Vừa nhập học xong đã nhớ nhà phát khóc...

Thảo Phương
Thảo Phương
26/08/2024 16:14 GMT+7

Rời xa vòng tay gia đình, tân sinh viên đi học xa nhà gặp không ít khó khăn khi bắt đầu cuộc sống tự lập. Trong đó, nỗi nhớ nhà là điều khó tránh khỏi.

Nỗi niềm của nhiều tân sinh khi đi học xa nhà

Buổi sáng nhập học xong, chiều đã vội lên xe về nhà dù phòng trọ đã thuê trước đó, Phạm Huyền Trang, tân sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: “Mặc dù có bố mẹ đi cùng nhưng mình lên trường làm thủ tục nhập học chỉ có nửa ngày mà đã muốn về nhà rồi”.

Nói về lý do sợ đi học xa nhà, Trang cho biết: “Đi học phải xa bố mẹ nên mình buồn lắm. Mình cũng sợ trong thời gian đi học lỡ như ở nhà xảy ra chuyện mà bản thân không có mặt ngay lúc đó hay không giúp được gì thì rất buồn”.

Vừa nhập học xong đã nhớ nhà phát khóc... - Ảnh 1.

Nỗi nhớ nhà là điều không tránh khỏi với những sinh viên đi học xa nhà

THẢO PHƯƠNG

Còn với Nguyễn Khánh Ly, tân sinh viên Trường ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên), thì chưa đi học nhưng đã khóc vì sắp phải xa nhà. “Từ lúc biết tin đỗ đại học mình cứ nghĩ rằng sẽ không được ở gần ba mẹ nữa và phải xa nơi mình sống suốt 18 năm qua. Hơn nữa, ở nhà được bố mẹ lo cho tất cả mọi việc dù lớn hay nhỏ. Còn khi đi học đại học sẽ ở một mình, tự lo liệu mọi thứ, rồi còn đối mặt với rất nhiều trở ngại. Cho nên mình rất buồn. Từ nhỏ đến lớn mình lại nhận được rất nhiều tình yêu thương của mọi người trong gia đình. Vì vậy, việc đi học xa nhà với mình thật sự rất khó khăn”, Ly tâm sự.

Mặc dù đã đi xa nhà nhiều lần, nhưng với Ly lần 18 tuổi này rất khác. Ly chia sẻ: “Các chuyến đi xa nhà khác mình biết rõ ngày về. Nhưng vào đại học thì khác, không biết khi nào sẽ được về nhà. Chưa kể mình sẽ phải trải qua cảm giác xa nhà nhiều năm liền”.

Vừa nhập học xong đã nhớ nhà phát khóc... - Ảnh 2.

Rời xa vòng tay ba mẹ, tân sinh viên phải thích nghi với cuộc sống tự lập ở môi trường mới

N.Q

Tương tự, dù chưa chính thức bắt đầu cuộc sống xa nhà nhưng Lê Thị Kim Huệ, tân sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có cảm giác nhớ nhà. Cô nàng chia sẻ: “Cứ nghĩ đến cảnh sống thui thủi ở trọ, phải tự nấu ăn mình cảm thấy rất cô đơn. Lúc đó, chắc mình sẽ nhớ ba mẹ tới phát khóc. Nên càng sát ngày đến giảng đường mình càng buồn hơn và không muốn đi nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mình càng biết trân trọng những lúc được ở nhà và gần ba mẹ”.

Cũng từng nhớ nhà da diết khi đi học xa, Nguyễn Như Quỳnh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Nỗi nhớ nhà là điều hiển nhiên. Mình nhớ về những ngày tự chạy xe đi học khi đang ngồi trên xe buýt. Nhớ về những cánh đồng và con sông khi đi ngang qua các tòa nhà cao tầng. Nhớ bữa cơm khi có những người thân trong gia đình quây quần ăn tối... Cho nên những dịp nghỉ lễ, tết hay hè, mình đều tranh thủ về nhà dài ngày nhất có thể. Lúc đó mình đã nghĩ, học xong đại học sẽ về quê nhưng đến nay, sau 5 năm gắn bó với TP.HCM, mình vẫn ở lại đây để tiếp tục thực hiện kế hoạch riêng của bản thân. Cũng kỳ lạ thay, giờ đây TP.HCM lại là nơi mà mình nhớ về mỗi khi đi đến những nơi khác để công tác”.

