Vui buồn thú y miệt vườn: Nỗi niềm… hoạn lợn!

Như Lịch
Như Lịch
26/06/2021 06:00 GMT+7

Hoạn lợn (thiến heo) là tiểu phẫu đơn giản, hầu hết thú y miệt vườn thực hiện 'trong vòng một nốt nhạc'. Nhưng khi tìm hiểu nỗi niềm của họ, mới hay rằng có những người e dè với việc làm này.

Làm nghề phối tinh cho heo, anh Phan Văn Nghĩa (48 tuổi, ngụ xã Nam Chính, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) kiêm luôn việc thiến heo. Anh Nghĩa nói: “Trừ những con làm giống, còn lại heo đực nuôi lấy thịt đều phải thiến hết. Mục đích là để heo mau lớn và thịt không bị hôi xạ. Tui hay đi thiến heo, thấy cần thiết nên không lăn tăn gì cả”. Thực tế, không phải ai cũng có quan niệm phổ biến này.

“Mai mốt mày chết, nó thiến lại…”

Bác sĩ thú y Ngọc Tư (53 tuổi, ngụ tại TT.Đức Tài, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) được nhiều người dân địa phương đánh giá là giỏi nghề, vừa điều trị vừa chăn nuôi hiệu quả. Tuy nhiên, trong những cột mốc quan trọng của đời sống cá nhân, ông Tư bỗng từ giã một số phần việc sở trường, khiến khách hàng không khỏi băn khoăn.
Một ngày tháng 5, chúng tôi nhờ người quen ông Tư dẫn đến ngôi nhà nơi ông để bảng hiệu hành nghề: “Thuốc thú y Ngọc Tư, chuyên điều trị bệnh gia súc, gia cầm”. Trước hiên, cây bơ tươi tốt và sum suê trái tỏa bóng mát rượi. Đi vô vài mét, chúng tôi như bước vào “thế giới ẩn dật” yên tĩnh của vị bác sĩ thú y này. Ông Tư sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi ở cái chái bên hông nhà. Còn gian chính là nơi ông thờ tự và tu tập, khách không được lai vãng.
Ông Tư từng học trung cấp thú y tại Trường trung học Kỹ thuật nông nghiệp Bảo Lộc (tiền thân của Trường cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Đi làm khoảng 3 năm, ông học tại chức ngành thú y ở Trường đại học Nông Lâm TP.HCM.
Khi buổi trò chuyện trở nên cởi mở hơn, ông Tư thổ lộ: “Cuộc đời mình cũng có những cái kỳ lạ. Thời gian mình ra nghề rồi và đã thiến heo, ông già mình bảo: “Mày đừng có thiến heo nha, mai mốt mày chết nó thiến lại!”. Trời ơi, lúc đó tui là sát thủ thiến heo, làm rất lẹ và mau lành. Nhưng từ khi ba tui nói vậy, tui không dám nữa”.
Vui buồn thú y miệt vườn: Nỗi niềm… hoạn lợn!1

Thú y Võ Đăng Tiến cho biết anh làm gì cũng được, trừ thiến heo

Anh Nguyễn Hữu Thảo, một tài xế ở xã Nam Chính (H.Đức Linh), góp chuyện: “Tay nghề của anh Tư thuộc loại dữ dằn trong huyện này, kể cả khâu đỡ đẻ cho gia súc”. Ông Tư xác nhận có giai đoạn ông tâm huyết với mảng đỡ đẻ cho heo, bò và coi đó là nguồn “kiếm cơm” ngon lành.
Vậy mà khoảng một năm nay, ông Tư thôi đỡ đẻ và cũng không còn chăn nuôi gà siêu trứng, chim trĩ. Ông bộc bạch: “Ba mẹ tôi là người đạo Cao Đài. Bây giờ tôi đã bước vào con đường tu tập, ăn chay nên chỉ tập trung điều trị, cứu chữa chứ không sát sinh. Riêng đỡ đẻ cũng là cứu chữa nhưng khi làm việc đó, mình vô cúng hay ngồi thiền hay bị nhức đầu”. Với một số ca không thể từ chối như chỗ thân thiết nhờ vả hoặc thấy con vật có nguy cơ bị chết, ông Tư đành làm “ông đỡ” nhưng không lấy tiền.
Hành nghề thú y tự do gần 20 năm, anh Võ Đăng Tiến (ngụ xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cảm thấy chùn tay nhất là chuyện… thiến heo. Anh Tiến cho biết một số người chăn nuôi giao khoán cho anh chăm sóc đàn heo của họ trong toàn bộ quá trình: phối giống, mang thai, đẻ, tiêm ngừa, chích bổ sung sắt, thiến…
Đích thân anh Tiến lo các công đoạn, trừ việc thiến heo là anh nhờ đồng nghiệp. Sau khi đặt lịch hẹn với các chủ nhà có heo con cần thiến, anh Tiến dẫn thú y đến thực hiện. Lần đầu, lần thứ hai, người ta chấp nhận cho “thiến thế”. Nhưng lần thứ ba, có những chủ nhà phản ứng khá gay gắt: “Nếu ông không thiến được thì thôi, tui mướn người khác!”. Đôi lúc sợ bị mất mối, anh Tiến miễn cưỡng làm cái việc anh luôn muốn tránh né.
Chia sẻ với tôi, anh Tiến giãi bày: “Tui nghĩ mình theo nghề thú y thì đương nhiên có thiến heo, đó là chuyện bình thường và dễ dàng. Nhưng thực tế mỗi lần thiến heo, lương tâm mình cắn rứt ghê lắm! Vì tui thấy tội cho nó, sinh lý tự nhiên của con vật cũng giống như mình”.
Vui buồn thú y miệt vườn: Nỗi niềm… hoạn lợn!2

