Vui buồn lớp học toàn nam, toàn nữ

13/11/2018 16:31 GMT+7

Người ta thường bảo, một lớp học đủ nam, nữ sẽ đa dạng màu sắc, vui nhộn hơn. Nhưng nếu lớp chỉ toàn con gái hoặc con trai thì niềm vui có bớt hay không?

"Nữ nhi quốc"

Từng trải qua năm tháng THPT với 36 cô gái dưới mái Trường chuyên THPT Lê Thánh Tông (TP.Hội An, Quảng Nam), Hà Thị Thắm (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho rằng một lớp học 'nữ nhi quốc' cũng có vẻ đẹp riêng. “Mình nhận ra con gái cũng mạnh mẽ, bản lĩnh như con trai vậy. Tất cả các hoạt động con trai làm được thì tụi mình cũng làm được. Dựng lều trại, đá bóng, sửa quạt, đèn… Đó là những ngày tháng tụi mình cùng nhau kéo tre về làm trại, cùng làm lồng đèn đón trung thu, cùng khóc dưới mưa khi lớp lỡ thua trong trận đá bóng, cùng an ủi nhau khi chẳng may trượt kỳ thi tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh,… ”, Thắm bồi hồi nhớ lại.


Đỗ Ngọc Kiều Trinh (sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) tâm sự rằng đôi khi cảm thấy áp lực khi học chung với lớp toàn con gái. “Vì cảm giác cùng giới tính, cũng là con gái như nhau nhưng bản thân yếu kém hơn, mình sẽ cảm thấy tự ti so với chúng bạn. Chẳng hạn như trong các kỳ thi tuyển học sinh giỏi hay các kỳ thi kiểm tra cuối kỳ, chỉ cần chênh lệch nhau vài điểm cũng đủ khiến tụi mình buồn trong vài ngày rồi. Còn khi học với nam, dù thua kém một chút, cũng sẽ đỡ áp lực hơn. Bởi con trai luôn hơn con gái nhiều mặt mà”, Trinh nói.

Ba năm làm lớp trưởng của lớp chuyên văn, Kiều Trinh cho biết việc quản lý một "nữ nhi quốc" không phải dễ.  “Nếu như con gái cùng đồng thuận với nhau về một vấn đề nào đó thì thuận lợi. Còn ngược lại, nếu lỡ mỗi đứa một ý kiến hoặc không ý kiến rõ ràng mà nửa vời thì vấn đề cứ kéo dài lê thê, mãi không giải quyết được”, Kiều Trinh nhận định.

Là bạn nam duy nhất của lớp học chỉ toàn con gái, Lê Xuân Vĩnh (20 tuổi, khoa báo chí, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - cơ sở TP.HCM), cho biết việc học giữa rừng hoa khiến bạn trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Không những được quan tâm chăm sóc từ các bạn gái, mà thầy cô cũng hỏi han nhiều hơn. Đặc biệt, bạn cũng trở thành người hùng của lớp khi luôn gánh vác, giải quyết các vấn đề lớn nhỏ. Tuy nhiên, thi thoảng Vĩnh cũng cảm thấy buồn vì không ai san sẻ, tâm sự.

"Nam nhi quốc"

Mặc dù học lớp không một bóng hồng nào nhưng Nguyễn Tấn Hưng (19 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) vẫn cảm thấy vui vẻ, thoải mái. “Khi rảnh rỗi, tụi em thường tâm sự với nhau những chuyện vui buồn. Thường sẽ có những buổi tư vấn tâm lý giúp nhau thoát 'ế'. Hoặc cả lũ con trai cùng ngắm một đứa con gái, nhưng có một đứa trong đó lại làm quen là y như rằng bị mấy đứa còn lại 'cạch mặt' liền...”, Hưng tâm sự.

Học lớp học toàn nam, Hiền trở thành hoa khôi của lớp T.H

Hưng cũng cho rằng, học chung với lớp toàn con trai mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Mâu thuẫn ít xảy ra, nếu có cũng sẽ hòa giải nhanh hơn. Con trai cũng suy nghĩ đơn giản, quyết định nhanh lẹ hơn.

Vừa mới tốt nghiệp khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường ĐH Trần Đại Nghĩa TP.HCM, ít ai biết Phan Thị Thu Hiền lại là cô gái duy nhất trong lớp học chỉ toàn con trai. Bốn năm đại học, Hiền cùng các bạn trải nghiệm những chuyến đi xa, đến các vùng đất mới lạ, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Đôi khi Hiền cũng trở thành người được cả lớp tín nhiệm giao trọng trách để hỏi thầy cô về kiến thức chuyên môn.

Cũng học với lớp toàn con trai nhưng Nguyễn Thị Thu Hương (Khoa Kinh tế vận tải biển, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM), lại cho biết học chung với lớp toàn con trai thường sẽ có nhiều chuyện để chia sẻ hơn. “Nếu mình biết cách gợi chuyện thì các bạn ấy còn 'tám' hơn cả con gái. Theo mình, con trai nhiều khi xét nét hơn cả con gái. Chỉ là họ thường không bộc lộ ra thôi. Mình phải đưa ra chủ đề thì các bạn mới bàn luận sôi nổi được”, Thu Hương vừa cười vừa kể lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.