Những cách giúp tân sinh viên vượt qua nỗi nhớ nhà

Quỳnh cho biết cách giúp cô nàng vượt qua được nỗi nhớ nhà, đó là nhờ thời gian và tìm kiếm nhiều việc khác để làm. “Thời gian luôn là liều thuốc chữa lành cho rất nhiều thứ trong đó có cả nỗi nhớ nhà. Thời gian trôi qua, mình sẽ dần thích nghi với nếp sống xa nhà, làm quen với những người bạn mới, học thêm nhiều điều. Mình cố gắng biến nỗi nhớ thành động lực, vì khi rời nhà đi học, ai cũng mang theo kỳ vọng của gia đình để thành công và sống tốt. Cho nên, cứ mang nỗi nhớ đó theo cạnh mình, lấy đó làm động lực để phấn đấu và vượt qua khó khăn. Nói chung, mình phải luôn trong tư thế tập thích nghi và sẵn sàng đón nhận thì những điều tốt đẹp sẽ đến”, Quỳnh chia sẻ.

Nói về những cách thức giúp tân sinh viên vượt qua nỗi nhớ nhà và sớm thích nghi với môi trường mới, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường đại học Văn Lang, đưa ra lời khuyên: “Tân sinh viên có thể trang trí phòng ký túc xá hoặc nơi ở mới với những vật dụng hoặc hình ảnh từ gia đình sẽ giúp các bạn cảm thấy thoải mái và bớt nhớ nhà hơn. Dùng các phương tiện truyền thông để giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè ở quê. Điều này giúp sinh viên duy trì cảm giác kết nối, nhưng cũng cần cân bằng để không bị phụ thuộc quá nhiều vào nó. Đặc biệt, hãy đặt ra mục tiêu học tập và tham gia vào các hoạt động phát triển bản thân sẽ giúp tân sinh viên tìm thấy động lực và hào hứng với cuộc sống mới. Hãy chia sẻ những niềm vui, trải nghiệm mới cùng gia đình để ba mẹ luôn yên tâm và tự hào về bạn”.

Ông Mãi chia sẻ thêm: “Tân sinh viên nên kết nối cùng với giảng viên và các bạn cùng ngành học để chia sẻ, làm quen với môi trường mới. Ngoài ra, cần tích cực tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm hoặc hoạt động ngoại khóa trong trường để gặp gỡ và kết bạn với những người có cùng sở thích. Sự hỗ trợ từ bạn bè sẽ giúp tân sinh viên cảm thấy ít cô đơn và nhanh chóng hòa nhập hơn. Đồng thời, tân sinh viên nên chủ động tìm hiểu, khám phá khuôn viên trường, khu vực lân cận hoặc thành phố mới để quen dần với môi trường. Điều này, cũng giúp sinh viên cảm thấy tự tin hơn khi đi lại và sinh sống ở môi trường mới”.

Bên cạnh đó, ông Mãi cũng cho rằng tân sinh viên cần tích cực học tập và tham gia những hoạt động, chương trình hỗ trợ dành riêng cho các bạn để giúp làm quen với môi trường học tập và sinh hoạt mới. Đồng thời, nên tạo lịch trình sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp tân sinh viên giảm bớt thời gian nghĩ về nhà và tập trung vào việc thích nghi với môi trường mới. “Hãy tự thực hành chăm sóc bản thân khi rời khỏi gia đình bằng việc đảm bảo ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc. Khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần cũng sẽ vững vàng hơn để đối phó với những thay đổi ở môi trường mới”, ông Mãi cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.