ ký” cho mình là nhiều rau như món Việt vậy. Vì thế, tôi dùng nhiều rau, nhiều gia vị và nhiều chanh xanh nữa. Tôi cũng dùng nhiều gia vị của món phở trong những món tôi nấu: quế, hồi, gừng, tiêu trắng, tiêu đen. Các vị quen thuộc như rau răm, sữa dừa, nước mắm cũng có mặt trong các món của tôi.
Món Việt nào chị đã mang vào bài thi Vua đầu bếp Pháp?
Có một phần thi nấu súp cá và ngay lập tức tôi nghĩ ngay đến món canh cá mẹ tôi vẫn nấu. Tôi đã nấu món đó đúng kiểu VN, chua chua ngọt ngọt. Nước dùng khi đó tôi đã ninh xương cá, đầu tôm giã rồi lọc như cua, cà chua, dứa, gừng, sả, hành, rau thơm… Ở vòng thi đó, người chấm là một đầu bếp có hạng của thế giới và giám khảo đã cho tôi vào thẳng vòng trong ngay lập tức. Còn mỗi khi có món cần nước dùng là tôi lại nghĩ ngay đến phở.
Chị có nghĩ nên tạo ra những món lai mới để người nước ngoài dễ chấp nhận ẩm thực Việt không?
Không nên tạo các món lai giữa hai nền văn hóa như vậy để quảng bá ẩm thực Việt vì nhiều khi lại trở thành phá món ăn. Tốt nhất là nên có những món mới dựa trên chính kỹ thuật nấu nướng của mình. Chẳng hạn, món bánh mì Việt thì phải gồm rất nhiều loại nhân, cả rau củ trộn chua ngọt, thịt xá xíu, giò… Cứ kiên trì và giữ đúng tinh thần nấu nướng của mình.
Kế hoạch kinh doanh hậu Vua đầu bếp của chị thế nào?
Tôi đang có 3 kế hoạch. Một là các chương trình nấu nướng cho Đại sứ quán Pháp tại Singapore. Thứ hai là tạo một thương hiệu gia vị xanh có tên Kissala, trên bao bì có ghi tên tôi. Đó là gia vị trộn dạng bột để nấu nướng có tác dụng như dễ tiêu hóa hay thanh lọc cơ thể. Tôi cũng xem xét mở thêm nhà hàng ở Pháp hoặc VN.
Ở các nhà hàng đó, chị có nấu lại món cá Việt nữa không?
Có chứ. Nhưng tôi quan tâm hơn đến việc làm thế nào giúp người Pháp trải nghiệm món tráng miệng VN. Cho tới giờ, với họ món tráng miệng của VN hơi khó tiếp nhận. Tôi muốn thay đổi điều đó. Chẳng hạn, tôi đã làm thử món bánh hai tầng có nước cốt dừa dạng mousse kết hợp với đậu xanh, sữa, cốt dừa nấu nhuyễn.
Huỳnh Khánh Ly sinh năm 1991 tại Pháp, là người Pháp gốc Việt, có cha mẹ từng sinh sống tại TP.HCM và Hà Nội. Chị đã chiến thắng chương trình Vua đầu bếp Pháp vào năm 2015. Chị đến Hà Nội từ 17 - 23.3 theo lời mời của Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tại VN để tham gia chương trình Gout de France ở Hà Nội. Đây là chương trình thường niên quảng bá ẩm thực Pháp trên toàn thế giới, do Bộ Ngoại giao Pháp đề xướng và thực hiện. Huỳnh Khánh Ly cũng tham dự Ngày hội Pháp ngữ được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 18.3 để hướng dẫn làm bánh mì rán kiểu Pháp. Chị cũng có cuộc gặp gỡ, hướng dẫn, thưởng thức món ăn tại nhà hàng O’Douceurs (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) dành cho các sinh viên mong muốn du học tại Pháp trong lĩnh vực ẩm thực vào ngày 20.3.
|
Bình luận (0)