Lớp học đặc biệt

Vũ Thơ
Vũ Thơ
03/08/2018 07:14 GMT+7

57 học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh éo le đã được Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La chăm sóc, dạy dỗ trong chương trình 'Học kỳ trong quân đội' và giúp các em trưởng thành hơn.

Những mảnh đời trẻ thơ...
Đây là lớp học rất đặc biệt, vì 57 học sinh (HS) đều là người dân tộc thiểu số với hoàn cảnh khác nhau, trong đó 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 11 em mồ côi cha, 1 em là con liệt sĩ, có em có bố hoặc mẹ đang chấp hành án phạt tù... Đặc biệt, qua khám sức khỏe của quân y Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh, có nhiều em bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển; có em bị bệnh bẩm sinh về tim; nhiều em mắc các bệnh khác do môi trường, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo...
Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó chủ nhiệm Chính trị, BĐBP tỉnh Sơn La, cho biết các em ở độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất 17 tuổi và thuộc 8 dân tộc trên địa bàn, có phong tục tập quán khác nhau.
“Tất cả các em đều thiếu thốn tình cảm của người thân gia đình, đói cái ăn, thiếu cái mặc, quanh năm gắn bó với nương rẫy, ở các bản, làng biên giới xa xôi, không có điều kiện tiếp xúc, học hỏi ở những môi trường xã hội phát triển. Vì vậy, những ngày đầu tham gia lớp Học kỳ trong quân đội, các em đều bỡ ngỡ, bối rối, rụt rè, thiếu kỹ năng...”, trung tá Báu cho hay.
Các thành viên ban tổ chức đã gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, thói quen, đặc điểm tâm sinh lý của từng em để xây dựng chương trình, giáo án phù hợp nhất. “Các chiến sĩ biên phòng đã phải hướng dẫn các em những kỹ năng tưởng như bình thường nhất như việc sử dụng bồn vệ sinh, hay gập chiếc ghế ngồi... Có khi phải mất 2 - 3 ngày chúng tôi mới hướng dẫn các em làm được 1 kỹ năng”, trung tá Báu chia sẻ.
... và nuôi những ước mơ
Phát biểu tại chương trình gặp mặt, tặng quà các HS diễn ra tại Hà Nội, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chương trình này thực sự có ý nghĩa to lớn với các HS. Tham gia học kỳ trong quân đội là một nghi thức tạo sự trưởng thành cho các em. Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP, cũng đánh giá đây là mô hình hay, sáng tạo, cách làm hiệu quả, thiết thực, cần được nghiên cứu nhân rộng trong toàn lực lượng.
Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La Vảng A Lả cho biết: “Sau 7 ngày huấn luyện, các chiến sĩ nhí tham gia lớp học đã thay đổi cơ bản theo hướng tích cực và trưởng thành nhanh chóng. Các em đã mạnh dạn, hòa đồng hơn, tự tin hơn và đặc biệt đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức và kỹ năng mà các cô, chú truyền đạt. Nhiều em còi xương, suy dinh dưỡng, thể lực yếu, qua những ngày được ăn uống đầy đủ, sinh hoạt, tập luyện nền nếp theo chế độ, được uống bổ sung các loại vitamin, tình trạng thể lực đã tốt lên trông thấy...”.
Đặc biệt, trong chương trình này, các em đã được ban tổ chức đưa về Hà Nội tham quan và được lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, lãnh đạo T.Ư Đoàn gặp gỡ, trao quà. “Khi được đến thủ đô, các em vô cùng thích thú, như được tiếp xúc với “thế giới thần kỳ” và mở mang đầu óc. Việc gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao và được chia sẻ, yêu thương đã khiến các em rất tự hào, từ đó giúp các em có ý chí vươn lên”, trung tá Báu nói.
Theo trung tá Báu, hiện 57 HS này đều được BĐBP tỉnh đỡ đầu, hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng và cử cán bộ kèm cặp dạy bảo. Có nhiều em được đón về đồn biên phòng để nuôi dưỡng, dạy dỗ. Nhiều em từ những HS có học lực trung bình đã trở thành học sinh khá, giỏi.
“Nhìn các em ngày một trưởng thành và có những hoài bão, ước mơ, chúng tôi thấy rất hạnh phúc, nhưng điều day dứt của chúng tôi là chưa giúp đỡ được nhiều cho các em, vì không có kinh phí”, trung tá Báu chia sẻ.
Trung tá Báu cho biết thêm, để tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội như vừa qua, các chiến sĩ biên phòng đã góp mỗi người từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng để mua đồ dùng, quần áo và chăm lo cho các em. Đặc biệt, để đưa các em về Hà Nội, đơn vị đã đi vận động quyên góp từ các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ để tổ chức được nhiều hơn chương trình như thế này cho các em”, trung tá Báu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.