Bác sĩ thú y Ngọc Tư từ lâu giã biệt thiến heo

ẢNH: NHƯ LỊCH

Có lý do chính đáng mới nhận triệt sản

Thừa nhận bản thân từng một thời thiến heo nhiều đến nỗi muốn “nát tay”, bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn (47 tuổi, ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cũng không ngờ có ngày anh e dè với tiểu phẫu hết sức đơn giản này.
Anh Tuấn nhớ lại: “Trước đó, tôi toàn thiến sống con heo. Nó đau, la hét, nhưng mình không cảm nhận nỗi đau của nó. Bởi mình làm theo kiểu kinh doanh, tốc độ ào ào, thiến 20 - 30 con/lần, để chi phí càng ít càng tốt. Hết con này đến con kia, mình cứ rạch xong và sát trùng một cái là thả nó xuống, mặc cho nó tự lành sau 2 - 3 ngày”.
Khi đã vượt qua giai đoạn lao vào làm bất kể việc gì trong nghề thú y để kiếm sống, anh Tuấn có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Anh cảm nhận nỗi đau của loài vật, không bỏ qua yếu tố tâm linh khi hành nghề. Vài năm gần đây, mỗi khi phải thiến heo, anh Tuấn gây tê tại vùng mổ cho nó đỡ đau. Thiến xong, anh thắt mạch máu, may vết mổ, sát trùng, bơm kháng sinh chống viêm… cho con vật.
Từ lúc mở Phòng khám thú y Tuấn Hằng (năm 2019), anh Tuấn chỉ nhận thiến những con heo bất thường về đường sinh sản như bị tinh hoàn ẩn. Đặc biệt, khi khách hàng đưa chó kiểng, mèo kiểng đến triệt sản, anh Tuấn luôn hỏi tại sao phải làm điều này. Anh Tuấn khẳng định: “Con người hay có tình thương và sự gắn bó thân thiết với chó, mèo nuôi. Cho nên, chỉ khi nào có lý do chính đáng thì mình mới triệt sản chó, mèo”.
Tôi thắc mắc: “Lý do thế nào mới được xem là chính đáng?”. Anh Tuấn cắt nghĩa: “Ví dụ khách hàng nói con chó đực đó cần phải thiến bởi nó chạy ngoài đường theo chó cái, dễ bị tai nạn hoặc bị bắt làm thịt. Mình thấy hợp lý, thà nó hy sinh giống nhưng giữ được mạng”.
Nếu khách hàng đem chó, mèo tới triệt sản vô cớ, anh Tuấn can ngăn: “Đừng thiến, tội nghiệp nó”. Rồi anh giải thích về luật nhân quả, kết cục là khách… tự động ôm chó mèo ra về! Bác sĩ thú y Dư Đình Tuấn thẳng thắn: “Không phải yêu cầu nào của khách hàng, mình cũng đều đáp ứng để lấy tiền. Thử nghĩ trường hợp con chó đang vui vẻ bình thường, mình đè nó triệt sản sao đành?”.
Mặt khác, có những ca anh Tuấn chủ động tư vấn khách hàng phải thiến hoặc cắt bỏ tử cung cho thú cưng. Chẳng hạn qua siêu âm, anh thấy hình ảnh tử cung của con chó bị viêm rất nặng. Con chó có thể chết vì đau đớn, không ăn uống được. Nếu khách hàng nhận thấy nhất thiết cắt bỏ tử cung cho con chó đồng thời ký vào bản cam kết, anh Tuấn đưa ra mổ ngay và luôn! 
Anh V.T (hành nghề thú y tự do tại một xã của H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) từng mua thuốc tê về chích cho heo bớt đau đớn rồi mới thiến. Sau đó, anh thấy làm như vậy là thêm chi phí, phức tạp và lâu hơn trong khi anh phải chạy đua với thời gian “làm rẹt rẹt hết nhà này đến nhà khác”. Anh V.T đành quay lại cách thiến sống như bao người khác, mà lòng nặng trĩu: “Tội nghiệp nó!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.